Ân tình xứ Quảng
Hơn 45 năm qua, tôi đã viết nhiều thư để tìm mộ cho người em trai là Liệt sỹ Nguyễn Thế Truyền, sinh năm 1945, nhập ngũ năm 1962, hy sinh ngày 7/9/1967 tại chiến trường miền Nam mà không thấy hồi âm. Trong lòng tôi luôn canh cánh một nỗi niềm là làm sao tìm được mộ em để đưa về quê hương.
(Baonghean) Hơn 45 năm qua, tôi đã viết nhiều thư để tìm mộ cho người em trai là Liệt sỹ Nguyễn Thế Truyền, sinh năm 1945, nhập ngũ năm 1962, hy sinh ngày 7/9/1967 tại chiến trường miền Nam mà không thấy hồi âm. Trong lòng tôi luôn canh cánh một nỗi niềm là làm sao tìm được mộ em để đưa về quê hương.
Năm 2005, trong Đại hội CCB gương mẫu của huyện Yên Thành, tôi được nghe đồng chí Phan Ngọc Tịch - Trung đội trưởng chỉ huy đơn vị của em tôi năm đó, báo cáo về chiến công của Trung đoàn V508 - QK5.
Đồng chí cho biết: Trong trận BaZa năm 1965, quân ta đã tiêu diệt được 280 tên, bắt sống 130 tên, trong đó có 1 đại úy Mỹ, thu được 2 khẩu pháo 105 ly mà bọn Mỹ vẫn thường huênh hoang là “Vua chiến trường”. Thu xong chiến lợi phẩm, đơn vị giao cho bộ đội địa phương và dân quân tháo ra và đưa về xã Đà Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thượng sỹ quân khí Nguyễn Thế Truyền được giao nhiệm vụ ở lại hậu cứ lắp ráp, bảo quản và sửa chữa. Sáng ngày 7/9/1967, 4 chiếc trực thăng UH 1A đổ quân xuống càn quét. Truyền cùng đơn vị dân quân chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và đã hy sinh. Tối hôm đó, anh em dân quân chôn cất Truyền tại ven suối Ba Lau. Sau đó, trong một trận chiến đấu, Tịch bị bắt và đưa ra giam ở đảo Phú Quốc. Chúng tra tấn rất dã man, thần kinh của Tịch bị tê liệt, không nhớ rõ 2 khẩu pháo đó kéo về xã nào nữa, chỉ nhớ mang máng là xã Đà Sơn. Tôi đã viết thư cho đồng chí Chủ tịch xã Đà Sơn nhưng bị trả lại vì huyện Sơn Tịnh không có xã Đà Sơn.
Tôi viết thư cho đồng chí Đại tá Nguyễn Cao Tự - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi trình bày một số tình tiết mà tôi thu lượm được và đề nghị đồng chí giúp đỡ. Nhận được thư, các đồng chí đã cử cán bộ đi xác minh thông tin và trả lời cho biết: Theo bản trích lục thông tin về quân nhân mất tin mất tích trong chiến tranh của Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị: Liệt sỹ Nguyễn Thế Truyền hy sinh ở thôn Bàu Sơn, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Tôi tìm đến Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi và gặp đồng chí Lê Ngọc Lĩnh - nguyên Chính ủy Trung đoàn đánh trận BaZa, hiện nay là Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn BaZa. Đồng chí khẳng định: Trong trận đánh đó quân ta đã thu được 2 khẩu pháo 105 ly và kéo về một vùng núi của huyện Sơn Hà. Sau đó, đồng chí lại đi đánh ở mũi khác nên không nắm được cụ thể là về xã nào.
Ngày 27/7/2011, tôi đến thôn Bàu Sơn, xã Sơn Nham và gặp đồng chí Đinh Văn Bay - dân tộc Hơ Re, ông cho biết: Hai khẩu pháo đó đã kéo đến xã chúng tôi nhưng vì đường quá dốc nên phải kéo sang thôn Đá Sơn, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Sơn và Sơn Nham trước đây là một xã). Theo sự chỉ dẫn, tôi sang xã Nghĩa Sơn gặp đồng chí Phạm Văn Sơn - Chủ tịch xã Nghĩa Sơn, trong lúc xã đang tổ chức mít tinh kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh liệt sỹ.
Thấy chúng tôi vào, đồng chí giới thiệu: “Đây là 2 ông cháu ở quê hương Bác Hồ - tỉnh kết nghĩa với Quảng Ngãi vào tìm mộ người em trai là Nguyễn Thế Truyền bị Mỹ bắn chết trong khi đang sửa chữa 2 khẩu pháo, có ai biết không?”. Già làng Phạm Văn Hà - nguyên là xã đội phó năm đó đứng lên nói: “Tao biết, trận đó bộ đội Truyền cùng dân quân đánh nhau với Mỹ, bộ đội Truyền hy sinh, dân quân đem chôn ở gần suối Ba Lau, cạnh nhà tao đấy. Nó là ma của làng Vơ”.
Tuy tuổi đã cao nhưng già Hà còn khỏe mạnh. Tính riêng trong 4 năm (từ năm 1965 đến 1969) dân quân đã đánh 25 trận, bắn rơi 8 máy bay Mỹ. Riêng đồng chí xã đội phó Phạm Văn Hà bắn rơi một chiếc và được tặng danh hiệu Dũng sĩ bắn máy bay. Cả xã vinh dự được mang họ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Già làng nói thêm: Bộ đội Truyền là thợ sửa chữa pháo, cùng ăn rau má, ốc đá, cá thia với dân bản. Dân bản xem bộ đội Truyền như người nhà. Nó tốt lắm, Mỹ bắn nó chết, chúng tao thương lắm và đắp mộ cho nó một ngày một to hơn. Năm 1990, cấp trên về đắp đập ngăn sông Trà Khúc để cho dân bản cấy lúa, nước suối dâng lên, mộ của bộ đội Truyền phải chuyển sang nghĩa trang xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa (vì xã Nghĩa Sơn chưa có nghĩa trang).
Ngồi bên mộ em trai, tôi ứa hai hàng nước mắt. Tuy cách xa hàng nghìn cây số nhưng tình cảm bà con bản làng đối với các liệt sỹ giống như tình ruột thịt. Nghĩa trang được chăm sóc sạch sẽ và chu đáo. Vào ngày Rằm hay mồng Một, nhân dân đều đến thắp hương thăm viếng.
Nghĩa trang chiều quạnh vắng, chúng tôi về với lòng đầy cảm xúc. Cảm ơn cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã đùm bọc những người con của Tổ quốc như chính những người thân trong gia đình. Ân tình xứ Quảng không bao giờ nhạt phai...
Nghệ An, Quảng Ngãi anh hùng
Bơ Tơ, Xô viết cùng chung một nhà.
Nguyễn Thế Viên