An toàn vệ sinh thực phẩm cuối năm: Vẫn khó kiểm soát

26/01/2015 09:08

(Baonghean) - Thường dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao cả về số lượng và chủng loại, cạnh niềm vui lựa chọn thì người tiêu dùng phải đối diện nỗi lo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm...

Gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Bên cạnh các nguồn hàng thực phẩm được sản xuất trong tỉnh còn có một lượng lớn hàng hóa khác được nhập từ các tỉnh, thành khác về tiêu thụ. Thời điểm này, trên thị trường, các loại mặt hàng bánh kẹo, thịt cá, rau quả tươi sống, đóng hộp đang phong phú lên từng ngày. Tuy nhiên để lựa chọn được các thực phẩm ưng ý, thật sự an toàn vẫn đang là nỗi băn khoăn của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Hường, khối 9, phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh chia sẻ: “Làm người nội trợ mua thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày tôi thấy lo lắm. Thực phẩm càng đa dạng càng khó kiểm soát. Trước đây, kinh nghiệm của bản thân là thực phẩm càng đẹp mắt càng nguy hiểm, chọn rau dưa thì chọn loại còi cọc, xấu hơn một tý. Nhưng giờ kinh nghiệm đó cũng không chắc chắn khi sự nguy hiểm không đến từ hóa chất độc hại hay chất bảo quản mà có thể đến từ việc nhiễm khuẩn vi sinh vật”.

Kiểm tra ATVSTP tại siêu thị Big C.
Kiểm tra ATVSTP tại siêu thị Big C.

Mong muốn các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường, đảm bảo thực phẩm sạch để yên tâm mua sắm tết đang là kiến nghị chung của người tiêu dùng trong tỉnh. Anh Nguyễn Văn Đình, Thị trấn Nam Đàn băn khoăn: “Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm sạch không có tồn dư của hóa chất; thịt gia súc, gia cầm không có chất kích thích, tăng trưởng và cá thịt, rau quả, bánh kẹo không có chất bảo quản độc hại. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, kiểm tra kỹ, thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo; phạt nặng những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng”.

Nỗi lo của người tiêu dùng là hoàn toàn có cơ sở, bởi bằng mắt thường rất khó có thể phân biệt đâu là hàng tốt, đâu là hàng nhái, đâu là hàng sử dụng nguyên liệu từ động vật chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, có chất cấm, chất độc hại và đặc biệt là có vi sinh vật nguy hiểm... Theo thống kê của ngành Y tế, 92% các vụ ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân do trong thịt cá, hoa quả chứa chất bảo quản độc hại không được phép sử dụng; các loại rau xanh, quả chín chứa vi sinh vật quá liều lượng do được phun thuốc kích thích và thuốc trừ sâu sát thời điểm thu hoạch. Tính riêng trong năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với hàng trăm người mắc, 4 người tử vong. Mới nhất là vụ 206 công nhân nhà máy may Namsung Vina ở huyện Diễn Châu bị ngộ độc sau bữa ăn trưa, nguyên nhân do nhà bếp sử dụng nước nhiễm E.coli dương tính để rửa rau hoặc chế biến thức ăn…

Lo ngại trước tình trạng thực phẩm bẩn, trôi nổi ở các chợ, xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, uy tín, dù thực phẩm ở đây có giá cao hơn song các mặt hàng đều có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, hàng tươi sống luôn được bảo quản đúng quy định về nhiệt độ, địa điểm và đã được kiểm định chặt chẽ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nắm bắt xu hướng này, các siêu thị, trung tâm thương mại cũng đã có những chuyển biến tích cực như Siêu thị Maximark (Thành phố Vinh) đã thử nghiệm đưa rau sạch được trồng từ trang trại TH Nghĩa Đàn về bán thường xuyên cũng như phục vụ Tết…Tuy nhiên, ở Nghệ An hiện nay những cơ sở kinh doanh như vậy còn rất ít và chỉ tập trung ở Thành phố Vinh chủ yếu. Nguồn cung thực phẩm Tết chủ yếu vẫn là các chợ trong tỉnh. Bên cạnh đó, chẳng thể dám chắc rằng thời điểm cận kề Tết, nguồn hàng quá hạn sử dụng có được tuồn ra, bày bán hay không?

Mỗi năm các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường Nghệ An đã bắt giữ và tiêu hủy hàng chục loại mặt hàng, hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, lượng thu giữ được vẫn là con số nhỏ so với lượng thực phẩm hàng ngày có mặt trên thị trường. Thượng tá Nguyễn Viết Nhi, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh cho hay: Vi phạm, tội phạm liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn ngày càng gia tăng và nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận bất chấp tính mạng của người tiêu dùng…Thực tế này cho thấy mặc dù đã có quy định rõ ràng, trách nhiệm của từng ngành chức năng, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào kiểm soát vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ”.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm đã thành lập Đoàn liên ngành triển khai thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Bác sỹ Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Từ ngày 10/1 đến ngày 10/3/2015, Đoàn liên ngành liên tục thực hiện việc thanh, kiểm tra, giám sát đối với 15 cơ sở có tính chi phối cao. Tới thời điểm hiện tại, đoàn đã thực hiện kiểm tra giám sát đối với các đơn vị như Nhà máy bánh kẹo Tràng An – Cửa Lò, Nhà máy Bia Sài Gòn, Nhà máy Bia Hà Nội, Siêu thị Big C. Bên cạnh đoàn cũng thực hiện việc kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại 8 địa bàn trọng điểm như Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Thị xã Thái Hòa, Thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, huyện Nam Đàn, huyện Hưng Nguyên, huyện Đô Lương.

Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra thị trường, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm mới dừng lại ở việc giải quyết phần ngọn và không thể triệt để. Biện pháp lâu dài, bền vững vẫn phải là khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình thực phẩm sạch khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Để làm được điều đó, vai trò của người tiêu dùng thông thái trong việc chọn thực phẩm sạch, tẩy chay thực phẩm “bẩn” là rất quan trọng. Vì sức khỏe của cộng đồng, vì sự an toàn của Tết dân tộc, người sản xuất kinh doanh cần đề cao “lương tâm và trách nhiệm”.

Thanh Sơn

Mới nhất

x
An toàn vệ sinh thực phẩm cuối năm: Vẫn khó kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO