An toàn giao thông đường thuỷ mùa mưa bão: Còn nhiều nỗi lo

26/07/2012 16:10

(Baonghean) Tỉnh ta hiện có 13 con sông với tổng chiều dài đường bờ sông trên 1.000 km. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát sạn trên sông và thực trạng vi phạm ATGT đường thủy tại các bến đò đang là bài toán khó, khiến công tác đảm bảo ATGT đường thuỷ nội địa trước mùa mưa bão năm nay vẫn còn nhiều điều phải bàn…

Nhiều năm nay, Nghĩa Bình là địa phương khá “nổi cộm” về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông của huyện Tân Kỳ. Xã có chiều dài 8km đường bờ sông nhưng có đến 4 điểm tập kết khai thác cát. Tại điểm bãi Lạch xóm 12, giữa cái nắng gắt cao độ, tiếng máy nổ hút cát thi nhau vang rền, inh ỏi giữa dòng sông Con. Cách đó không xa là điểm bãi khai thác cát gần cầu treo Nghĩa Bình của hộ anh Nguyễn Văn H - xóm 6. Theo chứng kiến của chúng tôi, bãi tập kết cát được đắp lên cao, ôm cả vùng đất canh tác bãi và trải dài ra lòng sông làm cản trở dòng chảy. Ngoài bãi, có 2 giàn bằng gỗ và tre cao chừng 5m dùng để bắc vòi hút cát ngang nhiên án ngự giữa dòng sông.



Bến đò Lĩnh - Lạng (Anh Sơn) dù đã được đầu tư nâng cấp, nay xuống cấp nghiêm trọng.

Trao đổi về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Hạ - Trưởng phòng Công thương huyện Tân Kỳ, cho hay: Toàn huyện có trên 60 km đường bờ sông, có 14 bến bãi kinh doanh cát sỏi, 31 phương tiện kinh doanh khai thác cát sỏi dọc sông Con của 30 hộ cá nhân và cơ sở khai thác. Tuy nhiên, các bến khai thác đều chưa được cấp phép, tập trung ở Nghĩa Dũng, Tân Long , Hương Sơn, Nghĩa Hành, Phú Sơn. Đáng báo động hơn là việc khai thác cát tại các chân cầu như cầu treo Nghĩa Bình, cầu Sen Nghĩa Đồng, cầu An Ngãi… ảnh hưởng đến an toàn và độ bền cho các công trình này. Nhiều năm qua, huyện đã tham mưu và phối hợp với các đoàn liên ngành để thanh kiểm tra và xử phạt vi phạm, song việc cấp phép khai thác không thuộc thẩm quyền của huyện nên công tác quản lý và đảm bảo ATGT đường thuỷ trên các tuyến sông cũng “lực bất tòng tâm”, và rất khó triển khai xử lý, kiểm tra cụ thể xuống tận các địa phương.

Rời Tân Kỳ, chúng tôi ngược về Anh Sơn - địa bàn có số bến đò nhiều nhất tỉnh. Hiện nay do một số cây cầu qua sông như cầu Đất (Thành Sơn), cầu Cây Chanh (Đỉnh Sơn) đi vào hoạt động nên một số bến giải tán và sát nhập nên toàn huyện còn 11 bến đò, 12 phương tiện chở khách ngang sông. Đa số các bến đã được cấp phép hoạt động, các phương tiện được đăng kiểm an toàn kỹ thuật, người lái đò có chứng chỉ chuyên môn... Tại hai đầu bến, động đò đã xuống cấp nghiêm trọng. Động đò Lạng Sơn (đã được huyện đầu tư nâng cấp gần 300 triệu đồng) nay bung vỡ thành từng mảng, dạt vào bờ. Để phục vụ cho nhu cầu qua lại của học sinh và nhu cầu khách qua sông, chủ đò ở đây đã tạo dựng bến thủ công, tuy nhiên độ an toàn không cao. Tại bến đò Lĩnh - Tào Sơn, nhu cầu qua lại tại đây khá lớn song không có động đò. Được biết, hai bến đò trên có lưu lượng học sinh qua đò đông nhất huyện, trên 500 em/ngày. Theo đánh giá thì hiện nay, đa số các bến đò tại Anh Sơn còn diễn ra tình trạng chở quá số người quy định, không chấp hành quy định về lái đò, không trang cấp đầy đủ và mặc áo phao cứu sinh khi qua đò.

Trên đây là 2 điển hình cho thực trạng và nguy cơ báo động về vi phạm ATGT đường thuỷ đang diễn ra phổ biến hầu khắp các địa phương nằm dài trên các tuyến sông. Toàn tỉnh hiện có 13 con sông với tổng chiều dài đường bờ sông trên 1.000 km, trong đó 243 km đã được đưa vào khai thác, trên 660 km được giao cho các huyện quản lý hành chính, còn lại đang khai thác tự nhiên. Trong đó, các tuyến sông Con và sông Lam mùa mưa lũ lưu lượng dòng chảy lớn, có thể xẩy ra tai nạn bất thường đối với các phương tiện tham gia chở khách ngang sông. Theo báo cáo từ phòng Cảnh sát đường thuỷ, đến nay toàn tỉnh có 50 bến đò chở khách dọc và ngang sông với 296 phương tiện chở khách ngang sông, trên 400 phương tiện thuỷ nội địa hoạt động dọc sông. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 95 phương tiện đăng ký, 140 phương tiện đã đăng kiểm. Cùng với các bến đò thì tại các dòng sông hiện có hàng trăm điểm khai thác cát song mới chỉ có 3-4 điểm được cấp phép khai thác, tập trung tại Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghĩa Đàn.

Để chỉ đạo công tác đảm bảo ATGT thuỷ nội địa trên địa bàn , ngay trong tháng 05 và tháng 06 vừa qua , tỉnh đã có Công văn 3689 về lập lại trật tự ATGT đường thuỷ nội địa và kế hoạch “văn hoá giao thông và bình yên sông nước” đã góp phần chỉ đạo UBND các huyện thành thị xây dựng các bến đò an toàn, kiểu mẫu, đoạn sông an toàn, làng chài bình yên. Lực lượng đoàn liên ngành đã kiểm tra xử lý triệt để vi phạm trong khai thác cát và lấn chiếm hành lang giao thông thuỷ trên các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông… Tuy nhiên, xuất phát từ thực trạng ATGT trên các tuyến sông như hiện nay, ngành Tài nguyên môi trường rất cần vào cuộc kịp thời trong việc tham mưu cho tỉnh về các vấn đề liên quan đến cấp phép, quản lý khai thác cát trên sông để hạn chế ảnh hưởng đến mức thấp nhất nguồn tài nguyên và đảm bảo hành lang an toàn trên các dòng sông trong mùa mưa bão sắp đến.

Được biết, hiện nay UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông đường thuỷ nội địa giai đoạn 2012-2020. Đến 2020, trên toàn tỉnh sẽ giữ nguyên vị trí và số lượng bến thuỷ nội địa. Việc thành lập bến mới phải căn cứ vào quy mô và chức năng của bến. Để phục vụ du lịch sẽ nâng cấp bến đò dọc tại lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ (Yên Na - Tương Dương), bến dọc tại đập thuỷ lợi Phà Lài (Môn Sơn - Con Cuông), hình thành bến du lịch sinh thái Pù Mát. Trên tinh thần này, sẽ xoá bỏ các bến tự phát, hình thành 11 bến hàng hoá trên sông Lam, tuyến sông kênh Vinh, tuyến kênh Nhà Lê, tuyến Nam Đàn -Vinh, tuyến Hoàng Mai, tuyến sông Cấm. Trên tinh thần này, một số bến cát sỏi mất an toàn trên các tuyến sông có thể chuyển thành bến du lịch hoặc thăm dò cấp phép để đảm bảo an toàn, bảo vệ hành lang ATGT đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh.


Lương Mai

Mới nhất
x
An toàn giao thông đường thuỷ mùa mưa bão: Còn nhiều nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO