“Lũ không về từ khe lớn” là lời người dân bản Sơn Hà (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn), một trong những khu vực dân cư hứng chịu nhiều nhất những mất mát sau khi cơn lũ dữ đi qua. Vâng, thật khó để tin khi nghe câu “lũ không về từ khe lớn”. Nhưng lời người dân đúng. Lũ không về từ khe lớn, mà về theo những con khe nhỏ – điều tra hiện trường của các phóng viên Báo Nghệ An đã làm rõ điều này tại bài viết “Vẽ lại “bom nước” tạo nên lũ dữ ở Kỳ Sơn”.
Hiện trạng cho thấy tại khe nước trong thung lũng của các quả núi phía trên bản Sơn Hà còn lưu rõ dấu tích hai hồ nước. Theo dân bản, từ xa xưa đến nay con khe này nhỏ, ít nước, và chưa từng có hồ. Trong khi đó, ở các vách núi hai bên khe còn nguyên hiện trạng sạt lở, trơ trọi đá. Từ thực tế này có thể hình dung, do những ngày cuối tháng 9 có mưa kéo dài khiến đất đá từ các vách núi bị ngấm nước tụt xuống, ách tắc dòng chảy của khe, rồi ùn ứ tạo thành đập chắn, từ đây hình thành nên hồ nước. Những ngày hoàn lưu bão số 4, mưa lớn dồn dập, hồ tích tụ một khối lượng nước rất lớn. Do con đập đất thiên tạo ngấm nước nhiều giờ, bị nhão, nhũn, quá sức chịu đựng vỡ tung, hai hồ nước trở thành hai quả “bom nước”, tạo nên cơn lũ quét, tống nước, bùn, đá, cây cối và bất kỳ vật gì cản đường đi của chúng xuống khu vực bản Sơn Hà. Sau đó, tiếp tục hợp cùng nước trong khe Huồi Giảng tràn xuống bản Hòa Sơn, tạo nên sự tàn phá khủng khiếp chưa từng thấy ở huyện biên giới Kỳ Sơn.
Nguyên nhân gây lũ ở Kỳ Sơn là vậy. Còn về tình trạng ngập lụt tại thị xã Hoàng Mai trong hoàn lưu bão số 4, cũng theo điều tra của phóng viên Báo Nghệ An, có một phần vì sông Hoàng Mai bị ách tắc dòng chảy. Thông tin tại bài viết “Tìm thủ phạm gây ngập lụt nặng nề tại thị xã Hoàng Mai”, thời điểm hồ Vực Mấu xả lũ 3 cửa xả, có hai vị trí trên sông Hoàng Mai bị thu hẹp, ách tắc dẫn đến dòng chảy không được thông suốt. Thứ nhất, tại điểm xây dựng cầu Hoàng Mai 2, trên tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua; thứ hai, tại khu vực gần Lạch Cờn, đoạn gần cầu Quỳnh Phương và đoạn kênh Nhà Lê nơi có con đường ven biển đi qua.
Nguyên nhân do bởi việc tháo dỡ, thanh thải hai tuyến đường chuyển vật liệu và đường công vụ không đảm bảo, dòng chảy chưa được trả lại đúng nguyên trạng. Đơn vị quản lý hồ Vực Mấu là Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc từng có Báo cáo số 839/BC.KT-CT ngày 28/9/2022 gửi cơ quan chức năng: “Đến ngày 28/9/2022, qua kiểm tra và báo cáo của Xí nghiệp Thuỷ lợi Hoàng Mai, tại vị trí xây dựng cầu Hoàng Mai 2, hiện tại phần đường xế cầu tạm tại vị trí giữa dòng sông và phía Nam cầu Hoàng Mai 2 vẫn chưa được xử lý, thanh thải đất đá như đã cam kết tại biên bản làm việc”. Và điều tra hiện trường của phóng viên Báo Nghệ An cũng cho thấy, ngày 5/10/2022, trên sông Hoàng Mai nổi lên những mỏm đất, khối bê tông do nhà thầu thi công đường cao tốc Bắc – Nam chưa thanh thải triệt để.
Về thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra, đã có số liệu thống kê và được thông báo tại Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII là hết sức nặng nề. 8 người thiệt mạng, hơn 17.000 ngôi nhà bị ngập nước, 76 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi hoàn toàn; tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 1.000 tỷ đồng! Với xã hội, chắc chắn rằng sẽ phải rất lâu nữa mới thôi ám ảnh về cơn lũ dữ ở Kỳ Sơn đã cuốn trôi cháu bé 4 tháng tuổi, nhiều nhà ở, ô tô, xe máy và vô vàn vật dụng khác; mới thôi ám ảnh về biển nước mênh mông, nhấn chìm đồng ruộng, vườn tược, cô lập làng mạc, khu dân cư ở thị xã Hoàng Mai.
Mùa bão lũ năm nay vẫn chưa hết. Những năm sau sẽ vẫn tiếp tục có những mùa bão lũ. Vì vậy, với những gì bão số 4 đã gây ra, dù đang là thời điểm tập trung khắc phục thiên tai thì vẫn cần mổ xẻ làm rõ nguyên nhân, để khắc phục những hạn chế; và chấn chỉnh những tổ chức, cá nhân còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm.
Cụ thể như tình trạng ách tắc dòng chảy ở Kỳ Sơn khiến “lũ không về từ khe lớn”, dù do thiên tai, nhưng nguyên nhân sâu xa cũng từ chính con người. Vô số clip, hình ảnh đã chứng minh khu vực núi, nơi có khe nước tạo lũ dữ đã mất hoàn toàn hệ sinh thái rừng phòng hộ đầu nguồn. Thống kê từ ngành Lâm nghiệp cũng chỉ ra rằng, ở huyện Kỳ Sơn có gần 110 nghìn ha đất rừng phòng hộ, nhưng hẵng còn đến gần 42 nghìn ha đất trống chưa có rừng. Đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ tập trung ở vùng xung yếu. Nếu chậm tái tạo rừng, thảm họa thiên tai tiếp diễn là điều khó tránh khỏi.
Về tình trạng ách tắc dòng chảy của sông Hoàng Mai, rõ ràng là do thái độ thờ ơ với công tác phòng chống thiên tai của con người. Cụ thể là thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các đơn vị nhà thầu và cơ quan quản lý liên quan. Vì nhiều ngày trước khi có thông tin về cơn bão số 4, việc trả lại dòng chảy tự nhiên của sông Hoàng Mai đã nhiều lần được phát đi từ đơn vị có trách nhiệm. Thậm chí, đến ngày 26/9 , Sở Giao thông Vận tải đã phải cùng một số sở, ngành liên quan kiểm tra hiện trường tại điểm xây dựng cầu Hoàng Mai 2, để đến ngày 27/9, có văn bản đề nghị Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) chỉ đạo nhà thầu “khẩn trương thanh thải, khơi thông dòng chảy sông Hoàng Mai tại vị trí giữa dòng và phía Nam sông Hoàng Mai để đảm bảo tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân”.
Vì vậy, với huyện Kỳ Sơn, và kể cả nhiều khu vực thuộc các huyện núi cao như Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, mong khẩn trương tính đến bài toán tái tạo rừng phòng hộ trên những vùng đất xung yếu đã được quy hoạch. Bên cạnh đó, giúp bà con đồng bào những biện pháp ứng phó thiên tai, kịp thời phát hiện khơi thông các dòng chảy bị ách tắc để giảm thiểu những cơn lũ quét. Còn với sự việc ách tắc dòng chảy trên sông Hoàng Mai, cần kiểm tra, xem xét trách nhiệm các đơn vị nhà thầu, đơn vị quản lý. Vì tạo nên ách tắc dòng chảy là vi phạm pháp luật, là vô cảm với xã hội!