9 căn bệnh nguy cơ bùng phát mùa tựu trường

05/09/2017 11:05

(Baonghean.vn) -Nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu, bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏdễ mắc vào mùa tựu trường, bố mẹ cần cảnh giác cao để hạn chế những lây nhiễm cho bé.

Bệnh đường tiêu hóa

Đi học, bé sẽ tiếp xúc nhiều với phấn, bảng, giẻ lau,..., cộng thêm một số thói quen như mút tay, cắn móng tay, bốc thức ăn, ngoáy mũi nhưng lại không rửa tay, hoặc rửa tay mà không có xà phòng sau khi làm những hành động này.

Đặc biệt, khi ở trường không có sự giám sát sát sao của bố mẹ hay ông bà như ở nhà, thầy cô không thể để ý được hết tất cả các bé suốt 24/24 nên bé sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa cực kì cao, nhất là bệnh tiêu chảy.

Tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Ảnh minh họa.
Tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, cha mẹ rất khó kiểm soát được chuyện bé ăn uống ở trường, đặc biệt là thói quen ăn quà vặt ở vỉa hè, hàng quán ven đường. Khả năng bé bị ngộ độc thực phẩm hay rối loạn tiêu hóa do ăn đồ không đảm bảo vệ sinh cũng rất cao.

Vì thế, nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như thịt cá, sữa, rau xanh, hoa quả, đậu trứng,... và uống đủ nước. Hạn chế cho bé ăn nhiều đồ ăn để lâu ngày, đồ ăn nhanh. Nên cho trẻ ăn no vào bữa sáng để tránh bé ăn quà vặt ngoài đường. Tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh.

Nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu

Bệnh nhiễm trùng tiểu khá thường gặp ở trẻ em lứa tuổi này, xảy ra ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai, nguyên nhân thường do lạ chỗ làm trẻ nín tiểu, uống ít nước, không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu. Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tiểu thường mơ hồ và dễ bị bỏ qua như sốt kéo dài, biếng ăn hay chỉ là không tăng cân.

Nếu để ý sẽ nhận thấy trẻ có tình trạng tiểu ít đi, màu sắc nước tiểu thay đổi hoặc có biểu hiện tiểu ngắt quãng, tiểu lắt nhắt, hay tiểu són trong quần kéo dài. Khi phát hiện các dấu hiệu này cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.

Sốt xuất huyết

Khi có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết cần đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám. Ảnh minh họa.
Khi có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết cần đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám. Ảnh minh họa.

Tháng 9 cũng là mùa tựu trường trùng với đỉnh dịch của sốt xuất huyết nên nguy cơ dịch bệnh trong trường học không thể chủ quan.

Trong khi đó, sốt xuất huyết là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, đường lây truyền dễ dàng qua muỗi vằn đốt. Chưa kể, do không có miễn dịch lâu dài nên về lý thuyết, một người có thể mắc 1 hoặc cả 4 tuýp sốt xuất huyết nên nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Bệnh viêm đường hô hấp

Đây là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ trong mùa tựu trường, thời tiết thay đổi là yếu tố khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, cúm, viêm mũi họng, viêm phổi.

Bệnh đường hô hấp lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc gần, giọt nước bọt bắn ra khi nói chuyện. Vì thế, trong lớp dù chỉ có 1 trẻ cúm, 1 trẻ sốt vi rút mà không cho nghỉ học, cách ly ở nhà thì rất có nguy cơ lây sang các bạn cùng lớp. Đó là nguyên nhân của nhiều ca sốt tập thể trong cùng một lớp học do lây lan bệnh về đường hô hấp.

Do vậy, việc che miệng khi ho, rửa tay thường xuyên tiêu diệt vi rút, vi khuẩn để không lây qua đồ vật chung, lây lan cho các bạn học là rất cần thiết.

Bệnh tay chân miệng

Bệnh dễ lây thành dịch, nếu không chăm sóc và điều trị đúng sẽ biến chứng, dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa.
Bệnh dễ lây thành dịch, nếu không chăm sóc và điều trị đúng sẽ biến chứng, dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa.

Mùa tựu trường cũng là thời điểm bệnh tay chân miệng vào mùa. Trẻ có thể bị sốt nhẹ thoáng qua, hoặc sốt cao 39 - 40oC, mỏi mệt, kém ăn, đau họng… và xuất hiện những nốt ban hồng khoảng 2mm ở miệng, da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi ở mông, cẳng chân. Bệnh dễ lây thành dịch, nếu không chăm sóc và điều trị đúng sẽ biến chứng, dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt siêu vi

Các biểu hiện chung thường thấy ở bệnh nhân nhiễm siêu vi là sốt cao 39-40oC kèm theo phát ban, mệt mỏi, đau cơ, đau họng, chán ăn... Ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), khi sốt cao không được hạ sốt kịp thời, trẻ dễ bị co giật. Đáng lưu ý là khi trẻ bị co giật nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, thiếu ôxy não, làm suy giảm trí tuệ hay nặng hơn là để lại di chứng nặng nề về não.

Viêm màng não mủ

Tiêm phòng là cách hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh cho trẻ. Ảnh minh họa.
Tiêm phòng là cách hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh cho trẻ. Ảnh minh họa.

Bệnh viêm màng não mủ rất nguy hiểm vì triệu chứng giống viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy… khiến nhiều mẹ dễ nhầm lẫn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Trẻ có thể sốt cao, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy, nôn… Bệnh chỉ điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm.

Sốt phát ban

Nếu bệnh do virus sởi gây ra gọi là ban đỏ, bệnh gây ra bởi virus rubella còn gọi là ban đào. Sốt phát ban là bệnh rất dễ lây nhiễm, nhất là trong môi trường có tính tập thể như nhà trẻ, trường học, trường mẫu giáo vì bệnh lây chính yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi làm văng những giọt nước li ti, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.

Bệnh nhiễm trùng mắt

Dạy trẻ không lấy tay dụi mắt, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn, áo, gối...) để phòng bệnh đau mắt. Ảnh minh họa.
Dạy trẻ không lấy tay dụi mắt, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn, áo, gối...) để phòng bệnh đau mắt. Ảnh minh họa.

Mùa tựu trường là lúc dịch đau mắt đỏ hay tái phát và rất dễ lây. Dạy trẻ không lấy tay dụi mắt, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn, áo, gối...), nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
9 căn bệnh nguy cơ bùng phát mùa tựu trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO