3 cái khó ở bản Quỳnh

13/12/2011 17:47

(Baonghean) - Ngày đó, trưởng bản Lô Văn Ba chia sẻ: “Về vùng đất mới, chúng tôi quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm mới để xây dựng cuộc sống mới”. Sau 2 năm trở lại, nhiều cái mới đã hiện hình nhưng vẫn còn đó bao nỗi băn khoăn và trăn trở...

Khởi sắc trên “quê mới”

Về vùng khe Quỳnh, bản Tổm được đổi tên thành bản Quỳnh. Con đường 48C nối Quốc lộ 7A và Quốc lộ 48, nối 2 huyện Tương Dương và Qùy Hợp dường như ngày một đông đúc, nhộn nhịp hơn. Nằm bên trục đường này, bản Quỳnh có nhiều cơ hội để giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội, có điều kiện để mua sắm xe máy đáp ứng nhu cầu đi lại nhanh và kịp thời, điều này khi còn ở vùng lòng hồ chỉ là một “giấc mơ”.

Bản Quỳnh hiện có 93 hộ, nhưng hiện còn có 7 hộ đang cư trú ở vùng lòng hồ, chưa chịu về khu tái định cư. Dân số của bản 100% là dân tộc Thái. Thực hiện chủ trương di dân tái định cư để xây dựng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, đa số người dân bản Tổm (cũ) đã về vùng khe Quỳnh và đang từng bước ổn định cuộc sống. Thay đổi điều kiện sống và sản xuất đồng nghĩa với việc thay đổi cung cách làm ăn, nhưng người dân bản Quỳnh đã từng bước thích nghi và tạo dựng cuộc sống mới trên vùng đất mới. Bà con xác định lúa rẫy và sắn là những cây trồng “chủ lực”. Cùng với đó là tận dụng đất để phát triển thêm cây keo, cây xoan. Đồng thời, tận dụng nguồn thức ăn từ sắn để phát triển đàn lợn, đàn gà, góp phần nâng cao mức sống. Có những hộ có lợi thế về nguồn nhân lực đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi và bước đầu đã có của ăn, của để. Điển hình như hộ ông Kha Bốn My trồng được 17 vạn gốc sắn, mấy chục kg lúa giống và đàn lợn có khi lên đến hàng chục con.



Niềm vui được mùa của người dân bản Quỳnh, xã Xiêng My (Tương Dương).

Niềm vui chưa trọn

Đang trong mạch phấn khởi trong niềm vui được mùa và những đổi thay trên quê mới, trưởng bản Lô Văn Ba chợt ngừng câu chuyện, vẻ mặt trở nên đăm chiêu bộc bạch: “Cùng với niềm vui ban đầu, bà con bản Quỳnh vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn, trăn trở lắm”. Rồi Lô Văn Ba cho biết khó khăn trước tiên vẫn là vốn đất sản xuất. Về đây tái định cư, bà con bản Quỳnh được giao 1hộ/1ha đất rẫy và một ít đất bằng. Số đất này so với khi còn ở quê cũ là chưa thấm vào đâu. Vì bà con vẫn còn duy trì cung cách làm ăn cũ, tức là hình thức quảng canh. Với số diện tích đất nói trên, chỉ được khoảng 1-2 mùa rẫy sẽ hết đất mùn và sẽ không được mùa nữa. Trong khi đó, bà con chưa quen với biện pháp thâm canh, đầu tư phân bón để tăng năng suất, nên trong những năm tiếp theo, cái đói, cái nghèo có khả năng sẽ trở lại đe dọa. Đó là chưa kể số diện tích đất này lâu nay còn bị người dân bản địa tranh chấp khiến người dân bản Quỳnh chưa thật sự yên tâm sử dụng và sản xuất.

Cái khó thứ hai là toàn bộ hệ thống đường ống và 12 bể nước sạch đã bị hư hỏng hoàn toàn. Trưởng bản Ba cho biết: “Trước khi về khe Quỳnh, cán bộ Ban Quản lý Thủy điện 2 nói rằng hệ thống nước sạch đã được lắp đặt hoàn chỉnh. Nhưng khi về chỉ có vài bể còn chứa nước, còn lại khô trơn. Đến nay không còn một bể nào có nước. Bà con phải xuống suối lấy nước sinh hoạt, gần đây các con suối đã bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm, một số người mắc bệnh ngứa, mẩn nổi khắp người nhưng hiện không có cách nào khác”.

Và cái khó thứ ba là an ninh trật tự và an toàn xã hội. Bản Quỳnh là điểm giáp ranh giữa các huyện: Tương Dương, Con Cuông, Qùy Hợp và Qùy Châu nên các đối tượng bất hảo thường xuyên về đây hoạt động. Do vậy, tình trạng trộm cắp, gây rối trật tự, đặc biệt là tệ nạn buôn bán và sử dụng ma túy diễn ra khá thường xuyên. Nhắc đến tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy, anh Lô Văn Ba phân trần: “Hai năm trước, tôi nói với anh việc đầu tiên về đây là người dân phải đoạn tuyệt với ma túy để làm ăn. Nhưng đến nay vẫn chưa thể làm nổi, vì quanh đây có nhiều tụ điểm buôn bán, các đối tượng bất hảo thường xuyên hoạt động, thậm chí còn công khai dựng chòi để làm nơi tiêu thụ thì người dân, đặc biệt là lớp trẻ đoạn tuyệt sao được? Nói thật, trong số nam thanh niên của bản, hiện nay chúng tôi tính được chỉ có chừng 4 người không dính dáng đến ma túy, còn lại đều có liên quan, không ít thì nhiều”. Về vấn đề này, có lần làm việc với đại diện Ban Biên tập Báo Nghệ An (về việc đỡ đầu giúp xã Xiêng My thoát nghèo), ông Lô Xuân Tình, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy ở Xiêng My đã trở thành một tệ nạn nhức nhối. Chúng tôi gần như bất lực trong việc giải quyết, xóa bỏ các tụ điểm, nếu như không có sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng”.

Trao đổi thêm với trưởng bản Lô Văn Ba: Vậy bà con bản Quỳnh cần thêm những điều gì để tiếp tục ổn định cuộc sống và thật sự an cư, lạc nghiệp? Không một giây suy nghĩ, Trưởng bản Ba trả lời: “Chúng tôi không có gì để kiến nghị nhiều, chỉ cần các cấp chính quyền và các ngành chức năng giải quyết dứt điểm 3 vấn đề đã nêu: đất sản xuất, nước sinh hoạt và trật tự an toàn xã hội”!


Công Kiên

Mới nhất
x
3 cái khó ở bản Quỳnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO