5 bước quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm
Các bệnh do thực phẩm không an toàn làm tử vong gần 2 triệu người/năm, gây ra hơn 200 căn bệnh trên toàn cầu.
Ngày 7/4, tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm Ngày sức khỏe thế giới với chủ đề “An toàn thực phẩm”.
Tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra “5 bước quan trọng để đảm bảo thức ăn an toàn”. Đó là: Giữ vệ sinh sạch sẽ nơi chế biến thực phẩm; Bảo quản riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín; Nấu kỹ thức ăn để tiêu diệt hết vi khuẩn có thể gây bệnh; Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp; Sử dụng nước sạch và các thực phẩm tươi sống để chế biến.
Đảm bảo thực phẩm an toàn là trách nhiệm của nhà sản xuất và người tiêu dùng. |
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2014, cả nước đã có 194 vụ ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam, làm trên 5.000 người bị ngộ độc, 80% trong số đó phải nhập viện và 43 trường hợp bị tử vong. Số người bị ảnh hưởng và nhập viện đã giảm đi nhiều so với năm 2013.
Ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: Để thay đổi nhận thức về an toàn thực phẩm, chúng ta cần xây dựng chiến lược giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng, các chiến dịch, và thông tin rộng rãi về an toàn thực phẩm hướng tới cộng đồng…”.
Theo số liệu của WHO, thực phẩm không an toàn gây ra gần 2 triệu ca tử vong/năm và gây ra hơn 200 căn bệnh trên toàn cầu. Khi nguồn thực phẩm càng ngày càng có tính toàn cầu hóa cao, các nguy cơ mới liên tục gia tăng.
TS Satoko Otsu, Trưởng Nhóm giám sát và ứng phó các bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, từ năm 2010, ước tính đã có 582 triệu ca mắc 22 bệnh khác nhau liên quan đến đường tiêu hóa (trong đó 40% là trẻ em dưới 5 tuổi) và 351.000 ca tử vong.
Tại Mỹ, mỗi năm 1 trong 6 người bị bệnh do thực phẩm. Tại Việt Nam có 194 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra dẫn đến 4.000 ca phải nhập viện. Thực phẩm không an toàn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, xã hội, kinh tế và phát triển./.
Theo.VOV.VN