An toàn bức xạ trong X-quang y tế: Chưa quan tâm đúng mức

14/10/2014 16:37

(Baonghean) - Trên địa bàn tỉnh, các cơ sở ứng dụng các tia X phục vụ đời sống, đặc biệt là lĩnh vực y tế có số lượng khá lớn. Tuy nhiên, công tác an toàn bức xạ vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm do nhiều cơ sở vẫn chưa đạt chuẩn.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 75 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, với hơn 128 thiết bị X-quang được sử dụng trong việc khám, chữa bệnh. Trong đợt thanh tra liên ngành tổ chức vào tháng 8/2014, Sở KH&CN phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh đã tiến hành thanh tra 38 cơ sở y tế có sử dụng thiết bị bức xạ. Trong đó có 29 cơ sở với 62 thiết bị đã được cấp phép, 11 cơ sở với 17 thiết bị chưa được cấp phép hoặc có giấy phép nhưng hết thời hạn, một số cơ sở hiện đang sử dụng cả thiết bị đã được cấp phép và thiết bị chưa được cấp phép. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào bị tai nạn do bức xạ gây ra. Qua kiểm tra, đã có 73 thiết bị (chiếm 92,4%) thực hiện đúng quy định và chỉ có 6 thiết bị (chiếm 7,6%) thiết bị không kiểm định hoặc kiểm định quá hạn.

Tuy nhiên, tại một số cơ sở việc chấp hành các quy định về an toàn bức xạ (ATBX) vẫn còn nhiều hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức. Công tác lập, lưu trữ hồ sơ ATBX chưa đầy đủ, chỉ dẫn an toàn, an ninh, cảnh báo bức xạ còn thiếu hoặc lắp đặt không đúng vị trí quy định. Có đến 84% cơ sở chưa lập và lưu hồ sơ cá nhân cho nhân viên bức xạ; 27/38 cơ sở không tổ chức khám và chưa lưu hồ sơ sức khoẻ của nhân viên bức xạ. Thậm chí, ở một số cơ sở, nội quy ATBX, phương án ứng phó cũng chỉ được xây dựng sơ sài, thiếu nhiều nội dung quan trọng, phòng chụp thiếu các trang thiết bị kèm theo như biển cảnh báo, đèn cảnh báo, nội quy ATBX,… Đáng lo ngại nhất là ngay cả các bác sỹ, y sỹ hoặc kỹ thuật viên làm việc trực tiếp với các thiết bị bức xạ cũng ít quan tâm đến việc bảo vệ chính bản thân mình.

Theo quy định, các bác sỹ, y sỹ hoặc kỹ thuật viên làm việc trực tiếp với các thiết bị bức xạ, cụ thể là trong phòng chụp X-quang đều phải mặc áo chì (một thiết bị dùng để bảo vệ cơ thể tránh bị hấp thu những lượng bức xạ không cần thiết). Thế nhưng, họ rất ít khi quan tâm đến việc này, thậm chí ở nhiều nơi, do số lượng bệnh nhân đông, bác sỹ còn cho phép nhiều người cùng vào khám một lượt mà không hề có sự bảo vệ cần thiết (mặc áo chì) cho các bệnh nhân chưa đến lượt, hoặc người nhà những bệnh nhân cần trợ giúp (người già, trẻ em)… Chị Kiều Thu Trang - cán bộ phòng Quản lý Công nghệ, Sở KH&CN cho biết: Hàng năm, Sở KH&CN vẫn thường xuyên tổ chức tập huấn về vấn đề ATBX cho cán bộ ngành y tế và cán bộ phụ trách khoa học các huyện, thành, thị. Sau mỗi cuộc tập huấn đều có cấp chứng chỉ với thời hạn 3 năm. Thế nhưng, việc thực hiện theo quy định vẫn chưa được nghiêm túc. Việc đưa ra những nội dung cảnh báo đối với bệnh nhân khi khám bệnh cũng ít được lưu ý. Ngay cả vấn đề dùng liều kế kiểm tra mức độ nhiễm xạ của chính các bác sỹ, y sỹ hoặc kỹ thuật viên cũng ít được quan tâm đầy đủ.

Bên cạnh đó, các phòng lắp thiết bị X-quang nhiều cơ sở vẫn chưa được bố trí đạt chuẩn, chưa đảm bảo các quy định như: phòng khám phải đặt xa khu vực đông người, phòng X-quang phải có kích thước theo tiêu chuẩn Việt Nam, có cửa sổ thông khí không thấp hơn 2m so với sàn phía ngoài; Ông Nguyễn Công Hoan - Phòng Thanh tra, Sở KH&CN cho biết: Những cơ sở y tế vi phạm đã thực sự cầu thị, nghiêm túc tiếp thu mọi xử lý, nhận xét và đồng thời có phương án khắc phục nhanh chóng các lỗi vi phạm. Qua đợt thanh tra vừa qua, đoàn thanh tra đã xử phạt 5 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 40 triệu đồng.

So với mức ảnh hưởng của lượng phóng xạ trong công nghiệp, thì mức ảnh hưởng của bức xạ trong y tế không nặng bằng, nhưng theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì khi một người bình thường tiếp thu quá liều lượng bức xạ sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn bức xạ ở các phòng khám X-quang là việc cần được thực hiện nghiêm túc.

Hồng Anh

Mới nhất

x
An toàn bức xạ trong X-quang y tế: Chưa quan tâm đúng mức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO