7 điểm du lịch nguy hiểm trên thế giới
Hồ nước sôi ở Dominica, cổng địa ngục thuộc Iceland hay hồ chết chóc tại Cameroon là những điểm được trang Richest đánh giá là nguy hiểm, du khách nên hết sức cẩn thận khi ghé thăm.
Núi lửa Merapi, Indonesia
Theo tiếng Indonesia, Merapi nghĩa là núi lửa. Trong suốt thế kỷ qua, ngọn núi lửa này đã thức giấc 60 lần. Năm 2010, nó hoạt động suốt một tháng và lần phun trào này khiến 300 người thiệt mạng.
Hồ nước sôi, Dominica
Nằm trong công viên quốc gia Morne Trois Pitons ở Dominica, hồ nước sôi được coi là một trong những điểm đến nguy hiểm do nước ở nơi thấp nhất cũng luôn có nhiệt độ 80 độ C. Xung quanh hồ cũng khá trơn trượt do đó du khách nên hết sức cẩn thận khi đứng gần.
Cổng địa ngục, Iceland
Được mệnh danh là cổng địa ngục, Námaskarð ở Iceland là một trong những khu vực có núi lửa hoạt động mạnh nhất châu Âu. Mặt đất ở đây thường có các hố bùn sôi và lỗ phun khí. Dù là điểm đến nguy hiểm, nhưng Námaskarð lại sở hữu cảnh đẹp ngoạn mục, nên vẫn là nơi yêu thích của nhiều du khách yêu thích khám phá.
Công viên quốc gia Tsingy De Bemaraha, Madagascar
Nơi đây luôn là điểm đến bí ẩn, cuốn hút du khách. Cả khu vực được bao phủ bởi những khối đá nhọn, chiều cao lên đến 120 m. Đây cũng là nơi ẩn náu của hàng trăm loài động, thực vật khó tìm thấy ở chỗ khác trên thế giới. Do địa hình quá hiểm trở, nơi đây có rất ít các nhà khoa học, thám hiểm dám vào sâu bên trong để nghiên cứu.
Vườn quốc gia Madidi, Bolivia
Công viên này là "nhà" của rất nhiều loài động thực vật, trong đó có vô số loài lạ có độc mà không phải du khách nào cũng có thể phát hiện ra. Nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng, ngoài các mối nguy hiểm như có thể đối mặt với rắn, báo đốm, lợn rừng, du khách có thể sẽ gặp phải các loài nấm, lá và hạt cây có độc.
Hồ Nyos, Cameroon
Hồ Nyons được tạo thành do nước mưa tích tụ trong quá trình nguội của núi lửa. Nước hồ có lượng Co2 bão hòa khá lớn và nó chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng phun trào vào năm 1986, khiến 1.700 người thiệt mạng.
Cửa Địa ngục, Turkmenistan
Đây là một mỏ khí thiên nhiên ở Turkmenistan. Vào thập niên 1970 nó bị đào thành một cái hố và các nhà khoa học thời đó đã thả một mồi lửa với hy vọng tiêu đốt khí độc. Tuy nhiên lượng khí tại đây quá lớn nên sau hàng chục năm, ngọn lửa vẫn chưa được dập tắt.
Theo VnXpress