Chuyện về liệt sĩ người Nghệ hy sinh tại đảo Tốc Tan C - Trường Sa

Mai Thắng 25/07/2023 06:39

(Baonghean.vn) -Không phải chiến tranh bom rơi đạn nổ mới có sự mất mát hy sinh, mà ngay giữa thời bình lặng im tiếng súng nơi tiền tiêu Tổ quốc, vẫn có những chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống vào lòng biển, để lại quê nhà người vợ trẻ và đứa con thơ.

Liệt sĩ Trung úy Phan Văn Hạnh – người con của quê hương Yên Thành đã anh dũng hy sinh cho biển đảo yên bình. Máu đào của anh đổ xuống rạn san hô, tên anh đã khắc vào lịch sử dân tộc và quân chủng hải quân anh hùng.

Rạn san hô nhuộm máu đào liệt sĩ

Trong nhiều địa chỉ tri ân nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩnăm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở tổ 1 ấp 2, xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - vợ của liệt sĩ Trung úy Phan Văn Hạnh - người con quê hương Yên Thành (Nghệ An) đã anh dũng hy sinh 17/1/2014 tại đảo Tốc Tan C - Trường Sa là một trong những địa chỉ đỏ chúng tôi cần đến.

bna_anh 1,.jpeg
Trung úy Hạnh bên vợ con lúc còn sống, ảnh tác giả chụp lại từ ảnh của gia đình. Ảnh: GĐCC

Đã 9 năm trôi qua kể từ ngày anh Hạnh ngã xuống giữa lòng biển cả, căn nhà cấp bốn của chị Dung vẫn thế. Xuống cấp và ẩm thấp. Chị Dung đón chúng tôi trong niềm xúc động: “Anh Hạnh hy sinh 9 năm rồi, lòng em không thể nguôi ngoai được. Căn nhà này anh ấy xây, lúc còn sống luôn đầy ắp tiếng cười. Em cũng cố quen với cuộc sống khi trong nhà không có đàn ông. Vừa làm cha, vừa làm mẹ. Những lúc cô đơn, thấy tủi thân”.

Sau khi thắp cho đồng đội nén hương, câu chuyện hy sinh của liệt sĩ Phan Văn Hạnh được chị Dung kể lại.

Hai vợ chồng là người cùng quê Yên Thành. Năm 2007 họ làm đám cưới, một năm sau sinh con gái đầu lòng. Sau khi học xong lớp Trung cấp máy tàu tại Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân Quận 2, TP. Hồ Chí Minh, anh Hạnh được điều về làm nhân viên thiết bị bờ trạm 94, Căn cứ bảo đảm Hậu cần kỹ thuật 696 – Vùng 2 Hải quân và được phong hàm Trung úy. Chuyến làm nhiệm vụ đầu tiên trên biển của Hạnh là theo tàu trực Tết năm 2013 tại vùng biển nhà giàn DK1.

bna_anh 2..jpg
Trung úy Phan Văn Hạnh gác tại đảo Tốc Tan C. Ảnh gia đình cung cấp

Ngày 27/3/2013, Hạnh về thăm vợ con được 20 ngày rồi nhận nhiệm vụ mới: “Trước yêu cầu nhiệm vụ tăng cường lực lượng cho tuyến đảo chìm, anh ấy được điều động ra Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân nhận nhiệm vụ, rồi đi đảo Tốc Tan C. Hôm chia tay mẹ con, anh còn xoa đầu con gái bảo, bố đi rồi sẽ về. Con ở nhà chăm cây mít cho nhanh lớn nhé. Ai ngờ đó là lần chia tay cuối”, chị Dung xúc động nước mắt lưng tròng nhìn cây mít rồi bảo “Ngày anh Hạnh còn sống, hai bố con ăn mít, con gái lấy hạt trồng. Cây mít đã già rồi”.

8 giờ sáng 17/1/2014, Trung úy Phan Văn Hạnh và đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quanh đảo Tốc Tan C trên xuồng máy. Khi ra khỏi rạn san hô ngầm, xuồng của anh chạy quanh đảo kiểm tra, thì bất ngờ gặp phải luồng sóng lừng cuồn cuộn từ đại dương. Mặc dù đã cố gắng điều khiển chiếc xuồng, nhưng gió quá lớn, luồng xoáy chảy mạnh làm xuồng lật úp. Hạnh bị cạnh xuồng đè dìm xuống biển, không thoát ra được.

bna_anh 3,.jpg
Mỗi lần con gái hỏi bố, chị Dung lại lấy di vật của chồng và nói, đó là tất cả những gì bố con để lại. Ảnh: Mai Thắng

Nhận được tin Hạnh và đồng đội gặp nạn, chỉ huy đảo đã điều một tổ cán bộ chiến sĩ ra cứu hộ, song không còn kịp nữa. Cơn sóng lừng cuồng phong và gió lốc đã nhấn nhìm anh xuống rạn đáy san hô. Ôm đồng đội trong tay, các chiến sĩ đảo Tốc Tan chết lặng. Nước mắt người lính Tốc Tan hòa vào sóng biển. Ngay sau đó, đồng đội đã đưa thi thể anh vào đảo Tốc Tan C rồi chuyển theo tàu hải quân về cảng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ở Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Nỗi niềm người vợ

Trong niềm đau khi ngày Thương binh - Liệt sĩ cận kề, chị Dung chia sẻ: “Sau khi anh Hạnh hy sinh, em vào làm việc tại Căn cứ 696 - đơn vị cũ trước đây của chồng em công tác. Công việc hiện nay cũng ổn định. Chỉ huy lãnh đạo đơn vị luôn tạo điều kiện thuận lợi để em hoàn thành nhiệm vụ”.

bna_anh 4,.jpg
Trên bàn thờ liệt sĩ Hạnh, treo nhiều bằng khen, giấy khen của liệt sĩ. Ảnh: Mai Thắng

Nói về chế độ tiền tuất của liệt sĩ, chị Dung cho biết: “Sau khi anh Hạnh hy sinh, bên cơ quan anh nói làm chế độ liệt sĩ. Con gái em được hưởng tiền tuất theo quy định con liệt sĩ đến 18 tuổi. Thời gian trôi đi, cuộc sống của hai mẹ con em cũng quen dần. Cứ đến ngày 27/7, cảm xúc nhớ thương lại ùa về. Thực lòng mà nói, có những ngày đau ốm, mưa gió bão lụt, nghĩ tủi thân lắm anh ạ”.

bna_anh 5, (1).JPG
Đảo Tốc Tan C – Nơi liệt sĩ Phan Văn Hạnh anh dũng hy sinh. Ảnh: Mai Thắng

Chị Dung vào buồng bê ra giữa nhà chiếc va ly cũ. Trong đó là di vật của chồng được chuyển về từ đảo Tốc Tan C sau ngày anh Hạnh hy sinh. Một chiếc mũ Cây- bi, bộ quần áo thao tác, cái bấm móng tay, tấm bằng tốt nghiệp, đôi giầy đen, bức ảnh của vợ và con chụp trước ngày ra đảo. Chị Dung nhìn lên bàn thờ giấu giọt nước mắt: “Sau ngày anh Hạnh hy sinh, mẹ con em khắc khoải. Lúc sống anh là người rất chu đáo, giản dị. Tất cả đều nhường nhịn cho vợ con. Tiền làm căn nhà này chủ yếu vay bên nội và đồng đội đến bây giờ chưa trả hết”.

bna_anh 6,.JPG
Đảo Tốc Tan C, nhìn gần. Ảnh: Mai Thắng

Rời nhà chị Dung trời chập choạng tối. Chúng tôi ra cầu cảng Căn cứ 696 - nơi đã đón thi thể liệt sĩ Hạnh từ đảo Tốc Tan C trở về sau 3 ngày anh dũng hy sinh. Những con tàu hải quân nằm đó chờ lệnh xuất kích. Hình ảnh liệt sĩ Phan Văn Hạnh bồng súng đứng gác ngoài đảo Tốc Tan C- Trường Sa ùa về trong tôi./.

Mới nhất

x
Chuyện về liệt sĩ người Nghệ hy sinh tại đảo Tốc Tan C - Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO