3 tuyến cao tốc trọng điểm thông xe dịp 30/4 và 19/5
Cao tốc Bắc - Nam các đoạn Mai Sơn - QL45 (Thanh Hóa), Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) cơ bản hoàn thiện các hạng mục, đáp ứng kế hoạch thông xe vào hai dịp lễ 30/4 và ngày 19/5.
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 (qua Ninh Bình - Thanh Hoá) là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Dự án có 5 gói thầu xây lắp với tổng chiều dài hơn 63 km, tổng mức đầu tư 12.111 đồng từ vốn ngân sách do Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120 km/h.
Với chiều dài toàn tuyến khoảng 63,37 km, cao tốc có2 hầm xuyên núi, trong đó, hầm Tam Điệp, công trình hầm đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã sẵn sàng phục vụ thông tuyến đồng bộ với chiều dài 245m, quy mô 3 làn xe cơ giới.
Kế tiếp hầm Tam Điệp là hầm Thung Thi, công trình lớn nhất trên tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 với chiều dài 680m cũng đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng sẵn sàng đưa vào phục vụ đúng tiến độ.
Ngoài 2 hầm, tuyến cao tốc cũng có 2 cầu tuyến chính Vĩnh An và cầu Núi Đọ, bề rộng cầu 23,5m (bố trí kết hợp với đường dân sinh).
Theo kế hoạch dự án hoàn thành tháng 12/2022. Tuy nhiên, trung tuần tháng 12/2022, do nhiều yếu tố khách quan, Bộ GTVT đã ra quyết định lùi tiến độ hoàn thành dự án Mai Sơn - QL45 đến ngày 30/6/2023 thay vì ngày 31/12/2022 như dự kiến. Thời điểm đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu, cao tốc Mai Sơn - QL45 thông xe kỹ thuật 31/12/2022 và đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2023. Sau đó dự án kéo dài thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2023 để hoàn thành các công việc còn lại.
Đến nay, theo Ban Quản lý Dự án Thăng Long, các gói thầu đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng sẵn sàng phục vụ người dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Riêng đoạn tuyến từ đầu dự án đến nút giao Đông Xuân (dài gần 54 km) đưa vào khai thác dịp 30/4/2023 đã cơ bản hoàn thành.
Như vậy, từ ngày 30/4, ô tô có thể lưu thông qua các nút giao Gia Miêu, Hà Lĩnh, Đông Xuân. Hai nút giao khác vẫn đang trong quá trình thi công, hoàn thiện là nút giao Đồng Thắng và Thiệu Giang.
Trao đổi với P.V VietNamNet, ông Lương Văn Long - Giám đốc Điều hành Dự án Mai Sơn - QL45 (thuộc Ban QLDA Thăng Long) cho biết: Dự kiến trên tuyến có 3 nút giao qua địa phận tỉnh Thanh Hóa đủ điều kiện đưa vào vận hành trong dịp nghỉ lễ này. Theo đó, dự kiến phương tiện lưu thông theo hướng Hà Nội - Thanh Hóa đi trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình và Cao Bồ - Mai Sơn khi đến nút giao Mai Sơn (tiếp giáp đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn ở TP. Tam Điệp) sẽ tiếp tục hành trình vào cao tốc Mai Sơn - QL45.
Sau khi hoàn thiện, tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ nối thẳng Ninh Bình đến địa phận thành phố Thanh Hóa (nút giao Đông Xuân). Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng của đất nước giúp kết nối các tỉnh miền Trung với Hà Nội và TP.HCM. Việc hoàn thiện và thông xe tuyến cao tốc này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân từ Hà Nội vào Thanh Hóa, rút ngắn chỉ còn 2 giờ.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km (đoạn qua Bình Thuận 47km, Đồng Nai 52 km) được khởi công từ tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Dự án gồm 4 gói thầu đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Hiện, khu vực nút giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã cơ bản hoàn thành.
Cao tốc được thiết kế quy mô 6 làn xe, nền đường hơn 32m, đạt vận tốc vận tốc tối thiểu 60 km/h, tối đa 120 km/h. Sau khi hoàn thành, quãng đường từ TP.HCM đến Kê Gà được rút ngắn còn gần 2 giờ và Phan Thiết khoảng 2,5 giờ.
Một đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã thảm nhựa, đi qua rừng cao su bạt ngàn thuộc huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Hai bên đường đã được hoàn thiện rào chắn, kẻ vạch sơn.
Trước ngày thông xe toàn tuyến, công trình này vẫn còn nhiều hạng mục đang phải gấp rút hoàn thành.
Trước đó, do thiếu vật liệu, nguồn đất, cát đắp nền khan hiếm, giá cao, việc thi công bị trì hoãn. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã gia hạn 4 mỏ đất đắp để chủ đầu tư có vật liệu xây dựng các tuyến đường ngang và đường song hành phục vụ người dân khi cao tốc hoạt động.
Hệ thống biển báo giao thông đã được lắp đặt dọc tuyến. Nhiều người dân ở hai bên đường tranh thủ lưu thông bằng xe máy qua lại ở những đoạn dải phân cách đang thi công dang dở.
Ngoài việc phải thảm nhựa tuyến chính, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn còn khối lượng lớn các hạng mục cần hoàn thành trước ngày 30/4 như lắp đặt khe co giãn các cầu trên tuyến chính, lắp đặt hệ thống biển báo, sơn kẻ đường, lắp dải phân cách, rào tôn sóng, rãnh thoát nước và tổ chức vệ sinh, dọn dẹp công trường.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng được hoàn thiện gấp rút để kịp thông xe vào dịp 30/4. Tuy nhiên, do còn vướng mắc một số điều kiện chưa đảm bảo an toàn, dự án này dự kiến lùi ngày khánh thành gần 3 tuần.
Toàn tuyến được thiết kế giai đoạn 1 gồm có 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 17m, tốc độ tối đa 80 km/h đi qua các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).
Khởi công từ tháng 9/2020, đến nay đoạn qua xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc của cao tốc đang được hoàn thiện các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông. Hiện mặt đường được thảm nhựa, kẻ sơn, hàng chục km dải phân cách đã lắp đặt.
Giống với một số dự án khác, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo không có làn dừng khẩn cấp liên tục mà thay vào đó là các điểm dừng khẩn cấp theo từng nhịp.
Dự án có 31 cầu trên tuyến chính, 20 cầu vượt trực thông, 1 cầu trên tuyến kết nối đường cao tốc với QL1 và 5 cầu vượt nút giao liên thông.
Tại nút giao cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo và QL28 thuộc thị trấn Ma Lâm, thời điểm này nhà thầu đang hoàn thành cầu vượt, thảm nhựa, trải bê tông mặt cầu, lan can... nhằm nhanh chóng đưa công trình vào khai thác.
Theo kế hoạch, lễ khánh thành 3 cao tốc trọng điểm này diễn ra vào dịp 30/4. Điểm cầu chính buổi lễ khánh thành sẽ tổ chức tại đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Điểm cầu còn lại diễn ra tại xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45).
Buổi lễ cũng dự kiến kết nối trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Thanh Hóa với điểm cầu chính tại tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, Bộ GTVT vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để lùi thời gian khánh thành Dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo sang ngày 19/5.
Theo báo cáo, trong quá trình triển khai thực hiện, mặc dù đã tập trung tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thi công; các nhà thầu đã hết sức nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt để huy động mọi nguồn lực, tổ chức triển khai thi công “3 ca, 4 kíp” nhưng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới chỉ hoàn thành các hạng mục trên tuyến chính, chưa bảo đảm tốt nhất về điều kiện an toàn khai thác cũng như thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Cụ thể, các nút giao liên thông, cầu vượt ngang chưa thể hoàn thành toàn bộ. Dự án hiện chỉ hoàn thành 2/5 nút giao liên thông, còn 3 nút giao (nút Ma Lâm, nút Chợ Lầu, nút Đại Ninh) chỉ hoàn thành thảm bê tông nhựa các nhánh nút, phạm vi tuyến nối mới hoàn thành lớp móng cấp phối đá dăm. Ngoài ra, 6 vị trí cầu vượt trực thông (đường dân sinh) chưa đắp đủ cao độ.
Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu đắp mới được tháo gỡ và khai thác lại vào đầu tháng 4. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù và chưa bàn giao mặt bằng. Quá trình triển khai thi công còn tình trạng một số hộ dân chưa đồng thuận, cản trở công tác thi công.