4 năm chờ giải phóng mặt bằng - trách nhiệm thuộc về ai?
(Baonghean.vn) Dự án xây dựng trung Tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp (BMC - Vinh - Plaza) tại ngã tư đường vào ga Vinh được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 12/2007. Qua gần 4 năm triển khai, dự án gần như dẫm chân tại chỗ do còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng...
(Baonghean.vn) Dự án xây dựng trung Tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp (BMC - Vinh - Plaza) tại ngã tư đường vào ga Vinh được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 12/2007. Qua gần 4 năm triển khai, dự án gần như dẫm chân tại chỗ do còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng...
Đền bù đất hay ki ốt ?
Theo phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) do Hội đồng Bồi thường GPMB Thành phố Vinh lập, dự án BMC - Vinh - Plaza có tổng diện tích quy hoạch 11.253,3 m2. Khu đất thực hiện quy hoạch bao gồm đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh của các đơn vị, cá nhân, trong đó riêng đất của Hợp tác xã Bình Vinh và Hợp tác xã Xuân Thành có tổng diện tích 6.206.6 m2. Phần còn lại là đất do UBND phường Quán Bàu quản lý. Ngoài ra còn có một phần đất của cơ sở kinh doanh Minh Hồng. Để giải tỏa toàn bộ khu đất này, Hội đồng Bồi thường thành phố đã tiến hành đo đạc, lập phương án đền bù.
Bà Thọ bên căn ốt đã ở từ năm 1987 đến nay.
Qua nhiều cuộc họp, đến nay toàn bộ diện tích đất của hai hợp tác xã Bình Vinh và Xuân Thành cũng như một phần lớn đất do UBND phường Quán Bàu quản lý đã được đền bù giải tỏa xong. Số hộ kinh doanh trên hai mặt đường Phan Bội Châu, Mai Hắc Đế cũng đã thống nhất với phương án đền bù, đa số đã nhận tiền. Tuy nhiên, hiện nay một thực tế đang diễn ra ở dự án này là "tiền đã trao" nhưng chủ đầu tư chưa thể có mặt bằng theo như cam kết ban đầu. Hàng loạt ốt, quán trên hai con phố này, đến nay dù đã nhận tiền và ký vào bản cam kết nhưng vẫn chưa chuyển đi, gây vướng mắc cho chủ đầu tư trong quá trình thi công.
Chúng tôi đã gặp ông Phan Văn Chẩm - hộ kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng trên đường Phan Bội Châu, được biết: "Tôi là một trong các hộ kinh doanh tại đây đã trên 20 năm. Trong các cuộc họp với Hội đồng Bồi thường GPMB cũng như nhà đầu tư, chúng tôi đã thương lượng và nhà đầu tư sẽ thống nhất cho chúng tôi thời gian 6 tháng để giải phóng hết hàng hóa, thu nợ cũng như để tìm điểm kinh doanh mới. Thế nhưng, mới nhận tiền tháng 7 mà tháng 8 thành phố đã yêu cầu chúng tôi bàn giao mặt bằng, làm sao chúng tôi xoay xở kịp".
Theo Khoản 2, Điều 28, Chương IV, Nghị định 197/2004/CP: Khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh mà bị ngừng trệ sản xuất thì được hỗ trợ cao nhất bằng 30%/1 năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân 3 năm liền kề đó. Nếu căn cứ vào đó, thì việc hỗ trợ không thể cào bằng mà cần phải căn cứ vào việc đóng thuế của các hộ kinh doanh...
Ngoài thắc mắc trên, vướng mắc lớn nhất ở dự án này đó là việc đền bù cho 6 hộ: dân kinh doanh trên đường Phan Bội Châu. Theo phương án đền bù thì đất của các hộ Đặng Văn Thìn, Nguyễn Thị Thọ, Nguyễn Hữu Hưởng, Phan Thị Lan, Nguyễn Kim Hòa (và chủ nhà hàng Minh Hồng) thuộc "các hộ tự xây dựng" và được đền bù giá trị tài sản trên đất và được hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng, hỗ trợ di chuyển và hỗ trợ ổn định đời sống.
Nhưng theo bà Nguyễn Thị Thọ - một trong những hộ dân cương quyết không nhận tiền đền bù thì: "Tôi đến đây ở từ tháng 1/1987, khi đó đây còn là một bãi sình lầy, nhiều tệ nạn xã hội". Tự bà đổ đất dựng cái ốt này và sinh sống ổn định, không tranh chấp từ năm 1987 đến nay. Nếu theo Điều 44, Nghị định 84/2007/NĐ/CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ thì đất sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng không có khiếu kiện, sinh sống ổn định thì phải được hỗ trợ về đất hoặc hỗ trợ về tái định cư...
Trao đổi điều này với ông Hồ Sỹ Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Quán Bàu về khu đất này, ông cũng khẳng định: Phường Quán Bàu mới được thành lập từ năm 2005, trước đó phường thuộc về phường Lê Lợi. Tuy nhiên, khi chuyển giao từ phường Lê Lợi về thì không có phần đất của các hộ kinh doanh trên. Từ đấy đến nay chúng tôi cũng chỉ thu phí kinh doanh các hộ này còn giữa các hộ không có kinh doanh, kiện tụng gì nhau...
Chờ đến bao giờ?
Câu hỏi này không riêng gì nhà đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại (BMC), mà còn của chính các hộ dân đang kinh doanh ở trên vùng đất dự án này. Bà Nguyễn Kim Hoà, một hộ kinh doanh: "Dự án đã triển khai quá lâu rồi, từ bấy đến nay chúng tôi đã không biết có bao nhiêu cuộc họp, mất rất nhiều thời gian. Việc kinh doanh vì thế cũng cầm chừng, đình trệ bởi chúng tôi không lấy hàng mới, không dám mở rộng kinh doanh buôn bán".
Bản thân ông Nguyễn Minh Công, Trưởng Đại diện BMC Nghệ An lo lắng vì để theo đuổi dự án này từ năm 2006 đến nay, công ty đã bỏ ra gần 40 tỷ đồng để thuê đơn vị thiết kế, tiến hành đền bù GPMB và trả lương cho bộ máy quản lý. Chủ đầu tư cũng cho rằng, thêm thời gian 6 tháng để các hộ kinh doanh giải toả hàng hoá, thu hồi công nợ là không thể, bởi trước khi nhận tiền các hộ dân đã cam kết: "Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận tiền, gia đình có trách nhiệm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án".
Về phía tỉnh, từ năm 2008 đến nay cũng đã có nhiều lần có văn bản yêu cầu UBND Thành phố Vinh khẩn trương lập phương án tiến hành đền bù, GPMB. Riêng trong năm 2011, thời gian bàn giao mặt bằng đã bị lùi lại ít nhất ba lần, lần mới đây, việc GPMB yêu cầu phải xong trước ngày 20/9 nhưng vẫn không thực hiện được.
Ông Nguyễn Tất Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vinh, đơn vị lập phương án bồi thường, GPMB về những vướng mắc hiện nay và phương án giải quyết ở dự án BMC - Vinh - Plaza cho rằng: "Hiện hồ sơ đang được xem xét lại nên không thể cung cấp, bản thân tôi cũng không nắm hết được vì mới nhận hồ sơ dự án này 1 năm nay"...
Song Hoàng