4 ngân hàng lớn bị nữ quái lừa hàng nghìn tỷ đồng

15/12/2012 22:54

Ngoài ACB, cơ quan điều tra cũng xác định Huỳnh Thị Huyền Như vay tiền và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ba ngân hàng lớn.

Kết thúc điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gần 4.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 17 bị can về 5 tội danh.

Theo kết luận điều tra, đầu năm 2007 bị can Huỳnh Thị Huyền Như - khi đó là cán bộ tín dụng Vietinbank chi nhánh TP.HCM - vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và nhiều cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Trong quá trình kinh doanh, do cần vốn nên Như còn vay nóng lãi suất cao của hàng chục cá nhân.


Sau khi vay nợ nhiều với lãi suất “khủng”, kinh doanh lại bị thua lỗ, trong năm 2010 các chủ nợ liên tục đòi tiền Huỳnh Thị Huyền Như.
Trước tình hình này, Như lợi dụng việc thông thạo nghiệp vụ ngân hàng, lợi dụng bản thân khi đó là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có quyền ký duyệt lệnh chuyển tiền từ ngân hàng đi các đơn vị để thực hiện hành vi phạm tội.


Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền bị Như chiếm đoạt là gần 4.000 tỉ đồng. C
ơ quan điều tra xác định từ tháng 5.2010 đến tháng 11.2011, Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) đã chỉ đạo thường trực HĐQT của ACB ra chủ trương để ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định.


Cụ thể, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9.2011, ACB đã ủy thác cho 19 nhân viên gửi tổng cộng gần 719 tỉ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP.HCM lãi suất trong hợp đồng 14%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm. Cơ quan điều tra xác định hành vi này đã vi phạm điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định về trần lãi suất. Toàn bộ số tiền gửi này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.




Bà Huỳnh Thị Huyền Như

Ngoài ACB, cơ quan điều tra cũng xác định Huỳnh Thị Huyền Như vay tiền và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ba ngân hàng lớn.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP MSB, hội đồng tín dụng của ngân hàng đã ký quyết định cấp hạn mức giao dịch cho Vietinbank 5.000 tỉ đồng và 50 triệu USD, thời hạn 12 tháng, lãi suất theo tình hình biến động của thị trường từng thời điểm.


Theo đó, MSB đã ký 73 hợp đồng ủy thác đầu tư với ba công ty Hưng Yên, Thịnh Phát, Phúc Vinh với tổng số tiền hơn 2.552 tỉ đồng. Sau đó, ba công ty này ký 72 hợp đồng gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với tổng số tiền trên 2.500 tỉ đồng.


Cơ quan điều tra nhận định bản chất của việc MSB ủy thác đầu tư cho ba công ty trên là để gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất từ 18-23%/năm, cao hơn trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định. Việc ủy thác gửi tiền tại Vietinbank được thực hiện khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Trong quá trình giao dịch hai bên không có thỏa thuận hưởng chênh lệch cá nhân nhưng có những sơ hở, thiếu sót nên bị Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng bọn lập hợp đồng giả, làm giả lệnh chuyển tiền của ba công ty này cho nhiều cá nhân, đơn vị và chiếm đoạt gần 1.600 tỉ đồng. Đến tháng 9.2011, trước khi khởi tố vụ án, ba công ty đã vay tiền của một đơn vị khác để trả lại cho MSB toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt.


Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB), thông qua sự sắp đặt của Lê Thị Thanh Phương (nguyên trưởng phòng nguồn vốn TPB) và Huỳnh Thị Huyền Như, TPB đã ký chín hợp đồng mua chứng khoán, môi giới chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư với Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty quản lý quỹ Lộc Việt trị giá 1.860 tỉ đồng. Sau đó, hai công ty này ký hợp đồng với Vietinbank Nhà Bè, Vietinbank TP.HCM để gửi toàn bộ số tiền này với lãi suất từ 13-14,8%/năm và bị Như làm giả hợp đồng, chiếm đoạt 550 tỉ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Nam Việt đã giải ngân vào tài khoản 14 cá nhân là nhân viên của ngân hàng này với số tiền hơn 1.500 tỉ đồng. Sau đó 14 cá nhân này làm thủ tục gửi tiền có kỳ hạn vào Vietinbank Nhà Bè với lãi suất từ 16,5-22,5%/năm và bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng.

Theo Tuoitre-M

Mới nhất
x
4 ngân hàng lớn bị nữ quái lừa hàng nghìn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO