Xã hội

7 ngày hạnh phúc và nửa thế kỷ thờ chồng liệt sĩ

Công Kiên 11/10/2024 16:00

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày hợp hôn, dù chỉ một tuần hưởng niềm hạnh phúc nhưng cựu thanh niên xung phong Tôn Thị Phước Viện vẫn một lòng thủy chung, thờ phụng người chồng đã ngã xuống nơi chiến trường ác liệt. Đây là một trong vô vàn câu chuyện đẹp về về tình yêu đôi lứa của thế hệ thanh niên thời đánh Mỹ.

Một thời “vào sinh, ra tử”

Heo may đã về nơi làng quê, trong căn nhà nhỏ bé ở đầu xóm 2, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên), bà Tôn Thị Phước Viện (SN 1945) ngồi lặng lẽ, đôi mắt đăm đăm nhìn ra cánh đồng làng đang kỳ đổ ải. Ở đó, những con cò đứng dọc bờ ruộng, chúng rụt cổ, xo chân vì những cơn gió lạnh.

Xa hơn nữa là đường cái, con đường gắn với tuổi thơ và gần như trọn cả cuộc đời, nó thân thương như là máu thịt. Bởi đấy là nơi cô thôn nữ và anh trai làng từng hẹn hò, sánh bước; cũng là nơi cô thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa tiễn chồng mới cưới trở lại chiến trường. Tất cả đã trôi đi đến miền xa lắc nhưng vẫn luôn hiện về trong tâm tưởng của người phụ nữ cô đơn, nhất là trong những chiều giá lạnh.

bna_1(2).jpg
Bà Tôn Thị Phước Viện kể về cuộc đời mình. Ảnh: Công Kiên

Bà Viện kể rằng, năm 1969, cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, đang làm Bí thư Chi đoàn, bà đăng ký gia nhập lực lượng TNXP. Người con gái của làng quê Hưng Đạo ấy được biên chế về đơn vị C-202 (N241) và được lệnh hành quân vào vùng rừng núi phía Tây Quảng Bình, Quảng Trị. Nhiệm vụ của đơn vị là san lấp hố bom cho xe đi qua, tải đạn vào chiến trường và vận chuyển thương binh về tuyến sau cứu chữa.

Công việc vô cùng gian nan và nguy hiểm, bởi luôn phải hoạt động dưới làn bom đạn của kẻ thù, sự sống và cái chết có khi cách nhau chỉ một bước chân, thậm chí là một cái chớp mắt. Đại đội phó Tôn Thị Phước Viện đã không ít lần phải chứng kiến cảnh anh em, đồng đội ngã xuống vì trúng mảnh bom, đạn pháo hay bị đất đá lấp vùi, thân thể không còn nguyên vẹn.

bna_2(1).jpg
Bà Tôn Thị Phước Viện với ngôi nhà nhỏ, đơn sơ của mình. Ảnh: Công Kiên

Đến nay, dù đã hơn 50 năm trôi qua bà vẫn không thể nào quên trận bom diễn ra vào đầu tháng 9/1969. Hôm ấy, sau loạt bom vừa dứt, từ nơi trú ẩn, đơn vị nhận được lệnh ra san lấp mặt đường cho đoàn xe chở vũ khí kịp vào chi viện cho chiến trường. Bỗng dưng, một tốp máy bay khác kéo đến và ném bom ồ ạt, mặt đất rung chuyển, khói bụi ngút trời, không gian như nhuốm màu đen kịt. Khói bắt đầu tan, cố ngoi lên từ lớp đất đang vùi lấp, bà Viện nhìn thấy rất nhiều đồng đội bị thương nặng, 6 người đã hy sinh.

Lập tức, nữ Đại đội phó huy động anh chị em còn lại nhanh chóng sơ cứu và chuyển các chiến sĩ bị thương về khu vực trạm y tế để kịp thời cứu chữa. Hầu hết những người bị thương đều ra nhiều máu, không có cách nào khác, nữ TNXP Tôn Thị Phước Viện đã cởi tấm áo của mình, xé ra từng mảnh để băng bó vết thương cho đồng đội. Với quyết tâm cứu sống đồng đội trong trận bom hôm ấy, mấy ngày sau bà Viện được đặc cách kết nạp vào Đảng, sự kiện này trở thành niềm vinh dự, tự hào của toàn đơn vị.

Hạnh phúc ngắn ngủi

Giữa năm 1971, sau hơn 2 năm bám trụ nơi núi rừng Trường Sơn, Tôn Thị Phước Viện nhận được thư nhà báo tin người yêu của mình là Phan Văn Phước sắp sửa được về phép và muốn tổ chức lễ thành hôn vào dịp này. Vị hôn phu lớn hơn bà Viện 1 tuổi, người ở cùng làng, cùng tham gia phong trào thanh – thiếu niên.

Hai người cảm mến, rồi tình yêu đến lúc nào không hay, gia đình và bạn bè đôi bên đều vun vén, mong hạnh phúc lứa đôi được đong đầy. Chiến tranh ác liệt, thanh niên làng trên, xóm dưới đều lên đường tòng quân, năm 1967 anh trai làng Phan Văn Phước cũng đăng ký vào quân ngũ rồi theo đơn vị vào chiến trường miền Nam. Hai năm sau, cô thôn nữ gia nhập TNXP để được vào chiến trường, trước tiên là nghĩa vụ với Tổ quốc, sau nữa là mong được gặp người yêu. Nhưng chiến trường quá rộng lớn, niềm mong ấy thật khó thành hiện thực.

bna_4(1).jpg
Di ảnh liệt sĩ Phan Văn Phước. Ảnh: NVCC

Đám cưới được tổ chức vào cuối mùa Hè năm ấy, chỉ có chè xanh và một ít bánh kẹo, giản dị nhưng vô cùng đầm ấm và vui vẻ. Cô TNXP đứng e ấp bên anh lính trận trong bộ quân phục mới. Dấu hiệu của những trận chiến đấu ác liệt, những trận sốt rét rừng vẫn còn phảng phất trên làn da, mái tóc. Vượt lên tất cả vẫn là tình yêu chân thành, niềm hạnh phúc hiện rõ trên nét mặt và ánh mắt của mỗi người.

Họ ở bên nhau đúng 7 ngày, người lính tiếp tục lên đường vào miền Nam chiến đấu. Tiễn chồng vào chiến trường, hôm sau cô TNXP Tôn Thị Phước Viện cũng soạn sửa hành trang lên đường vào Quảng Trị, tiếp tục những chuỗi ngày đối mặt với khói lửa, đạn bom. Một tuần – quãng thời gian quá ngắn ngủi, đôi uyên ương chưa kịp nếm hết men say hạnh phúc, tình yêu chưa kịp đơm hoa, kết trái đã phải vội vã chia tay, đành hẹn ngày chiến thắng trở về...

bna_3(1).jpg
Bà Tôn Thị Phước Viện trước bàn thờ chồng. Ảnh: Công Kiên

Cuối năm 1972, tức là hơn một năm sau ngày cưới, bà Viện xuất ngũ, trở về quê nhà và được bầu làm Bí thư Đoàn xã. Một ngày Đông tê tái, nữ cán bộ đoàn nhận được tin chồng mình – liệt sĩ Phan Văn Phước hy sinh ở chiến trường Long An, trái tim như vỡ vụn... Những hy vọng, đợi chờ và khát khao hạnh phúc thoáng chốc tan biến, chỉ còn lại một nỗi đau, tuyệt vọng vô bờ.

Theo tháng ngày, con tim gần như hóa đá, không còn rung cảm yêu đương, cũng không còn khao khát và nghĩ đến niềm hạnh phúc, dù lúc ấy bà đang ở độ tuổi 27. Phần đời còn lại, người phụ nữ ấy tìm nguồn vui trong công tác xã hội, từ cán bộ Đoàn, bà Viện sang làm Chủ tịch Hội LHPN xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã và nghỉ hưu.

bna_5.jpg
Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng của bà Tôn Thị Phước Viện. Ảnh: Công Kiên

Căn nhà nhỏ một thời gian dài chỉ một mình bà Viện sinh sống, một mình quạnh quẽ vào ra. Gần đây, vợ chồng người cháu gọi bà bằng cô ruột đến ở cùng nên nỗi cô đơn vơi bớt phần nào. Trong căn nhà ấy, bà dành vị trí trang trọng nhất để đặt di ảnh chồng – liệt sĩ Phan Văn Phước. “Những khi nỗi buồn tủi dâng lên, tôi lại thắp hương trước ban thờ, cầu mong ông ấy tiếp thêm nghị lực để vượt qua những chông chênh giữa cuộc đời…”, bà Viện tâm sự.

Ông Lê Huy Khoa - Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết: “Bà Tôn Thị Phước Viện là cựu thanh niên xung phong, xuất ngũ trở về quê tham gia công tác lãnh đạo ở địa phương. Bà luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào và được mọi người yêu mến, kính trọng”.

Mới nhất

x
7 ngày hạnh phúc và nửa thế kỷ thờ chồng liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO