5G và sức khỏe con người: Sự thật khoa học hay nỗi lo vô căn cứ?
Kể từ khi công nghệ 5G ra mắt, những lo ngại về tác động của nó đến sức khỏe con người không ngừng gia tăng. Trong khi công nghệ tiếp tục phát triển, câu hỏi đặt ra là liệu tín hiệu 5G có thực sự nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ?
Kể từ khi mạng 5G chính thức được triển khai vào năm 2019, những tranh cãi xoay quanh ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người vẫn chưa hề lắng xuống. Dù hàng loạt nhà nghiên cứu và tổ chức y tế uy tín đã khẳng định rằng các thiết bị 5G, nếu được sử dụng đúng theo hướng dẫn hiện hành, là hoàn toàn an toàn, thì các tin đồn, thuyết âm mưu và thông tin sai lệch vẫn tiếp tục lan rộng trên mạng xã hội và các kênh truyền thông không chính thống.
Giờ đây, khi phiên bản sau 5G là 5.5 G (5G - Advanced) đang dần tiến đến giai đoạn triển khai hàng loạt ở nhiều quốc gia trên thế giới thì câu hỏi về mức độ an toàn của tín hiệu vô tuyến lại một lần nữa được đặt ra. Vậy các chuyên gia thực sự nói gì? Liệu sóng 5G có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như nhiều người lo ngại?

Theo các chuyên gia, những mối quan ngại về 5G có thể được chia thành 3 nhóm chính, dựa trên bản chất và mức độ hợp lý của chúng. Nhóm đầu tiên là những lo lắng có cơ sở, liên quan đến nhu cầu hiểu rõ hơn về bức xạ tần số vô tuyến (Radiofrequency Radiation: RFR) do các thiết bị 5G và trạm phát sóng tạo ra.
Nhóm thứ hai phản ánh sự hoài nghi về hiệu quả của các quy định quản lý mức độ phơi nhiễm RFR do chính phủ ban hành, tức là liệu các tiêu chuẩn hiện hành có đủ nghiêm ngặt để bảo vệ sức khỏe cộng đồng hay không.
Nhóm thứ ba, phổ biến hơn trên mạng xã hội, bao gồm những tuyên bố vô căn cứ hoặc mang tính thần thoại, chẳng hạn như 5G gây ra dịch bệnh, kiểm soát tâm trí hay thậm chí là vũ khí sinh học ngụy trang.
Trước làn sóng thông tin đa chiều, việc phân biệt giữa dữ liệu khoa học được kiểm chứng và những thông tin sai lệch trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh 5G tiếp tục phát triển và mở rộng ảnh hưởng trong mọi lĩnh vực, từ viễn thông đến y tế và giao thông thông minh.
Tiêu chuẩn an toàn 5G: Ai kiểm soát và liệu chúng có đủ tin cậy?
Tại Mỹ, vấn đề an toàn trong việc tiếp xúc với RFR đã được quan tâm từ sớm. Kể từ năm 1982, Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) - một trong những tổ chức đầu ngành đã ban hành các tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe con người trước tác động của RFR.
Trên bình diện quốc tế, Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ Bức xạ Không ion hóa (ICNIRP), đặt trụ sở tại Đức, cũng phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cùng nhiều cơ quan khác để xây dựng và cập nhật các giới hạn phơi nhiễm RFR toàn cầu.
Trước khi 5G chính thức triển khai, các tác động tiềm tàng từ việc tiếp xúc với RFR ở các tần số mới đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Phần lớn dải tần dành cho 5G, từ 600 MHz đến 3,5 GHz vốn đã được sử dụng từ lâu cho các dịch vụ viễn thông truyền thống hoặc nằm gần các dải đã quen thuộc, cho phép giới khoa học có cơ sở đánh giá toàn diện hơn.
Cùng với IEEE và ICNIRP, các cơ quan chính phủ như Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI) đã tham gia theo dõi sát sao các nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động và ảnh hưởng đến sức khỏe. Các kết quả thu thập được cho thấy những tiêu chuẩn hiện hành là phù hợp và đảm bảo an toàn cho người dùng.

Đối với các tần số cao hơn, như dải milimet (mmWave) thường dùng trong các ứng dụng như máy quét an ninh ở sân bay, hệ thống radar ô tô và cảm biến an toàn thì IEEE đã thành lập các ủy ban chuyên trách để tiếp tục nghiên cứu sâu.
Tuy nhiên, nhiều bằng chứng hiện tại cho thấy việc ứng dụng những tần số này trong mạng 5G không gây ra nguy hiểm cho con người nếu được kiểm soát và vận hành đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đã được thiết lập.
Nhiệt, bức xạ và nỗi lo ung thư: 5G có thực sự đáng sợ?
Khi một tế bào bị làm nóng quá mức hoặc DNA của nó bị tổn thương nghiêm trọng, quá trình phân chia có thể trở nên mất kiểm soát, đây chính là một trong những cơ chế dẫn đến ung thư.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta vẫn thường xuyên tiếp xúc với các loại tia có khả năng làm nóng tế bào, nổi bật nhất là tia cực tím (UV) từ mặt trời. Dù tia UV đến được bề mặt Trái đất không phải là tia ion hóa, chúng vẫn đủ năng lượng để làm da bị rám nắng, cháy nắng, và theo thời gian, làm tăng nguy cơ ung thư da.
Tương tự, nếu tiếp xúc ở khoảng cách rất gần với các thiết bị phát ra RFR công suất cực cao như trong môi trường công nghiệp thì con người cũng có thể gặp nguy cơ về sức khỏe. Chính vì vậy, các chính phủ đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt nhằm ngăn ngừa tình trạng phơi nhiễm quá mức.
Tuy nhiên, để gây tổn thương trực tiếp đến DNA thì mức độ có thể làm phát sinh ung thư ở các cơ quan nội tạng cần đến một loại bức xạ mạnh hơn như bức xạ ion hóa. Đây là nhóm bao gồm tia X, tia gamma – những loại bức xạ có năng lượng cao nhất trong quang phổ điện từ, có khả năng xuyên qua mô cơ thể và phá vỡ cấu trúc phân tử DNA nếu tiếp xúc ở liều cao.
Ngược lại, tín hiệu 5G, vốn là một dạng RFR không thuộc nhóm bức xạ ion hóa. Điều đó có nghĩa là nó không đủ năng lượng để phá hủy DNA hoặc gây ra biến đổi di truyền có thể dẫn đến ung thư.
Tại Mỹ, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) - cơ quan quản lý chính sách liên quan đến vô tuyến đã thiết lập giới hạn tiếp xúc với RFR cho cả người lao động và công chúng, dựa trên hướng dẫn từ Hội đồng Quốc gia về Bảo vệ và Đo lường bức xạ (NCRP).
Những giới hạn bức xạ này được xây dựng dựa trên hàng thập kỷ nghiên cứu và được cập nhật thường xuyên để đảm bảo an toàn trong môi trường sống ngày càng hiện đại.
Điện thoại nóng lên khi sử dụng: Cảnh báo sức khỏe hay chỉ là hiểu lầm công nghệ?
Chắc hẳn nhiều người từng cảm thấy điện thoại nóng lên khi gọi điện lâu, xem video liên tục hoặc chơi game nặng. Hiện tượng này được gọi là “quá nhiệt điện thoại” và thường khiến không ít người lo ngại liệu nhiệt lượng tỏa ra có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí là dẫn đến ung thư.
Câu trả lời là không. Hiện tượng điện thoại bị nóng không liên quan gì đến RFR, loại sóng mà công nghệ 5G sử dụng để truyền tín hiệu. Trên thực tế, nhiệt độ tăng lên là kết quả của việc bộ vi xử lý (CPU) và các thành phần điện tử bên trong điện thoại phải hoạt động với cường độ cao, đặc biệt là khi xử lý các tác vụ nặng như xem video độ phân giải cao hay trò chơi 3D.
Công suất phát sóng của điện thoại di động ở bất kỳ tần số nào, kể cả 5G đều rất thấp, không đủ để làm nóng da hay mô cơ thể, ngay cả khi áp sát tai trong thời gian dài.
Quan ngại về nguy cơ ung thư từ việc sử dụng điện thoại đã được các tổ chức y tế hàng đầu trên thế giới nghiên cứu suốt gần 3 thập kỷ qua. Các nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho thấy không có mối liên hệ đáng tin cậy nào giữa việc sử dụng điện thoại và tỷ lệ gia tăng u não trong dân số.
Ngay cả ở nhóm người trẻ dưới 20 tuổi, đối tượng có xu hướng sử dụng điện thoại nhiều nhất thì các nghiên cứu từ Thụy Điển cũng không phát hiện sự gia tăng tỷ lệ ung thư não hay tuyến giáp.
Quan trọng hơn, các tần số mà công nghệ 5G sử dụng đều đã được đánh giá về độ an toàn. Các thông số kỹ thuật và giới hạn tiếp xúc đã được xác lập rõ ràng bởi các tổ chức như IEEE và ICNIRP, đảm bảo rằng việc sử dụng điện thoại hàng ngày vẫn nằm trong ngưỡng an toàn cho người dùng.
Bác bỏ thuyết âm mưu 5G liên quan đến COVID-19
Cùng với sự ra đời và mở rộng của công nghệ 5G là làn sóng hiểu lầm và thông tin sai lệch xoay quanh RFR. Tuy nhiên, một trong những thuyết âm mưu nguy hiểm nhất từng xuất hiện là cáo buộc cho rằng mạng 5G đã gây ra hoặc giúp phát tán virus SARS-CoV-2, nguyên nhân dẫn đến đại dịch COVID-19.
Đây không chỉ là một tin đồn vô căn cứ mà còn là một mối đe dọa thực tế. Vào tháng 4 năm 2020, giữa cao điểm dịch bệnh và nỗi hoang mang toàn cầu, ít nhất 77 trạm phát sóng di động tại Anh đã bị đốt phá.
Một kỹ thuật viên viễn thông thậm chí phải nhập viện vì bị tấn công bằng dao, chỉ vì làm việc gần trạm phát sóng 5G. Sự cố nghiêm trọng này đã buộc chính phủ nhiều nước phải vào cuộc, thiết lập các trang thông tin chính thức để bác bỏ tin giả và khẳng định rõ rằng không có mối liên hệ khoa học nào giữa công nghệ 5G và COVID-19.

Ảnh: Internet
Các nhà vi sinh vật học, nhà dịch tễ học và phóng viên trên khắp thế giới cũng đồng loạt lên tiếng, cung cấp bằng chứng khoa học và giải thích dễ hiểu để phản bác những luận điệu sai lệch. Không có cơ chế sinh học nào, từ cấu trúc virus cho đến khả năng truyền nhiễm cho thấy sóng 5G có thể tạo ra hay phát tán virus.
Tuy nhiên, thuyết âm mưu tiếp tục biến tướng. Sau khi giả thuyết “5G gây COVID” bị bác bỏ, một số người lại tuyên bố rằng đại dịch chỉ là cái cớ để âm thầm cấy vào người dân các thiết bị siêu nhỏ hỗ trợ 5G thông qua mũi tiêm vaccine.
Thuyết này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, buộc giới khoa học và truyền thông tiếp tục phải lên tiếng. Trong số các phản bác, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng không có công nghệ nào hiện tại có thể tạo ra thiết bị 5G đủ nhỏ để cấy ghép qua một kim tiêm vaccine thông thường, một chi tiết phản khoa học nhưng lại được lan truyền rộng rãi.
Vụ việc cho thấy một thực tế đáng lo ngại là thông tin sai lệch về công nghệ không chỉ gây hoang mang mà còn có thể dẫn đến bạo lực thực sự. Và vì thế, việc tuyên truyền thông minh bạch, khoa học dễ hiểu và kiểm chứng thông tin chưa bao giờ quan trọng đến thế trong thời đại số.
5G có làm suy yếu hệ miễn dịch. Các nghiên cứu khoa học nói gì?
Mối lo ngại rằng 5G có thể làm suy giảm hệ miễn dịch không phải là điều mới mà nó từng xuất hiện trước cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát, và càng lan rộng hơn khi thế giới rơi vào khủng hoảng y tế.
Làn sóng thông tin sai lệch này đã tạo tiền đề cho các thuyết âm mưu kết nối 5G với khả năng nhiễm virus, khiến không ít người lo ngại về tác động tiềm ẩn của công nghệ lên sức khỏe con người.
Tuy nhiên, các cơ quan y tế và khoa học đã nhanh chóng vào cuộc để làm rõ vấn đề. Cơ quan Bảo vệ Bức xạ và An toàn hạt nhân Úc (ARPANSA) - một tổ chức uy tín trong lĩnh vực đánh giá rủi ro bức xạ đã đưa ra phản hồi rõ ràng trong giai đoạn đại dịch.
Theo ARPANSA, chỉ khi con người tiếp xúc với RFR ở mức công suất cao gấp nhiều lần so với giới hạn được phép bởi chính phủ, nhiệt độ cơ thể mới có thể tăng đến mức ảnh hưởng tạm thời đến hệ miễn dịch. Nhưng trong thực tế sử dụng, các thiết bị 5G hoạt động ở mức công suất thấp hơn rất nhiều, không đủ để tạo ra bất kỳ tác động sinh học đáng kể nào.
Các nhà khoa học cũng đã tiến hành nhiều nghiên cứu chuyên biệt nhằm kiểm tra khả năng tác động của sóng RFR lên các yếu tố miễn dịch như kháng nguyên, kháng thể và không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy có sự thay đổi trong chức năng miễn dịch.
Những nghiên cứu dài hạn, được thực hiện nghiêm ngặt và có thể lặp lại, tiếp tục khẳng định rằng việc sử dụng điện thoại di động 5G không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
Đồng thời, các dữ liệu dịch tễ học cũng không ghi nhận sự thay đổi đáng kể nào về tỷ lệ ung thư hay khả năng nhiễm virus trong dân số kể từ khi công nghệ 5G được triển khai.
Thực tế là, các giới hạn công suất và mức độ tiếp xúc với sóng vô tuyến từ cả điện thoại lẫn trạm phát sóng đã được quy định chặt chẽ bởi các tổ chức khoa học và cơ quan chính phủ toàn cầu.
Những biện pháp này vẫn đang chứng minh hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng, bất chấp những thông tin thất thiệt vẫn tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội.