Nguồn sáng ERPA
Lên thôn, bản các xã biên giới Tri Lễ, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Thông Thụ… của huyện núi Quế Phong dịp này, sẽ gặp nhiều những “tiểu công trình” đường giao thông, điện chiếu sáng, nhà văn hóa… mới hoàn thành, nghe người dân phấn khởi kể việc thụ hưởng chính sách chi trả giảm phát thải khí nhà kính, và thấy ở họ sự gắn kết với Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt, chung tay quyết tâm gìn giữ, bảo vệ rừng.
Nhật Lân - Võ Hải • 31/12/2024
Xứ "vạn đào" Pà Khốm của đồng bào Mông xã biên giới Tri Lễ nằm cheo leo trên núi cao. Những năm trước, để lên được Pà Khốm rất vất vả, rời Quốc lộ 16 sẽ phải ngược núi theo lối mòn hẹp, dài hơn 1km, dốc đến hơn 30 độ. Nay lên Pà Khốm đã thuận lợi, bởi phần lớn lối mòn được thay thế bằng đường bê tông dày gần 20cm, rộng 3m.
Trên con đường mới, Bí thư Chi bộ Và Bá Dê hào hứng kể, khoảng giữa năm 2024, bản Pà Khốm được Khu BTTN Pù Hoạt và cấp ủy, chính quyền thông tin việc thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP. Bản Pà Khốm gồm 98 hộ được Khu BTTN Pù Hoạt giao khoán bảo vệ 293 ha rừng bám theo 1,8km đường biên. Có Chương trình ERPA, kinh phí bảo vệ rừng được nâng từ hơn 100 triệu đồng lên 218 triệu đồng, và được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng một công trình công cộng. Với mức hỗ trợ này, cộng đồng đã thống nhất xây dựng tuyến giao thông chính.
“Trước đây, đường lên bản rất khó, vào mùa mưa rất trơn, bà con không thể đưa con đi học do trường ở xa, nên rất tội các cháu. Vì vậy, khi lấy ý kiến, bà con đều nói bản cần nhất là đường giao thông và đề nghị làm đường bê tông lên bản…” - Bí thư Chi bộ Và Bá Dê nói. Rồi anh kể, với 50 triệu đồng của Chương trình ERPA, bản có thêm hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, tổng cộng hơn 200 triệu đồng để mua vật liệu. Quá trình thi công, đều do người của bản gánh vác nên đã hoàn thành được con đường mới. Và Bá Dê hồ hởi: “Chỉ còn một đoạn nữa là có đường bê tông đến tận trung tâm bản. Nhưng như thế này bà con cũng đã vui lắm rồi…”.
Hỏi về công tác bảo vệ rừng, Bí thư Chi bộ bản Pà Khốm thành thật cho biết, khi cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thì vẫn còn một số người áy náy, cho rằng kinh phí không đảm bảo sẽ ảnh hưởng cuộc sống. Vì vậy, Chi bộ và Ban cán sự bản đã rất tích cực tuyên truyền chủ trương của Nhà nước để xóa đi những suy nghĩ chưa đúng của một bộ phận bà con. “Giữ được rừng thì giữ được môi trường trong lành, giữ được nguồn nước cho bản, cho chính mình, lại có thêm lợi ích cho từng gia đình, cho cộng đồng…” – Bí thư Chi bộ Và Bá Dê nói. Chúng tôi hỏi, ở năm tiếp theo nếu được hỗ trợ thì sẽ lựa chọn xây dựng công trình gì? Anh Và Bá Dê trả lời: “Việc này cần phải họp lấy ý kiến của bà con nhân dân để có sự thống nhất. Nếu không lấy ý kiến của bà con, hiệu quả sẽ không cao. Nhưng công trình nào cần thiết mới lựa chọn…”.
Rời Pà Khốm, chúng tôi đến Tân Thái, một trong những bản của đồng bào Thái xã Tri Lễ. Bấy giờ 17h15’, xứ núi chiều Đông đã bị bóng núi xanh chàm trùm kín, nhưng trên con đường khúc khuỷu quanh co trong bản, hệ thống đèn đường chiếu sáng rõ những mô đất gồ ghề. Ông Lương Văn Hành (70 tuổi) có nhà sát đường cho biết, hệ thống đèn đường mới hoàn thành được đúng một tuần, “là công trình phúc lợi anh em Pù Hoạt làm cho dân”. Theo Trưởng bản Tân Thái Lương Văn Dần, do tuyến chính còn là đường đất nên việc đi lại về đêm của bà con gặp khó khăn. Đặc biệt, bản có điểm trường Tiểu học Tri Lễ 1 và trường Mầm non, các cháu ôn tập bài vào ban đêm đi lại rất vất vả. Vì vậy, Chi bộ và Ban cán sự bản đã lựa chọn để họp dân lấy ý kiến. Với sự ủng hộ 100% từ cộng đồng, bản đã báo cáo lên cấp ủy, chính quyền xã và Khu BTTN Pù Hoạt, sau đó làm các thủ tục để tổ chức xây dựng hệ thống đèn đường. 40 cột đèn trên tuyến đường chính dài hơn 800m, vì vậy được hoàn thành, thắp sáng từ 17h chiều đến 5h sáng hôm sau. “Có đèn đường, bà con Tân Thái rất phấn khởi cảm ơn Khu BTTN Pù Hoạt. Bà con đi làm ăn xa biết tin cũng đưa lên Facebook chúc mừng…” - Trưởng bản Lương Văn Dần vui vẻ nói.
Cũng theo Trưởng bản Lương Văn Dần, bản có 65 hộ tham gia bảo vệ hơn 500ha rừng. Năm nay, nhờ có thêm nguồn kinh phí từ Chương trình ERPA nên được nhận hơn 300 triệu đồng. Nguồn tiền này, phần lớn chia cho các hộ tham gia bảo vệ rừng, một phần dành để tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, bên cạnh đó, dành một khoản đầu tư hạ tầng thôn bản, và tổ chức các sự kiện ngày Đại đoàn kết, ngày khai Xuân… “Được cấp ủy, chính quyền, Khu BTTN Pù Hoạt tuyên truyền, lại có một nguồn tiền khá lớn ổn định hàng năm, ý thức của bà con đã thay đổi, chấp hành nghiêm các quy định, nhất là quy định của Luật Lâm nghiệp...” – Trưởng bản Lương Văn Dần khẳng định.
Ở xã biên giới Hạnh Dịch, đến nay 6 bản Long Thắng, Long Tiến, Hạnh Tiến, Quang Vinh, Vinh Tiến và bản Chiếng đều đã được thụ hưởng Chương trình ERPA. Như bản Long Tiến, được Khu BTTN Pù Hoạt giao khoán bảo vệ hơn 1.000 ha rừng, có thêm kinh phí từ Chương trình ERPA, cộng đồng thôn, bản nhận được 462 triệu đồng, và được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm gần 100m đường bê tông lên vùng sản xuất. Có nhà ở sát đường bê tông mới, bà Vi Thị Minh cho biết, khi cộng đồng nhất trí làm đường thì mừng lắm. Nay thì rất vui, thi thoảng bà lại ra đứng ngắm đường.
Theo Trưởng bản Long Tiến Hà Văn Cường, chi phí vật liệu làm đường hết 67 triệu đồng, nhân công thì huy động từ 144 hộ trong bản. Ông Cường nói: “Số tiền 462 triệu đồng sẽ chia cho các hộ dân, bản giữ lại 62 triệu đồng để phục vụ tuần tra rừng và một số hoạt động. 17 triệu đồng còn thiếu sẽ lấy kinh phí bảo vệ rừng của cộng đồng bù vào. Dự tính sang năm nếu được hỗ trợ, sẽ đầu tư hệ thống chiếu sáng đường trong bản…”.
Ở bản Long Thắng, mới làm được nhà văn hóa cộng đồng bằng gỗ lợp mái sa mu rất đẹp. Bởi vậy, dân bản chung nguyện vọng lợp thêm giàn tôn, vừa làm mát cho bà con khi dự lễ, họp hành, vừa giữ cho nhà tránh bị mưa hắt vào, tăng độ bền cho nhà văn hóa. Nguyện vọng này đã được thực hiện, hệ thống giàn tôn rộng 200m2 bao quanh nhà văn hóa hoàn thành trước ngày dân bản tổ chức họp, bầu Trưởng bản mới…
Thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đối với loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính. Nguồn thu từ Chương trình ERPA được chi trả theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP cho cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, và hỗ trợ hoạt động sinh kế với định mức không quá 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm.
Nghệ An là 1 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ thực hiện Nghị định 107/2022/NĐ-CP khá sớm, nhưng có không ít quy định khi quy chiếu với thực tiễn thì có vướng mắc, bất cập, mất nhiều thời gian phân tích, làm sáng rõ. Thậm chí, đã phải tổng hợp các nội dung vướng mắc để kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét, hướng dẫn lại. Đến giữa năm 2024, Chương trình ERPA mới thực sự bắt đầu được triển khai xuống đối tượng thụ hưởng. Chính vì vậy, những gì được thấy, được nghe từ các bản làng biên giới Quế Phong, thực sự thú vị.
Liên hệ đến Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt, được Giám đốc Nguyễn Văn Sinh trao đổi, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế, thì các nguồn từ dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế, đặc biệt là nguồn từ Chương trình ERPA hết sức quan trọng. Có thêm nguồn từ Chương trình ERPA, sẽ góp phần giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống cho người tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào vùng núi cao như huyện biên giới Quế Phong, qua đó góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, tăng độ che phủ rừng. Chính vì vậy, Khu BTTN Pù Hoạt xác định việc thực hiện Chương trình ERPA là nhiệm vụ quan trọng để chủ động vào cuộc sớm. Ngay từ tháng 1/2024, Khu BTTN Pù Hoạt đã lựa chọn nhân sự để thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch chi tiết nội dung công việc cho từng thành viên để tổ chức triển khai.
Là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt, ông Nguyễn Văn Sinh chịu trách nhiệm chỉ đạo chung việc thực hiện Chương trình ERPA. Trong trao đổi, ông nhắc nhiều đến việc triển khai thực hiện các công trình hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng các thôn, bản. Theo ông, đây là một nội dung “khó” nhưng “hay”, dù mức hỗ trợ một công trình chỉ 50 triệu đồng, nhưng làm được thì có sự lan tỏa rất lớn trong nhân dân, được cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở ủng hộ. Suy nghĩ này bám lấy ông từ khi tiếp cận Nghị định 107/2022/NĐ-CP, vì rằng, các công trình được thực hiện từ ý nguyện của dân, do dân tự lên phương án triển khai đến khi hoàn thành, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức liên quan như Khu BTTN Pù Hoạt chỉ thực hiện các bước lập hồ sơ, giám sát thực hiện, nghiệm thu đến giải ngân theo quy định. Từ suy nghĩ đến hành động, tập thể cán bộ Khu BTTN Pù Hoạt đã vào cuộc, để đến thời điểm hiện tại, 44 thôn, bản của 9 xã huyện miền núi Quế Phong đã hoàn thành 44 công trình cộng đồng đạt chất lượng cao.
Giám đốc Nguyễn Văn Sinh trao đổi: “Việc thực hiện công trình cộng đồng là vì dân. Chúng tôi nghĩ, giúp được dân cũng là giúp chính bản thân mình. Nhân dân được hưởng lợi, giảm bớt khó khăn thì thêm tin tưởng cấp ủy, chính quyền, thêm gắn bó cộng sự cùng cán bộ, nhân viên Khu BTTN Pù Hoạt. Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu khai thác hết các chính sách để dân được hưởng lợi. Những năm qua, Khu BTTN Pù Hoạt đã áp dụng chính sách dành cho rừng đặc dụng để thực hiện một số công trình cộng đồng nên đã có chút ít kinh nghiệm. Khi cấp trên triển khai thực hiện Nghị định 107/2022/NĐ-CP thì sớm tập trung nghiên cứu, có sự chuẩn bị chu đáo nên đã đạt được một số kết quả…”.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An, Khu BTTN Pù Hoạt là điểm sáng, là đơn vị duy nhất đã cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch. Ở đây, lãnh đạo quyết liệt, tập thể cán bộ tinh thông công việc, có sự chuẩn bị tốt để khi Chương trình ERPA được thực hiện thì triển khai xuống đối tượng thụ hưởng nhanh. Việc thực hiện hoàn thành 44 công trình hỗ trợ sinh kế, được cấp ủy, chính quyền huyện Quế Phong và các xã trên địa bàn rất ghi nhận.
(Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An)
Ngày 26/11/2024, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, có tính đến năm 2050. Ở Hội nghị này, tham luận của nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên, đã nhắc đến chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; so sánh độ che phủ rừng 58,3% của tỉnh với độ che phủ rừng bình quân 43% của cả nước để phân tích sâu, khẳng định Nghệ An đang gánh trên vai trọng trách cho quốc gia, cần có chính sách ngang bằng. Vì theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đã đến lúc không nên nhìn rừng bằng nguồn lợi lâm sản, mà là về vấn đề môi trường toàn cầu, vấn đề sinh tồn của loài người.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, hiện nay khi nói đến sử dụng rừng, người ta đã nói về tính đa tác dụng của rừng, chứ không còn riêng về giá trị lâm sản. Cụ thể như giá trị dịch vụ môi trường, du lịch, hoặc cây dược liệu... Đặc biệt, xu hướng của thế giới đang nghiêng về môi trường thông qua hoạt động mua bán tín chỉ các bon. Xu thế này đang mở ra cho Việt Nam những nguồn lợi to lớn từ rừng. Từ năm 2025 - 2027, Việt Nam sẽ vận hành thử nghiệm thị trường các bon để chính thức đi vào hoạt động ở năm 2028. Đến thời điểm này, nguồn lợi thu được từ rừng rất lớn, trở thành nguồn thu chính và có tính ổn định, bền vững.
Vì vậy, đối với những khu vực rừng tự nhiên lớn, chủ yếu tập trung ở các khu vực dân cư đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đặc biệt có giá trị, cần được quan tâm bảo vệ. Từ đó, để đảm bảo giữ được những vùng rừng rộng lớn này, cần có những chính sách đảm bảo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, và có những chính sách dành cho những người bảo vệ rừng. “Như Chương trình ERPA, là bước đầu thử nghiệm thị trường các bon của Chính phủ dành cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, thực sự là nguồn sáng cho những người tham gia bảo vệ rừng…” - Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt Nguyễn Văn Sinh trao đổi.