An toàn cho bản làng trong khu vực sạt lở

26/04/2013 19:00

(Baonghean) - Không giấu được niềm vui, anh Vi Văn Nghệ, Phó bản Pủng xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương nói rằng, nếu như Đảng và Nhà nước không có chủ trương tái định cư bản về nơi ở mới thì không chừng bản Pủng đã trôi theo nước lũ.

Được biết, 132 hộ dân bản Pủng sinh sống dọc khe Tân Xà, khu vực địa chất yếu, có nguy cơ cao về sạt lở vào mỗi mùa mưa lũ. Trước tình hình đó, năm 2011, Phòng Dân tộc - UBND huyện Tương Dương đã khảo sát, lập dự án và tiến hành quy hoạch, xây dựng khu tái định cư cho bà con. Trong số 132 hộ dân đã có 52 hộ dân với 246 khẩu được di chuyển đến nơi ở mới. Địa điểm định cư mới cách khu vực cũ khoảng 2 km. Trên địa hình bằng phẳng, các yếu tố hạ tầng như điện, đường, trường học đều được đảm bảo. Tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 14 tỷ đồng. Theo kế hoạch, sắp tới 52 hộ dân sẽ chia tách khỏi bản Pủng cũ để thành lập bản mới có tên Lưu Sơn. Hiện tại trường mầm non mới xây dựng của bản cũng đã được đặt tên này.

Thực tế việc di dân tái định cư ở huyện miền núi Tương Dương được triển khai thông qua 2 chương trình. Chương trình hỗ trợ di dân định canh, định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Phòng Dân tộc thực hiện và Chương trình dự án bố trí dân cư tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do theo Quyết định 193/2006 (sau được bổ sung bằng Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ) do Ban Phát triển nông thôn miền núi thực hiện. Từ năm 2009 đến nay, đã có 6 bản, làng với gần 340 hộ dân được di chuyển đến nơi ở mới đảm bảo các điều kiện về hạ tầng và sản xuất đời sống.





Phó bản Pủng Vi Văn Nghệ - xã Lưu Kiền (Tương Dương) trao đổi với PV về khu vực nguy cơ sạt lở.

Dự án di dân tái định cư đối với các bản làng có nguy cơ sạt lở cao lần đầu tiên được UBND huyện Tương Dương thực hiện vào năm 2009. Trước đó, năm 2007 các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát, đo đạc kỹ thuật thực tế. 49 hộ dân bản Huồi Sơn – xã Tam Hợp là những người đầu tiên được di chuyển từ vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát đến nơi ở mới. Quá trình thực hiện khảo sát và di chuyển có sự tham gia hỗ trợ của Đồn Biên phòng 551 (Bộ đội Biên phòng tỉnh).

Đây là dự án làm điểm, kinh phí không lớn nhưng nhờ sự phối hợp giữa Nhà nước và chương trình “Mái ấm biên cương” của BĐBP tỉnh nên đã thu được kết quả khả quan. Nối tiếp thành công của chương trình, năm 2010, huyện Tương Dương tiếp tục thực hiện dự án di dời bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn. Tổng kinh phí của dự án trên 12 tỷ 300 triệu đồng, do Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện làm chủ đầu tư. Cuối năm 2010 di dân vừa xong thì đầu năm 2011 xảy ra một trận lũ quét kinh hoàng ngay tại vị trí bản vừa dời đi. “63 hộ dân của bản mừng không để đâu cho hết, bà con tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng và Nhà nước” - ông Nguyễn Vương Luyện – Trưởng Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Tương Dương vui mừng cho biết.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua các Quyết định 193, 1776, Quyết định 33 và sự chỉ đạo, giám sát của UBND tỉnh, các dự án di dân tái định cư đều thực hiện theo phương châm: khu vực định cư mới không xa nơi ở cũ và nơi sản xuất truyền thống, có địa hình tương đối bằng phẳng, địa chất đảm bảo. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như đường sá, hệ thống nước sinh hoạt, điện thắp sáng, vệ sinh môi trường được quy hoạch đầu tư xây dựng đồng bộ đáp ứng các yêu cầu sinh sống ổn định, lâu dài cho bà con. Đối với làng bản nào chuyển đến vị trí định cư mới mà chưa có các công trình phúc lợi xã hội như nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học thì sẽ từng bước được Nhà nước đầu tư xây mới. Điều này giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số được học hành ngay tại địa bàn, nhờ vậy sẽ đẩy lùi được nạn thất học tại những khu vực đặc biệt khó khăn. Theo quy định, mỗi hộ dân khi chuyển về nơi ở mới được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng. Những hộ nằm ở khu vực biên giới được hỗ trợ 30 triệu đồng và cộng thêm 5 triệu đồng đối với hộ nghèo.

Ông Lô Đức Thuận, người dân bản Pủng, xã Lưu Kiền nói rằng: “Trước đây việc di chuyển chỗ ở của bà con không phải là chuyện dễ, nhưng nay nhận thức được mối nguy hiểm do thiên tai nên khi Nhà nước thực hiện chương trình di dân, phần lớn bà con đều đồng tình và thực hiện nghiêm túc. Có thể chúng tôi ở nơi cũ 10 năm không việc chi, nhưng chỉ cần một cơn lũ bất thường thì tan hết”. Ông Nguyễn Vương Luyện khẳng định: Ở Tương Dương hiện nay có hằng trăm hộ dân có nhu cầu tái định cư để tránh sạt lở, nhưng huyện mới chỉ thực hiện được một số dự án do không có nguồn vốn, kinh phí.

Có thể nói, việc triển khai các dự án di dân tái định cư đối với những bản làng nằm trong khu vực miền núi đặc biệt khó khăn, thường xuyên bị tác động bởi các yếu tố tự nhiên ở Tương Dương đã giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết cho đời sống của bà con trên địa bàn. Tuy nhiên, trên điều kiện thực tế, Nhà nước cần có thêm những chính sách đáp ứng tốt hơn yêu cầu đặt ra, hướng tới mục tiêu vì sự phát triển bền vững ở khu vực miền núi.


Bài, ảnh: Tuấn Đạt

Mới nhất
x
An toàn cho bản làng trong khu vực sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO