90% hàng giả xuất xứ từ Trung Quốc

06/12/2011 15:25

Đó là thông tin của Tổng cục Hải quan (TCHQ) cung cấp tại Hội nghị về công tác phòng, chống hàng giả dịp cuối năm do TCHQ tổ chức hôm qua tại TP.HCM.

Xuất khẩu... hàng giả

Hàng giả diễn biến muôn hình vạn trạng, phổ biến nhất là giả giống tên hàng thật. Nếu thị trường hàng thật có thuốc Viagra thì hàng giả có ngay Viaraga. Năm nào hải quan cũng thu giữ hàng ngàn viên thuốc giả kiểu này. Hàng nhái điện thoại di động Nokia thì có Nokita… Đặc biệt mới đây, 3 công ty Việt Nam (gồm 2 công ty gia công và 1 công ty xuất khẩu) bị phạt 1,48 tỉ đồng do làm hàng giả, hàng nhái xuất khẩu sang Pakistan, Afghanistan nhãn hàng nước tăng lực giống hệt sản phẩm của Công ty Carabao Tawandang (Thái Lan). Điểm khác nhau là tên sản phẩm Carabao được viết khác thành Arabao, hình con trâu có 2 sừng biến thành con sơn dương cũng 2 sừng. Đây là vụ làm giả hàng để xuất khẩu mà Hải quan TP.HCM lần đầu xử lý. Tuy nhiên, theo Hải quan TP.HCM, tình trạng hàng giả xuất khẩu đang diễn ra ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, cho biết biến tướng hàng giả, hàng nhái ngày càng khó lường. Từ que diêm, bật lửa, bàn chải đánh răng... cho đến vé máy bay, thẻ tín dụng, tivi, tủ lạnh... đều bị làm giả, kể cả hàng ngoại giả hàng nội. Đó là hàng ngàn công tơ điện, ăng ten tivi, đèn sạc ắc quy, ổ cắm điện do Trung Quốc sản xuất giả hàng VN. Thậm chí, 33.000 ổ cắm điện giả được dán tem chống giả của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an VN, cả hàng và tem đều giả.

Mới đây, Cục Hải quan Đồng Nai bắt quả tang công nhân Công ty TNHH công nghiệp SPC Tianhua VN (100% vốn Trung Quốc ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) đang thay thế các nhãn mác ghi xuất xứ Trung Quốc bằng nhãn mác xuất xứ VN cho lô hàng hợp chất xử lý nước 100 tấn, trị giá 4,5 tỉ đồng để xuất đi Mỹ. Việc giả mạo xuất xứ hàng VN nhằm hưởng ưu đãi thuế khi vào Mỹ.

Theo bà Trương Thị Tuyết Mai, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, số liệu của Cảnh sát quốc tế Interpol cho thấy, VN có số mẫu thuốc giả cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Thuốc giả làm bằng bột mì hoặc thuốc có dược chất thấp không có tác dụng điều trị. Cơ quan chức năng đã phát hiện đối tượng Phạm Thị V.T dùng hóa chất tẩy tên thuốc Lanjack (chữa đau dạ dày), sử dụng bao bì, tem nhập khẩu giả biến thành thuốc kháng sinh Rovanten điều trị về các bệnh hô hấp. “Thuốc giả bỏ cho các tiệm thuốc với giá 70.000 - 90.000 đồng/hộp nhưng nguyên liệu đầu vào chỉ 7.000 đồng” - bà Mai cho biết.



Quản lý thị trường kiểm tra hàng giả - Ảnh: H.V

Hầu hết hàng giả được sản xuất từ Trung Quốc

Ông Trần Việt Hưng, Phó đội trưởng Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Cục Điều tra chống buôn lậu, TCHQ) cho biết, hai thị trường hàng giả “truyền thống” của VN là trong nội địa Trung Quốc và Hồng Kông. Tuy nhiên gần đây nhiều vụ bắt hàng giả có nguồn gốc từ Nga (rượu) và Singapore (mắt kính, quần áo). Doanh nghiệp VN qua tận Nga đặt hàng rượu giả, với các tiêu chí theo yêu cầu. Các vụ này hải quan đã chuyển cho công an truy tố. “Cuối năm hàng giả về rất nhiều. Hàng từ Trung Quốc chiếm hơn 90%”, ông Hưng khẳng định.

Theo ông Đỗ Hữu Quang, Phó cục trưởng Cục QLTT, khó khăn là cơ sở pháp lý chống hàng giả chưa hoàn thiện, các chế tài hàng giả quy định ở rất nhiều văn bản, không thống nhất, hay thay đổi, chồng chéo. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng không tốt dẫn đến hiệu quả chưa cao, thiếu chiến lược, kế hoạch phối hợp đấu tranh bài bản, lâu dài, dẫn đến tình trạng dễ làm khó bỏ, chưa thực sự gắn trách nhiệm của mình vào công việc chung là chống hàng giả.


Theo Thanh niên

Mới nhất
x
90% hàng giả xuất xứ từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO