5 năm thực hiện Nghị quyết 30a: Bài 1: Chặng đường còn dài…

23/12/2014 08:35

(Baonghean) - Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a (sau đây xin gọi là Chương trình 30a) năm 2008 của Chính phủ nhằm xoá đói, giảm nghèo cho các địa phương đặc thù trong cả nước, là chương trình có tính bao hàm, tổng quát và đồng bộ. Chính tính tổng quát này làm nên đặc thù của một chương trình thực sự hướng tới mục tiêu thoát nghèo toàn diện; là lý do giải thích tính cần thiết của việc triển khai Chương trình 30a - sợi chỉ đỏ xuyên suốt công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cùng với sự "bổ sung", hỗ trợ của các chương trình khác… Ở Nghệ An có 3 địa phương được thụ hưởng Chương trình 30a, là các huyện Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn. Quá trình thực hiện cho thấy, đó là một chặng đường dài cần “vừa đi”, vừa “nhìn lại” để có sự điều chỉnh và thực hiện đáp ứng điều kiện thực tiễn để tới “đích”…

Đóng bầu ươm mây giống tại HTX Hạnh Dịch (Quế Phong).Ảnh: T.A
Đóng bầu ươm mây giống tại HTX Hạnh Dịch (Quế Phong). Ảnh: T.A

Nghệ An có 3 huyện thuộc Chương trình 30a là Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn. Từ năm 2013, theo Quyết định 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Quỳ Châu (một trong 23 huyện của của cả nước) được hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo định mức của Nghị quyết 30a trong thời gian 2013-2017. Trong khuôn khổ chuyên đề này, xin chỉ bàn đến 3 huyện được thụ hưởng đầy đủ các cơ chế, chính sách của Chương trình 30a.

Cán bộ xã Nga My (Tương Dương)  trao đổi với chủ hộ mô hình trồng sắn do Chương trình 30a hỗ trợ. Ảnh: T.A
Cán bộ xã Nga My (Tương Dương) trao đổi với chủ hộ mô hình trồng sắn do Chương trình 30a hỗ trợ. Ảnh: T.A

Huyện Quế Phong nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, cách Thành phố Vinh khoảng 180 km, diện tích tự nhiên 198.543 ha chia thành 14 xã, thị trấn, diện tích đất nông nghiệp là 4.712 ha (2,37%). Dân số trên 67.000 người, có 7 dân tộc: Kinh, Thái, Khơ mú, Mông, Thổ, Tày và Chứt. Ngoài những khó khăn, hạn chế về địa hình và khí hậu thì cơ sở hạ tầng và trình độ sản xuất còn thấp. Đặc biệt, huyện Quế Phong có 13 điểm tái định cư thuộc chương trình Thủy điện Hủa Na, nhiều hộ dân chưa nhận bàn giao đất sản xuất nên khó thoát nghèo, nguy cơ tái nghèo cao. Cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 58,22%, thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 7.2 triệu đồng/người/năm.

Huyện Tương Dương nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, cách Thành phố Vinh gần 200 km, diện tích tự nhiên 281.192,37 ha chia thành 18 xã, thị trấn, diện tích nông nghiệp khoảng 900 ha (0,32%). Dân số khoảng 71.000 người, có 6 dân tộc: Thái, Kinh, Khơ mú, Mông, Tày Poọng, Ơ Đu. Khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt. Bên cạnh những khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí và trình độ sản xuất thấp, cùng với tệ nạn ma túy là những khó khăn đối với Tương Dương trong mục tiêu thoát nghèo. Cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 71,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 11 triệu đồng/người/năm.

Cán bộ xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) thăm mô hình chăn nuôi 30a của ông Hờ Ga Vừ trên núi Xa Long, bản Huồi Khe. Ảnh: N.L
Cán bộ xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) thăm mô hình chăn nuôi 30a của ông Hờ Ga Vừ trên núi Xa Long, bản Huồi Khe. Ảnh: N.L

Huyện Kỳ Sơn nằm ở phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, cách Thành phố Vinh 250 km. Diện tích tự nhiên 209.484,05 ha chia thành 21 xã, thị trấn, chủ yếu là đồi núi dốc trên 35 độ, diện tích đất bằng, ruộng nước khoảng 1.000 ha (1%). Dân số khoảng 71.000 người, có 5 dân tộc: Mông, Thái, Khơ mú, Kinh, Hoa. Đặc điểm khí hậu chia làm 2 mùa mưa và khô rõ rệt (tháng 11 - tháng 3 và tháng 4 - tháng 10), chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn. Về kinh tế, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là mùa mưa; sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, trình độ khoa học kỹ thuật thấp, nên năng suất cây trồng, vật nuôi kém nhất tỉnh. Cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 80,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 6,5 triệu đồng/người/năm.

Chặng đường còn dài

Cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2014, Đoàn công tác Trung ương do lãnh đạo Bộ Tài chính làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a tại Nghệ An, trong khuôn khổ hoạt động kiểm tra, khảo sát với phạm vi toàn quốc. Đây là dịp để các cấp, ban, ngành trong tỉnh và Trung ương cùng nhìn nhận, đánh giá hiệu quả thực tiễn của Nghị quyết 30a trong nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, có lưu ý về một số chỉ tiêu đạt và chưa đạt tại các huyện 30a của Nghệ An:

Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm tại các huyện đều cao hơn mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm của Chương trình 30a. Cụ thể: Cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo ở Quế Phong còn 41,18% (giảm 17,04% so với năm 2010, bình quân giảm 5,68%/năm); Tương Dương còn 51,5% (giảm 19,8%, bình quân giảm 6,6%); Kỳ Sơn còn 60,9% (giảm (19,3%, bình quân giảm 6,43%). Tuy nhiên, chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo lại chưa đạt: Cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 3 huyện này chiếm 51,2%; cao hơn mức bình quân của khu vực miền núi (24,06%) và của toàn tỉnh (13,4%). Dự kiến khó có thể đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2015 là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống bằng với mức bình quân của toàn tỉnh. Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp so với chỉ tiêu đề ra (28% so với 40%).

Người dân xã Hạnh Dịch (Quế Phong) trồng mây dự án  do Chương trình 30a hỗ trợ. Ảnh: T.A
Người dân xã Hạnh Dịch (Quế Phong) trồng mây dự án do Chương trình 30a hỗ trợ. Ảnh: T.A

Đâu là khó khăn đặt ra khi thực hiện các mục tiêu kể trên tại các huyện 30a? Đối với mục tiêu giảm nghèo nhanh, xuất phát điểm của địa phương quá thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Trong khi đó, tỷ lệ giảm bình quân hàng năm là một khung tiêu chí cố định, áp dụng cho toàn quốc nên chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Có nghĩa là với tốc độ giảm bình quân 4%/năm như Chương trình 30a đề ra, đưa các huyện nghèo tại Nghệ An cán đích ngang bằng mức trung bình toàn tỉnh đúng thời gian, lộ trình là điều không mấy khả thi. Còn đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững, vẫn chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân, thậm chí là một bộ phận cán bộ. Trông chờ, ỉ lại vào nguồn hỗ trợ, không phát huy được những thế mạnh vốn có của địa phương, đầu tư dàn trải, không có định hướng phát triển tập trung và nhân rộng,... đó là những hạn chế, tồn tại khiến cho thoát nghèo ở các huyện 30a Nghệ An chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, đặc biệt là khi chương trình kết thúc.

Không thể phủ nhận Nghị quyết 30a là một chủ trương đúng đắn và cần thiết để đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo một cách toàn diện, cả về vật chất và con người. Đã có những nét khởi sắc tại 3 huyện miền Tây Nghệ An dưới sự "kích cầu" của Chương trình 30a. Đó là sự tiếp cận bước đầu với nếp sống, nếp sản xuất mới mẻ; với nền văn hóa - giáo dục phổ cập; với luật pháp và chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đây là những điều kiện thiết yếu để chuẩn bị cho cơ sở và con người nơi đây một nền móng, một hành trang vững vàng trước khi đẩy nhanh công cuộc thoát nghèo và hơn cả thế nữa, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhìn lại quãng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a tại Nghệ An, sẽ thấy nổi bật lên vấn đề về những mô hình kinh tế và hiệu quả, sức lan tỏa cũng như sức sống của chúng. Từ đó dẫn dắt chúng ta đi đến xem xét, đánh giá lại vấn đề con người. Bởi con người chính là tâm điểm, là hạt nhân mà Nghị quyết 30a hướng đến xây dựng thành "động cơ đầu máy" cho công cuộc thoát nghèo nhanh và bền vững.

(Còn nữa)...

Thục Anh

Mới nhất
x
5 năm thực hiện Nghị quyết 30a: Bài 1: Chặng đường còn dài…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO