Pháp luật

6 tháng đầu năm, Nghệ An xử phạt 7.600 trường hợp không có giấy phép lái xe

Đặng Cường 02/07/2024 09:20

Trong các lỗi vi phạm phổ biến khi tham gia giao thông, hành vi điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe (GPLX) chiếm tỷ lệ lớn. Điều đó cho thấy, rất nhiều người còn phớt lờ quy định của pháp luật, gây ra những hệ lụy không nhỏ.

Không có giấy phép lái xe vẫn cầm lái

Thường các trường hợp bị xử lý lỗi không có GPLX, chủ yếu thông qua việc phát hiện các lỗi vi phạm khác, nên nhiều người vẫn chủ quan, phớt lờ quy định của pháp luật, điều khiển phương tiện khi không có GPLX.

Đơn cử, ngày 20/6/2024, ông M.V.T (SN 1984), trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ký. Quyết định xử phạt nêu rõ, ông M.V.T đã thực hiện 3 hành vi vi phạm hành chính. Tổng tiền phạt ông M.V.T phải đóng là 48,5 triệu đồng.

Cụ thể, ông M.V.T điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 37A- 730.xx lưu thông trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy (xác định qua kết quả xét nghiệm), bị phạt tiền với mức phạt là 35 triệu đồng. Bên cạnh đó, với hành vi điều khiển xe không có giấy chứng nhận đăng ký xe, ông M.V.T bị phạt tiền với mức phạt 2,5 triệu đồng. Đối với hành vi điều khiển xe ô tô mà không có GPLX, ông M.V.T bị phạt tiền với mức phạt 11 triệu đồng.

123. ảnh pv
Kiểm tra các loại giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện trên tuyến Quốc lộ 1A. Ảnh: Đ.C

Tương tự, trước đó ngày 11/6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.V.Đ (SN 1978), trú tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Quyết định xử phạt nêu rõ, ông N.V.Đ đã thực hiện 2 hành vi vi phạm hành chính. Tổng tiền phạt ông N.V.Đ phải đóng là 46 triệu đồng.

Ông N.V.Đ điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 37K- 181.xx lưu thông trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt 0,4 miligram/1 lít khí thở (kết quả kiểm tra 0,702 miligram/1 lít khí thở), bị phạt tiền với mức phạt là 35 triệu đồng. Đối với hành vi điều khiển xe ô tô mà không có GPLX, ông N.V.Đ bị phạt tiền với mức phạt 11 triệu đồng.

Là người từng bị phạt lỗi không có GPLX, anh V.N.H ở xã Nghi Kim, thành phố Vinh cho biết: "Mặc dù phát hiện GPLX đã hết hạn sử dụng, nhưng vì ngại việc phải học, rồi thi để được cấp lại, nên tôi không dám đi đâu xa. Hằng ngày tôi chỉ đi từ nhà đến cơ quan chừng 5 km, rồi loanh quanh trong thành phố nên chủ quan nghĩ rằng, miễn sao đi đúng luật, không để xảy ra va quệt... Tuy nhiên, hôm đó sau khi đón con ở trường cấp 2 và đang trên đường về nhà, qua ngã tư thì xe tôi va quệt với 1 học sinh đi xe đạp điện. Ngay lúc đó, lực lượng CSGT tại chốt ngoài kiểm tra hiện trường, còn kiểm tra giấy tờ xe và phát hiện GPLX của tôi đã hết hạn gần 3 năm...".

Sự việc của anh V.N.H, vì chỉ mới ở mức độ va quệt, cháu bé chỉ bị xước nhẹ ở chân, phương tiện bị hư hỏng không đáng kể, nên sau đó hai bên đã tự thỏa thuận. Nhưng với lỗi không có GPLX, anh V.N.H đã phải đóng tiền phạt 11 triệu đồng. Theo anh V.N.H, không chỉ mất tiền phạt, về nhà anh còn bị vợ, con “giáo huấn”.

Trường hợp của anh V.N.H còn may mắn so với nhiều vụ việc cũng liên quan đến không có GPLX đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như trường hợp ông Thái Bá Cường (SN 1968), trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, mặc dù biết con trai là Thái Bá Quốc (SN 1990), không có GPLX, nhưng ông Cường vẫn giao phương tiện cho con điều khiển dẫn đến tai nạn chết người khiến cả 2 bố con bị khởi tố.

Trong đó, người con bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, bố bị khởi tố về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm

Theo số liệu của Phòng CSGT, Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 7.627 trường hợp không có giấy phép lái xe.

Theo lực lượng cảnh sát giao thông, các trường hợp bị xử lý lỗi không có GPLX, chủ yếu thông qua việc phát hiện các lỗi vi phạm khác. Không ít người cho rằng, vì đã biết đi xe nên chủ quan chưa học để thi lấy bằng, có người thì đang học nhưng đã lái xe tham gia giao thông, có người chưa đủ tuổi thi lấy giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện...

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển xe mô tô (xe máy) và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo GPLX thì bị phạt phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo GPLX thì bị phạt tiền từ 200.000 đến 400.000 đồng.

Đối với trường hợp không có GPLX, với người điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 175cc sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng; đối với xe trên 175 cc và xe mô tô 3 bánh, mức phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng; đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng.

Có thể thấy, mức phạt đối với hành vi “không có” cao hơn gấp nhiều lần hành vi “không mang” GPLX. Bởi vậy, có không ít trường hợp khi bị kiểm tra không xuất trình được GPLX, ban đầu vẫn nêu lý do không mang theo để nhẹ tội nhưng thực chất là không có và buộc phải nộp phạt với số tiền lớn.

Thực tế, đối với trường hợp người điều khiển phương tiện không xuất trình được bằng lái, lực lượng chức năng sẽ tiến hành lập biên bản đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có GPLX (và hành vi vi phạm khác), sau đó tạm giữ phương tiện theo quy định.

Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm, nếu người vi phạm xuất trình được bằng lái thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo GPLX. Nếu quá thời hạn hẹn mà người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không có GPLX.

Giờ học mô phỏng tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe PTS. ảnh pv
Giờ học mô phỏng tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe PTS. Ảnh: Đ.C

Theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn - Đội trưởng Đội tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và xử lý vi phạm, phòng CSGT tỉnh Nghệ An: GPLX là một trong các loại giấy tờ mà người điều khiển phương tiện tham gia giao thông buộc phải mang theo. Đây là chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp cho một người để cho phép người đó được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Nếu không có GPLX mà vẫn lái xe sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro gây tai nạn giao thông. Bởi vậy, hiện nay mức xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP đối với người không có GPLX là rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người không có GPLX vẫn lái xe. Riêng trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5/2024, lực lượng CSGT tỉnh đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 2.022 trường hợp, trong đó, riêng lỗi không có GPLX là 422 trường hợp.

Ông Hoàng Minh Diễn - Giáo viên Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe PTS cho rằng: Những người được đào tạo qua các trường dạy lái sẽ vừa hiểu được luật, nắm được các kỹ năng, cách xử lý các tình huống khi tham gia giao thông..., so với người tự học chỉ với một mục tiêu là lái được xe. Bởi vậy, có những học viên sau khi vào học tại trung tâm đã thú nhận lái xe cả năm trời nhưng thực tế không hiểu luật, không nắm được các ký hiệu biển báo giao thông, không biết cách để làm thế nào lùi xe vào đúng vị trí...

Vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái thuộc Sở Giao thông vận tải cho biết thêm, bên cạnh các thiết bị giám sát trong quá trình học, thi, sát hạch, Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh đảm bảo tiêu chí “học thật, thi thật”. Với mục tiêu người được cấp GPLX phải bảo đảm hiểu biết cặn kẽ về pháp luật giao thông cũng như những kỹ năng cần thiết khi điều khiển phương tiện, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Như vậy, có thể thấy việc người điều khiển phương tiện không có GPLX trên thực tế không phải là ít. Đây là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Bởi vậy, ngoài vai trò của các lực lượng chức năng trong tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm.

Thiết nghĩ, công tác tuyên truyền cũng cần được quan tâm để người dân hiểu được việc không có GPLX vẫn điều khiển phương tiện là vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây tai nạn dẫn đến chết người. Nhất là đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy định không điều khiển xe ô tô, mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có GPLX.

6 tháng đầu năm, Nghệ An xử phạt 7.600 trường hợp không có giấy phép lái xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO