52.325 ca tử vong liên quan AIDS
Số ca nhiễm HIV được phát hiện giảm nhanh trong giai đoạn 2007-2009 và dừng ở mức khoảng 14.000 trường hợp báo cáo mới mỗi năm trong giai đoạn 2010-2011.
Từ ngày 22 đến 27-7, hội nghị quốc tế về HIV/AIDS đã khai mạc tại thủ đô Washington của Mỹ với chủ đề “Cùng nhau thay đổi xu thế” nhằm kêu gọi thế giới cùng tăng tốc đối phó với căn bệnh thế kỷ.
Tại lễ khai mạc, Giám đốc Viện Nghiên cứu các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci dẫn báo cáo chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS cho biết trong năm 2011 số ca nhiễm HIV toàn thế giới từ 2,7 triệu người trước đó, nay đã giảm xuống còn 2,5 triệu người. Tuy nhiên, ông Fauci kêu gọi chính phủ các nước, tổ chức và cá nhân quyết tâm phát huy hiệu quả hơn nữa những nghiên cứu và thành tựu khoa học trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Hệ thống giám sát trọng điểm tăng nhanh
Ở nước ta, theo báo cáo ngày 31-3 của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm; virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) lần đầu tiên được phát hiện tại TPHCM vào năm 1990 và lây truyền nhanh chóng ra cả nước.
Hệ thống giám sát trọng điểm HIV bắt đầu khởi động vào năm 1994 ở 10 tỉnh, mở rộng đến 20 tỉnh vào năm 1996, 30 tỉnh vào năm 2001 và đạt 40 tỉnh vào năm 2003. Trong giai đoạn 2000-2001, 2 vòng nghiên cứu giám sát hành vi được triển khai tại 5 tỉnh/TP là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TPHCM và Cần Thơ.
Báo cáo cũng cho biết HIV/AIDS ở nước ta tập trung chủ yếu ở 3 nhóm quần thể có hành vi nguy cơ lây truyền HIV cao: người tiêm chích ma túy, nam tình dục đồng giới, phụ nữ mại dâm. Theo kết quả giám sát trọng điểm năm 2011, tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam tiêm chích ma túy và phụ nữ mại dâm là 13,4% và 3%; ở nhóm nam tình dục đồng giới là 16,7%. Tính đến ngày 31-12-2011, ở tất cả các tỉnh, TP và 98% số huyện, 77% số xã phát hiện có người nhiễm HIV. Tổng số các ca tích lũy từ khi ghi nhận ca nhiễm HIV đầu tiên cho đến tháng 3-2012 là 249.660 ca, có 197.335 người nhiễm HIV hiện còn sống và 52.325 ca tử vong liên quan đến AIDS.
Số ca nhiễm HIV được phát hiện và báo cáo về Bộ Y tế giảm nhanh chóng trong giai đoạn 2007-2009 và giữ ổn định ở mức khoảng 14.000 trường hợp báo cáo mới mỗi năm trong giai đoạn 2010-2011. Báo cáo các trường hợp AIDS và tử vong liên quan đến AIDS cũng ở mức khá ổn định kể từ năm 2009. Người nhiễm HIV trong độ tuổi 20-39 chiếm hơn 80% số ca được báo cáo.
Theo ước tính, nước ta sẽ có tới 263.317 người sống chung với HIV vào năm 2015.
Đối diện nhiều khó khăn
Tuy có những thành công được ghi nhận nhưng nước ta đang gặp không ít khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV có nhu cầu được điều trị kháng virus (ARV) ngày càng tăng nhanh. Nếu năm 2002 chỉ có khoảng 100 người đang sống chung với HIV/AIDS được tiếp cận với điều trị ARV (thời điểm đó cũng chưa có thuốc điều trị ARV cho trẻ em) thì năm 2007, số người được điều trị đã tăng lên tới khoảng 16.000 người. Với số người đang sống chung với HIV/AIDS hiện nay, nhu cầu được tiếp cận với điều trị ARV là rất lớn, đòi hỏi nguồn kinh phí không hề nhỏ.
Thách thức lớn nữa là tình trạng nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân lao đang gia tăng và cần phải nhanh chóng tăng cường các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Một trong những ghi nhận về thành công trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta chính là hệ thống các cơ sở tư vấn và xét nghiệm tự nguyện đã tăng rất nhanh, tỉ lệ phần trăm quần thể có nguy cơ lây nhiễm cao hơn đã được xét nghiệm HIV cũng tăng.
Theo Nguoilaodong - MD