Ấn tượng "Một hành trình, hai điểm đến"

08/09/2014 09:18

(Baonghean) - Theo “tua” du lịch hàng không TP. Vinh nối Thủ đô Viêng Chăn (Lào), đoàn phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc hành trình trải nghiệm đầy thú vị, khám phá cuộc sống của các bộ tộc Lào, và sự giao thoa văn hóa, lịch sử hình thành vùng Đông Bắc Thái Lan.

Viêng Chăn - thủ đô “không âu lo”

Theo lịch trình đúng 9h40 sáng 16/8, chuyến bay VN 910 của hãng Hàng không Vietnam Airlines đưa chúng tôi đến Thủ đô Viêng Chăn. Đón chúng tôi tại tại sân bay là Xôm Sắc, một hướng dẫn viên du lịch bảnh trai và nói tiếng Việt sõi, tới mức chúng tôi nhầm tưởng là người Việt. Theo giới thiệu của Sắc, tất cả sẽ lên xe khách tranh thủ tham quan các ngôi chùa nổi tiếng của Viêng Chăn, sau đó ăn trưa ở Viêng Chăn, 2 giờ chiều sẽ xuất phát và 7 giờ tối sẽ ăn cơm tối ở Udon Thani vùng Đông Bắc Thái Lan. Như vậy, trong 1 ngày mà ăn sáng ở Việt Nam, ăn trưa ở Lào và ăn tối ở Thái Lan khiến thành viên đoàn ai cũng phấn chấn.

Cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An thăm chùa That Luang ở Viêng Chăn (Lào).
Cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An thăm chùa That Luang ở Viêng Chăn (Lào).

Viêng Chăn nghĩa là Thành phố Trăng, nằm ở tả ngạn sông Mekong, phía Tây Bắc của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Thủ đô Viêng Chăn có diện tích 3.920 km2, số dân khoảng một triệu người. Nơi đây tập trung rất nhiều những danh lam thắng cảnh, những ngôi chùa bề thế và cổ kính. Chúng tôi đã dừng chân tại ngôi chùa đầu tiên có tên là That Luang nguy nga, lộng lẫy. Tháp được xây theo hình một nậm rượu, trên phế tích của ngôi đền Ấn Độ thế kỷ XIII. Theo Sắc thì ai chưa đến That Luang là coi như chưa đến đất nước Lào. Bởi đơn giản, ngôi chùa nổi tiếng này là biểu tượng quốc gia, được in trên tiền giấy và Quốc huy của Lào. Tiếp đó, chúng tôi còn được đưa đến các ngôi chùa nổi tiếng khác như chùa Phật Ngọc, chùa Phrakeo, (Khải Hoàn môn) Patousay… , được các nhà sư “buộc” chỉ cổ tay cầu may mắn.

Tại các điểm chùa chiền đều có các “phó nháy” người bản địa, nhưng cách họ xử sự khiến chúng tôi lấy làm lạ. Khi đoàn khách tham quan tập trung đứng chụp ảnh lưu niệm, các phó nháy cũng ghé vào chụp ảnh đoàn du lịch, họ in ảnh vừa chụp xong rồi đem tấm ảnh cho chúng tôi, nếu khách ưng thì lấy, nếu không lấy các phó nháy vẫn rất vui vẻ. Điều thú vị nữa là tại các điểm du lịch, những người bán kem bằng xe 3 bánh người Lào cơ bản đều nói sõi tiếng Việt, và bạn có thể trả tiền Việt thay bằng tiền kíp (Lào).

Thăm vườn tượng phật ở Noọng Khai (Thái Lan).
Thăm Vườn tượng Phật ở Noọng Khai (Thái Lan).

Tại Viêng Chăn, có những con phố gọi là “phố chùa”, san sát là những ngôi chùa cao to, uy nghi nằm dọc 2 bên tuyến phố. Xôm Sắc lý giải: Các khuôn viên chùa ở Viêng Chăn thường rộng lớn hơn khuôn viên hành chính Nhà nước.

Người Lào tại Viêng Chăn hầu hết đều sử dụng xe hơi do giá nhập khẩu rẻ, trên đường, xe cộ đông đúc, nhưng văn hóa giao thông lại là “thiên đường”. Còi xe ở đất nước Lào được coi như bị “thừa”, vì ở đây hầu như bạn không nghe tiếng còi xe, bấm còi xe là mất lịch sự, là thiếu văn hóa, chỉ trường hợp “giận” nhau lắm mới còi. Chẳng thế mà ở Lào còn có chuyện tháo còi trước khi mua xe. Trên các tuyến đường, chỉ cần đến đoạn có vạch kẻ cho người đi bộ thôi, các phương tiện giao thông đều dừng lại, nhường đường. Chợt nghĩ về phố xá nước mình, các phương tiện “bóp” còi vô tội vạ, bao giờ cho được bình yên như Lào?

Người Lào sống chậm, không tranh đua, bon chen, tất cả những điều đó sẽ cảm nhận được ngay khi đến đất Lào. Giữa cuộc sống hiện đại gấp gáp, nhưng chúng tôi thấy người dân sống ở Thủ đô Viêng Chăn thật yên bình, thanh thản bên những mái chùa trầm mạc. Bất kể công việc gì của người Lào cũng từ từ. Ví như giờ hành chính ở Việt Nam là 8 tiếng/ngày, nhưng nơi đây chỉ làm 6 tiếng/ngày, khoảng 4 giờ chiều là các cơ quan hành chính đóng cửa. Ngạc nhiên hơn nữa là tất cả các nhà hàng, cửa hiệu kinh doanh, buôn bán dọc các tuyến phố cũng 4 giờ chiều là đóng cửa. Khi đoàn chúng tôi vào một shop mua hàng, chủ quán tươi cười, nhưng lại “ra dấu” là đã hết giờ, không bán hàng nữa.

Bên cạnh những bà con Việt kiều sang Viêng Chăn đã một vài thế hệ, hiện nay có nhiều người Việt sang Viêng Chăn mưu sinh, buôn bán đủ nghề. Theo thống kê, có khoảng trên 10 khách sạn lớn của các ông chủ người Việt Nam. Để “phát hiện” ra người Việt ở Viêng Chăn cũng rất dễ, một số ngoài sử dụng tiếng Lào thì họ nói với nhau bằng tiếng Việt. Vào một số nhà dân thấy mở ti vi tiếng Việt chính là người Việt. Chúng tôi rủ nhau đi chợ Sáng nằm trên đại lộ Lan Xang. Hàng hóa của Thái chiếm phần đa, khách có thể trả bằng tiền baht của Thái, tiền kíp của Lào và tiền Việt. Có thể thoải mái xem các mặt hàng, không mua cũng không sợ bị chủ hàng lườm nguýt. Chúng tôi đã gặp được người Việt là anh Minh Phúc bán bán áo quần ở chợ Sáng. Anh Phúc phấn khởi: Bọn em sang đây làm ăn từ năm 1996, dù xa quê nhưng cả nhà vẫn thường xuyên nói tiếng Việt, mà ở chợ Sáng có nhiều sạp hàng là của người Việt.

Để báo hiếu cha mẹ, đàn ông ở Lào ai cũng một lần trong đời phải vào chùa để tu thoát tục, trở về sự thanh khiết. Nếu con trai Lào không đi tu sẽ rất khó lấy vợ. Người dân Viêng Chăn mỗi buổi sáng thường thức dậy sớm, làm một công việc tự nguyện đáng kính nhất ở đời là dâng thức ăn cho các nhà sư. Theo Xôm Sắc: Phong tục của người Lào là người chết thường được hỏa táng tại các ngôi chùa, tro cốt được thờ tại chùa. Các nhà sư nơi đây là cầu nối giữa 2 cõi âm dương cách biệt, hàng ngày lấy thức ăn đó cầu nguyện để người chết phù hộ cho những người sống trên dương thế được sức khỏe, an lạc. Và điều lạ là sư ở Việt Nam thường cấm kỵ ăn thịt, nhưng sư ở nơi đây lại được ăn thịt thoải mái, kể cả thịt chó, miễn là con vật đó họ chưa nhìn thấy. Sư ở Lào một ngày chỉ ăn 1 bữa, thế mới sinh ra chuyện một thời gian dài, nhiều nhà sư ở Lào thường bị bệnh dạ dày, tuổi thọ giảm. Để khắc phục tình trạng đó, ngày nay, ngoài bữa ăn chính là ăn trưa, buổi chiều các nhà sư thường ăn các món ăn nhẹ như bánh mỳ, mỳ tôm… Khác với Việt Nam, gia đình nào sinh “quý tử” thì thường mổ lợn, gà liên hoan linh đình. Tại Lào sinh ra “quý tử” thì nhiều gia đình “buồn ủ rũ”, vì con trai ở Lào thường phải đi ở rể, như vậy là dễ “mất con”.

Người Lào là vậy, sống chậm để lắng đọng một điều gì đó từ sự chân thành của trái tim. Chia tay với Thủ đô Viêng Chăn trong chiều muộn, chúng tôi chắp tay trước ngực và nói “Sabaiđi!” (Xin chào!), “Khọp chay!” (Cảm ơn!) để tạm biệt những người bạn thân thiết, đôn hậu, tạm biệt đất nước thanh bình với những mái chùa cong vút bên dòng sông Mê Kông.

Sôi động Udon thani

Chia tay Thủ đô Viêng Chăn (Lào), chúng tôi tiếp tục hành trình sang Udon Thani vùng Đông Bắc Thái Lan. Nói là sang Thái, nhưng biên giới giữa 2 nước chỉ là dòng sông Mê Kông được bắc qua cây cầu Hữu Nghị Lào - Thái cách đó không xa, do Chính phủ Úc tài trợ, khánh thành ngày 12/4/1994. Cầu dài 1.174m, rộng 12,7m với hai làn xe. Sang cầu là đến tỉnh Noọng Khai của Thái Lan. Tại đây, con đường tỉnh lộ rộng lớn thênh thang với 4 làn xe chạy vun vút, nhưng đi xe tay lái nghịch. Việc đi bên trái xuất phát từ nước Anh truyền sang Thái, từ thời Hy Lạp, Ai Cập và La Mã cổ đại, đi bên trái để mọi người có thể rút gươm bên phải. Trên các con đường là những cổng chào đồ sộ đều được thờ thần rắn Na Ga và treo các bức ảnh nhà Vua và Hoàng hậu Thái Lan. Với người Thái Lan, rắn là hồn của âm vật, là thần mẹ. Trong văn hóa tâm linh, rắn là vật linh thiêng, mang lại may mắn cho con người. Vì thế, ở bất cứ các cổng chào, cổng vào, ra ở đền thờ Thái Lan có rất nhiều nơi thờ rắn.

Hành trình khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi đã đặt chân đến Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm ở làng Nọng Ôn, xã Xiêng Phin, tỉnh Udon Thani. Khu di tích nằm trên khuôn viên rộng lớn, mang dáng dấp, hình bóng quê hương Việt Nam. Đó là mái lá tranh tre, có khá nhiều hiện vật mà bà con Việt kiều đã lưu giữ, những đồ dùng mà Bác Hồ đã sử dụng năm xưa như cuốc, xẻng, hái, mũ... Khu nhà có gian bếp, giếng nước, vườn rau, hàng rào râm bụt, có kho thóc, chuồng lợn, chuồng gà … Những cảnh vật ấy khiến chúng tôi ai nấy đều bồi hồi xúc động. Được biết, những năm tháng hoạt động cách mạng, Thầu Chín (bí danh của Bác) đã được bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan nơi đây đùm bọc.

Vào tới nội thị, tôi hoàn toàn bất ngờ với một Udon Thani sầm uất, cửa hiệu san sát hai bên đường. Ban đầu, tôi nghĩ Udon Thani chỉ là một tỉnh miền núi nho nhỏ chứ chẳng hoành tráng như vậy. Trời xẩm tối, trong làn gió mát lạnh bên Nong Prachak, chúng tôi được thưởng thức bữa ăn ngoài trời với nhiều món “đặc sản” Thái, nghe điệu hát cổ với tiếng nhạc du dương, lãng mạn.

Đoàn chúng tôi còn tranh thủ đi các siêu thị, chợ đêm để mua sắm quà lưu niệm. Điều ấn tượng là tại tất cả các khu chợ, đều có người Việt buôn bán, khiến ta có cảm giác như đang ở quê hương. Tại chợ Ban Huồi (chợ bán hoa quả nổi tiếng) khi chúng tôi đang chờ phiên dịch để mua hoa quả thì chủ sạp cười và nói mình là người Việt Nam. Anh Trần Trí - chủ sạp hoa quả cho biết: Chợ Ban Huồi chiếm gần 40% là người Việt Kiều bán hoa quả, hàng bán ở đây rất thuận lợi, nhất là ngày thứ Bảy và Chủ nhật người Lào sang mua. Đặc biệt, từ khi Việt Nam mở đường bay TP. Vinh - Viêng Chăn, thì người Việt sang khá đông. Trước khi về, họ thường vào mua hoa quả với khối lượng lớn. Đến Udon Thani chúng tôi được hướng dẫn viên cho biết là nơi đây không có “phố đèn đỏ” như ở Băng Cốc. Nhưng Udon Thani còn có hàng chục điểm “múa cột”.

Trên đường về, trong cơn mưa tầm tã, đoàn chúng tôi ghé vào vườn tượng Phật Sala Keoku. Thật choáng ngợp, có lẽ chưa ở đâu, trong một khu vườn, tôi nhìn thấy nhiều tượng Phật đến thế, với quy mô to lớn, hoành tráng, đầy đủ các tượng phật với những khuôn mặt buồn, vui, khắc khổ. Các bức tượng ở đây là những hình ảnh pha trộn của Hindu giáo, Phật giáo, những thần nhân trong sử thi Ramayana, quần thể tượng phật và những vị thần Shiva, Arjuna, Visnu, Rama, Sita... Các tác phẩm này đều sử dụng chất liệu gạch và xi măng qua bàn tay tài hoa của con người đã biến thành những bức tượng rất có hồn.

Tour du lịch Vinh - Viêng Chăn - Udon Thani mang lại thật nhiều cảm xúc. Có nhiều cái để nhớ, để ngẫm, để thú vị và ấn tượng cho những ai từng một lần đến và không thể nào quên.

Bài ảnh: Vương Trần

Mới nhất

x
Ấn tượng "Một hành trình, hai điểm đến"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO