36 giờ đáng nhớ ở Hà Nội
36 giờ là khoảng thời gian mà 2 nhà báo Jonah M. Kessel và Eugene Yi đã bỏ ra cho một chuyến đi tới thủ đô Hà Nội và họ, với trải nghiệm được tổng kết trong một bài viết trên tờ New York Times.
Theo các tác giả, 5 năm trước đây, Hà Nội trong mắt người nước ngoài hơi giống… Washington - một thành phố là nơi tụ hội của các chính trị gia và quan chức. Nhưng từ 2010, cùng với dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, “nhịp tim” của thành phố đã đập nhanh hơn. Một đời sống sôi động hơn.
36 giờ ở Hà Nội (36 Hours in Hanoi) nằm trong chuỗi video du lịch 36 giờ của New York Times, với định kỳ mỗi tuần một đoạn phim. Tổng cộng đã có hơn 100 đoạn phim nói về nhiều thành phố trên thế giới, gồm Naples, Athens, Berkeley, Copenhagen, Florence, Nashville, Glasgow, Nice…
Hình ảnh trong đoạn phim 36 giờ ở Hà Nội |
Nếu chỉ có 36 giờ ở Hà Nội, các tác giả hướng dẫn độc giả làm một “tour” du lịch như dưới đây.
17 giờ thứ Sáu: Ngồi cà phê phố cổ ngắm cảnh tắc đường
17h là mốc thời gian thường diễn ra những trận tắc đường tai tiếng của Hà Nội. Đi giữa dòng xe trên đường không dễ chịu chút nào, nhưng nếu ngắm cảnh từ trên cao thì lại rất tuyệt. Địa điểm mà các tác giả gợi ý là quán cà phê phố cổ với món cà phê trứng nổi tiếng, giá đồ uống khoảng 100.000 đồng cho 2 người.
Khách gọi đồ uống ở tầng một và trèo 3 lượt cầu thang để lên sân thượng, nơi họ có thể ngồi trong buổi chiều ngắm hàng ngàn chiếc xe máy di chuyển xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
19 giờ 30 thứ Sáu: Ăn tối kiểu bao cấp
Độc giả được gợi ý dành bữa tối đầu tiên ở Việt Nam tại Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 để ăn theo phong cách thời bao cấp. Bữa tối ở đây vào khoảng 485.000 đồng cho 2 người. Các tác giả không bình luận về độ ngon mà nhấn mạnh chất dân dã và xa xưa của những món ăn. Họ nói rằng bát đĩa ở đây trông “khó có thể tìm thấy ở nơi khác”. Tóp mỡ, canh chua hay cơm cháy được đánh giá là những món ăn ấn tượng.
22 giờ thứ Sáu: Nghe nhạc, nhảy nhót
Quán bar CAMA ATK ở quận Hai Bà Trưng hay quán bar Madake Nightlife gần Hồ Tây là điểm đến. CAMA do một công ty chuyên tổ chức sự kiện âm nhạc lập ra nên thường mời những ban nhạc, DJ người nước ngoài đến biểu diễn. Đặc biệt có khu dành riêng cho người hút thuốc. Giá cocktail ở đây khoảng 150.000 đồng. Còn Madake có nhạc sống nhiều kiểu từ hát karaoke đến nhảy swing.
8 giờ 30 thứ Bảy: Ẩm thực đường phố
Có rất nhiều đồ ăn đường phố Hà Nội ngoài phở, vì thế hãy hủy bữa sáng ở khách sạn để dạo một vòng quanh các phố. Hanoi Street Food (Ẩm thực đường phố Hà Nội) là một trang blog do một cặp người Việt-Australia lập ra để chỉ dẫn cho các du khách các địa điểm ăn uống trong những ngõ nhỏ, ăn các món như miến lươn xào, bún riêu cua, bún thịt nướng…
13 giờ thứ Bảy: Tìm hiểu lịch sử đô thị
Trong thời gian giới hạn, nên chọn Hoàng thành Thăng Long, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, ở gần trung tâm thành phố. Khu di tích được xây dựng từ thế kỷ 11, ghi lại dấu ấn của nhiều triều đại phong kiến ở Việt Nam, đã lấy Thăng Long – Hà Nội là nơi đóng đô. Cạnh đó là Cột cờ Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với những chứng tích chiến tranh giá trị.
15 giờ thứ Bảy: Thăm thú nghệ thuật
Nếu vừa muốn kiếm chỗ ngồi chơi thư giãn vừa muốn thưởng thức thì du khách nên đến không gian nghệ thuật Manzi, quán cà phê tại một biệt thự Pháp cổ xây đầu thế kỷ 20 được tân trang lại. Các tác phẩm của những nghệ sĩ đương đại nổi bật của Việt Nam như Nguyễn Huy An được trưng bày tại đây.
Du khách cũng có thể mua đồ uống ở quán rồi đi bộ dạo quanh phố cổ gần đó, thăm thú phòng tranh của nhà sưu tập Suzanne Lecht và có một buổi chiều nghệ thuật ý nghĩa.
20 giờ thứ Bảy: Bữa tối đô thị
Hai du khách nước ngoài trả hơn 2 triệu đồng cho bữa ăn ở nhà hàng Pots ‘n Pans ở quận Hai Bà Trưng.
22 giờ 30 thứ Bảy: Đêm văn chương
Đến Tadioto, quán bar nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Quí Đức. Chủ quán vốn là nhà báo, nhà bình luận. Ông trở về Việt Nam năm 2006 và mở quán cách đây 2 năm. Ông mới chuyển Tadioto đến địa điểm hiện tại từ tháng 1, trước đó quán ở khu Zone 9 đã bị đóng cửa. Tại Tadioto có bar, nhà hàng, tranh và thời trang.
Tadioto vẫn thường tổ chức những buổi đọc thơ, nói chuyện và các buổi biểu diễn nghệ thuật.
9 giờ Chủ nhật: Bữa sáng kiểu Tây
Người nước ngoài thường ăn ở Hanoi Social Club, giá 440.000 đồng cho 2 người.
11 giờ Chủ nhật: Thăm Hồ Tây
Ở Hà Nội, các cửa hiệu quần áo, cà phê và những cửa hàng kinh doanh khác được xây dựng cạnh những ngôi chùa cổ bên bờ Hồ Tây. Khoảng 30km vòng quanh hồ cộng với các ngõ ngách và đường nhỏ khiến việc khám phá bằng xe đạp trở nên rất thích hợp.
Điểm bắt đầu có thể là cửa hàng xe đạp Hanoi Bicycle Collective, nơi du khách thuê xe đạp bình thường với giá 100.000 đồng, xe đạp leo núi 200.000 đồng. Trên đường đạp xe, du khách nên dừng chân ở phủ Tây Hồ.
Quanh Hồ Tây và ngay bên ngoài chùa, khách có thể ăn bún ốc, ốc xào chuối đậu rồi ghé thăm cửa hiệu thời trang Chula của Laura Fontan và Diego Cortizas, những người đến đây từ Barcelona. Du khách nên ghé thăm ngôi chùa Thiên Niên trầm lặng rồi uống cà phê đá ở quán Bên Hồ có phong cách xưa cũ. Trước khi quay về, du khách nên ghé cửa hàng vải Clom’s Closet.
Theo TT&VH