ADB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% năm nay và 6,6% năm tới
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2015 và 2016 sẽ cao hơn kỳ vọng nhờ các chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý góp phần khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, và những cải cách chính sách gần đây đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong một báo cáo mới được công bố hôm nay 22-9.
Trong Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, cao hơn so với dự báo mà ngân hàng này đã đưa ra vào đầu năm nay. Hồi cuối quí 1-2015, ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% năm nay và 6,2% năm 2016.
ADB công bố báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển Châu Á. Ảnh TG |
“Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ vào một loạt yếu tố, đặc biệt là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng cũng tăng và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện,” ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, nhận định.
Báo cáo cho biết sản lượng trong khu vực sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt, tăng 9,9% trong sáu tháng đầu năm nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đà tăng trưởng này dự báo sẽ được tiếp tục duy trì khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong sáu tháng đầu năm đạt mức kỷ lục.
Tốc độ tăng trưởng trong ngành xây dựng cũng tăng tốc, đạt 6,6% trong sáu tháng đầu năm nhờ có sự hồi phục trên thị trường bất động sản và đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng.
Sau một vài năm gặp nhiều thách thức, khu vực tài chính cũng đã cho thấy các tín hiệu tích cực. Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu chính thức đề ra trong năm 2015. Chính sách của Chính phủ cũng thuận lợi hơn nhờ giá cả hàng hóa thế giới giảm, giúp kiềm chế tốc độ tăng giá, tăng mức thu nhập khả dụng và giảm chi phí hoạt động kinh doanh.
Mặc dù đạt được các thành tựu này, song Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức kinh tế vĩ mô đang gia tăng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm ở TrungQuốc – một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam – có thể kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn, trong khi giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu của những ngành mũi nhọn như dầu lửa và nông nghiệp.
“Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam,” ông Sidgwick phát biểu.
Theo báo cáo, tiêu dùng cá nhân cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp tăng lên. Một khảo sát thị trường lao động năm 2014 cho biết mỗi năm có 800.000 lao động rời khỏi ngành nông nghiệp có năng suất thấp để chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp có tiền lương cao hơn hoặc làm việc cho các ngành khác.
Sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI lớn. Trong số 84,8 tỉ đô la Mỹ vốn FDI cam kết mới kể từ năm 2011 đến tháng 8 năm nay, thì 70% là để mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu.
Giải ngân FDI tăng đến 8,5 tỉ đô la Mỹ trong 8 tháng đầu năm nay. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng tháng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, từ gần 3 tỉ đô la Mỹ vào đầu năm 2010 lên 10 tỉ đô la Mỹ vào tháng 8/2015.
Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang sản xuất khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu, cao hơn so với tỉ lệ một nửa ở thời điểm 5 năm trước đây. Các doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu từ 2-4 tỉ đô la Mỹ mỗi tháng, kể từ tháng 1/2010 trở lại đây.
Một số dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng bao gồm chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI cho thấy sản xuất mở rộng trong 24 tháng liên tiếp tính đến tháng 8/2015, mặc dù số đơn hàng xuất khẩu giảm nhẹ từ tháng 6 cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp có thể giảm đi.
Triển vọng thương mại và đầu tư khả quan hơn nhờ nới lỏng quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và bất động sản của Việt Nam, cũng như việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế công nghiệp lớn trong năm 2016 sẽ khích lệ xuất khẩu và dòng vốn đầu tư, song phần nào bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.
Chính sách tài khóa sẽ tiếp tục theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù có thể sẽ thắt chặt hơn trong năm 2016. Kể từ năm 2011 chính phủ đã tăng chi tiêu và đi vay để giúp nền kinh tế hồi phục.
Nợ công, bao gồm nợ do chính phủ bảo lãnh, dự báo đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 62% GDP. Nợ nước ngoài, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi dài hạn, vẫn giữ ở mức 28% GDP trong 3 năm qua, được kìm giữ bởi các thủ tục huy động nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ngày càng phức tạp. Nguồn vốn trong nước với chi phí cao hơn dự báo sẽ tăng lên khoảng 33% GDP. Trả nợ dự báo sẽ chiếm khoảng 15% tổng số thu của Chính phủ trong năm 2016.
ADB cho rằng, những mối quan ngại về nợ công và trả nợ dự báo sẽ buộc chính phủ phải kìm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách, bắt đầu từ năm 2016. Khi đó, thách thức đối với chính phủ sẽ là kiểm soát việc thắt chặt chi tiêu này theo lộ trình dần dần, tiên liệu được để tránh gây sốc cho đà đi lên của nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự báo sẽ vượt qua chỉ tiêu ban đầu 13-15% của Chính phủ, và sẽ tăng nhanh hơn trong năm 2016. Cầu tín dụng đang tăng, và những báo cáo cải thiện tình hình nợ xấu và bảng cân đối kế toán của ngân hàng thương mại sẽ tạo điều kiện để tăng cường hoạt động cho vay.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã nới lỏng quy định cho các ngân hàng trong việc sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn. Một chương trình sáp nhập hoặc đóng cửa các ngân hàng nhỏ và yếu kém sẽ giúp cho hệ thống tài chính trở nên lành mạnh hơn. NHNN hiện nay đang khuyến khích các ngân hàng sáp nhập để đến năm 2017 sẽ giảm số ngân hàng xuống còn khoảng một nửa.
Lạm phát vào thời điểm tháng 12-2015 dự báo sẽ tăng lên 2% so với cùng kỳ năm trước do cầu trong nước tăng cao, tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền, tăng giá xăng dầu và giá điện vào đầu năm nay, cũng như tác động của việc điều chỉnh tỉ giá 3% đối với giá cả nhập khẩu. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm nay thậm chí còn nhẹ hơn so với dự báo trước đây, vì vậy dự báo lạm phát trung bình cả năm đã được điều chỉnh giảm xuống còn 0,9%.
Tuy nhiên, lạm phát sẽ vẫn tăng lên đến 4,0% trong năm 2016. Lạm phát thấp như vậy có thể sẽ làm cho lãi suất giảm.
Thặng dư cán cân vãng lai sẽ thấp hơn so với mức dự báo hồi tháng 3 năm nay, do nhập khẩu tăng mạnh và thị trường xuất khẩu giảm. Ngoài ra, tăng trưởng kiều hối trong sáu tháng đầu năm 2015 đã giảm xuống 4,8% GDP, so với 5,6% của nửa đầu năm 2014. Dự báo thặng dư cán cân vãng lai được điều chỉnh giảm xuống còn 0,5% GDP trong năm nay, và giảm ít hơn, xuống 1,0% trong năm 2016. Trong trung hạn, ADB dự báo thặng dư cán cân vãng lai sẽ tăng do nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ đi vào sản xuất và tăng cường xuất khẩu.
Về khu vực quốc doanh, Chính phủ đã cổ phần hóa một phần 61 doanh nghiệp nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2015, tiếp theo 143 doanh nghiệp trong năm 2014. Chỉ tiêu chính thức là tiếp tục cổ phần hóa 228 doanh nghiệp trong năm nay dường như hơi tham vọng, và dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa muộn hơn, trong năm 2016 hoặc muộn hơn nữa, theo bản báo cáo.
Một trở ngại đối với công tác này là thiếu nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng tham gia mua cổ phiếu chào bán ra công chúng lần đầu. Việc nới lỏng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán được nhằm để tháo gỡ bất cập này, song các nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn chưa hào hứng do còn quan ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp và minh bạch tài chính.
Theo TBKTSG Online