"Ánh mặt trời biển Đông" và Bà tổ gốm Chu Đậu

29/10/2014 19:28

Giữa kho tàng gốm lừng danh của châu Á, bảo vật được xem là quan trọng nhất lại là một “Chiếc bình An nam” bằng gốm hoa lam do một nữ nghệ nhân Việt Nam chế tác vào giữa thế kỷ 15 và được liệt vào vật quốc bảo của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 1933, chiếc bình này trở nên nổi tiếng thế giới, từ đó lôi cuốn nhiều sự quan tâm nghiên cứu và bàn cãi của thế giới nghệ thuật.

Ngộ nhận về chiếc bình gốm Chu Đậu

Bảo tàng Hoàng cung Topaki Saray ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là cung điện nguy nga và từng là nơi cư ngụ bao đời của các quốc vương Sultan thuộc đế quốc Ottoman. Chính tại đây có kho tàng gốm sứ lừng danh và đồ sộ của châu Á mà hoàng gia qua các đời ưa chuộng, gồm hơn 10.700 hiện vật, chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc cao cấp từ thời Tống - Nguyên - Minh đến Thanh, và đồ sứ Nhật Bản từ thế kỷ 17-19, sánh ngang với kho tàng của Viện Bảo tàng Cố cung, Đài Loan.

Chiếc bình với minh văn gồm 13 chữ Nho được học giả người Anh là R.L.Hobson phát hiện từ Bảo tàng Topaki. Tuy nhiên, vào thời điểm đó (năm 1933), Hobson cho rằng chiếc bình do nghệ nhân Trung Quốc ở Việt Nam chế tác, đồng thời ông đã dịch minh văn như sau: “Năm Đại Hòa thứ 8, do nghệ nhân ở châu Nam Sách tên là Trương vẽ chơi” (“Painted For Pleasure By Chuang A Workman Of Nan Ts’ê-chou In The 8th Year Of Ta Ho”), nhưng lại không in kèm 13 chữ Nho. Thông tin này được in trong các ấn phẩm triển lãm nghệ thuật Trung Quốc, kéo theo sự ngộ nhận lâu dài trong giới nghiên cứu và chuyên gia về lịch sử gốm sứ.

Sự giống nhau một cách lạ lùng của hình trên viên gạch đậy trên mộ bà Bùi Thị Hí và tượng “Nữ quý tộc” trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm
Sự giống nhau một cách lạ lùng của hình trên viên gạch đậy trên mộ bà Bùi Thị Hí và tượng “Nữ quý tộc” trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm

Và sự sai lạc trong phiên dịch này tiếp diễn tới năm 1977 khi sử gia nghệ thuật uy tín nhất về gốm sứ Đông Nam Á là Roxanna M.Brown (bà từng là ký giả ở miền Nam Việt Nam trước 1975) đã thẩm định lại dòng lạc khoản, nhận dạng chữ thứ 10 裴 là “Bùi” - họ của nghệ nhân gốm (chứ không phải “Trương”), và chữ thứ 11氏 là “thị” (vốn gây nhiều tranh cãi nhất) chỉ giới tính nữ của người Việt Nam, và 戲 “Hí” là tên nghệ nhân (chứ không phải là “chơi”). Như vậy, Roxanna Brown là người đầu tiên đọc đầy đủ, đúng tên và giới tính của chủ nhân chiếc bình là Bùi Thị Hí cùng địa danh chế tác là châu Nam Sách, mà sau này xác định là vùng trung tâm của gốm Chu Đậu.

Tuy vậy, thật đáng tiếc vì mãi cho tới 1980, giới nghiên cứu Việt Nam mới thực sự ý thức tới sự tồn tại của “chiếc bình An Nam” và nhất là biết tới 13 chữ Nho đó. Bắt đầu từ một bức thư của nhà ngoại giao văn hóa là ông Makoto Anabuki (Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội) gửi cho Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương để hỏi thông tin về lai lịch nghệ nhân và nơi chế tạo. Trong thư cho biết ông là người để tâm nghiên cứu văn hóa Việt Nam và gốm cổ Việt Nam, rằng nhân dịp đi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ mới biết Viện Bảo tàng Hoàng gia Topaki vẫn bảo tồn một cái bình hoa lam của Việt Nam chế tác vào thế kỷ 15, đặc biệt trên bình mang 13 chữ Hán: “Đại Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi Thị Hí bút”. 13 chữ Hán nói trên có nghĩa là: “Năm 1450, một người thợ tên là (bà) Bùi Thị Hí ở Nam Sách châu vẽ hoa văn trên bình”. Trong lá thư, ông nhấn mạnh rằng việc tìm ra lai lịch nghệ nhân Bùi Thị Hí và địa danh châu Nam Sách là “Điều rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử thủ công nghiệp và vai trò của phụ nữ nói riêng”.

Thực vậy, dòng lạc khoản trên chiếc bình này cung cấp thật ngắn gọn, đầy đủ và chính xác về thời gian, địa điểm và người tạo tác sản phẩm, và cũng là chiếc chìa cho nhà khảo cổ học Tăng Bá Hoành vốn cũng đồng tình với cách hiểu minh văn của Anabuki, và từ năm 1983 ông đã chủ trì xúc tiến những cuộc nghiên cứu điền dã và khai quật. Sau 10 năm khoác lấy sứ mệnh, ông đã tìm ra nhiều di chỉ của nhiều trung tâm sản xuất đồ gốm cổ trên địa bàn Hải Hưng (cũ). Tuy vậy, cuộc đi tìm nhân thân của nghệ nhân Bùi Thị Hí mất khoảng thời gian đằng đẵng 30 năm.

Trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (gần Hội An, Quảng Nam, được phát hiện và trục vớt từ 1997-2000) có niên đại vào những năm 1470, nhiều khả năng là một trong những con tàu chở hàng xuất khẩu của trung tâm gốm Chu Đậu xuất phát từ Hải Dương, nơi được xem là “Ánh Mặt trời biển Đông”, dưới sự trông coi của Bùi Thị Hí. Một trong những chứng cứ kỳ diệu: trong số hàng trăm ngàn sản phẩm gốm Chu Đậu cao cấp tìm thấy được từ chiếc tàu đắm ấy, có một bức tượng đặt tên là “Nữ quý tộc” hiện lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Bức tượng ấy được nhận dạng giống hoàn toàn với chân dung bức tượng trước đây thờ Bùi Thị Hí ở chùa Viên Quang (xã Quang Ánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), vốn là ngôi chùa do bà xây khi về ẩn ở tuổi 73.

Chiếc bình An Nam tại Bảo tàng Hoàng cung Topaki ở Thổ Nhĩ Kỳ
Chiếc bình An Nam tại Bảo tàng Hoàng cung Topaki ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đi tìm bà tổ gốm Chu Đậu

Bảy trang gia phả quý giá của hậu duệ tộc Bùi còn lưu giữ nhiều đời qua các hình thức, khiến ta biết được thân thế và gia tộc của chủ nhân “Chiếc bình An Nam”.

Theo đó, Bùi Thị Hí, hiệu là Vọng Nguyệt, sinh năm Canh Thân (1420) ở làng Quang Tiền (xã Đồng Quang), huyện Gia Lộc, là con gái trưởng của quan Mã vũ Bùi Đình Nghĩa, người đã hy sinh trong trận vây đánh thành Đông Quan, cháu ba đời lão tướng Bùi Quốc Hưng là khai quốc công thần đời Lê, một trong 18 người ở Hội thề Lũng Nhai, tham gia chống quân Minh cùng với Lê Lợi.

Trong số những di vật phát hiện mang thủ bút Bùi Thị Hí do hậu duệ của tộc Bùi tìm được ở lò gốm cũ ở làng Chu Đậu, có một cái đĩa men khắc chìm vào năm 1454 và một con nghê vào năm 1460, vốn là hai phế phẩm bị loại bỏ dưới chân lò với bút tích giống hệt trên chiếc bình ở Bảo tàng Topaki, một con rồng đất nung lớn mà bà dùng yểm tại ngã ba sông Định Đào để việc giao thương được hanh thông, và vô cùng quan trọng là chiếc la bàn đi biển bằng cẩm thạch của bà Bùi Thị Hí, trên có chữ “Châm bàn chu hải khứ, Bùi Thị Hí” (Bàn kim chỉ đường đi cho thuyền biển của Bùi Thị Hí).

Như vậy, phải mất 50 năm, nếu tính từ 1933 khi học giả R.L.Hobson phát hiện 13 chữ Nho của người thợ gốm Bùi Thị Hí viết trên vai “Chiếc bình An Nam” cho tới khi tìm ra nơi phát tích dòng gốm hoa lam qua 8 lần khai quật, hàng vạn hiện vật xuất lộ khỏi lòng đất, gồm dấu vết lò nung, nhiều sản phẩm gốm sứ để khẳng định trung tâm gốm sứ Chu Đậu từ thế kỷ 15-16 nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Đặc biệt con tàu đắm ở Hội An chở theo một kho hàng trên 250.000 sản phẩm gốm hoa lam là bằng chứng thuyết phục nhất về sự phổ biến của gốm hoa lam, thực sự trả lại thanh danh cho dòng gốm cao quý này vào trang sử nghệ thuật thế giới. Nhưng phải mất thêm 30 năm nữa để tìm ra đầy đủ nhân thân của nghệ nhân “chiếc bình An Nam” là tài nữ Bùi Thị Hí, và cuối cùng là tìm thấy bia mộ chí.

Chân dung một nghệ sĩ độc lập đầy uy danh

Hòn gạch đậy trên mộ có ghi: “Tẫn cốt tổ cô Bùi Thị Hí nội bình đồng Vọng Nguyệt bảo kiếm” (Tro xương tổ cô Bùi Thị Hí trong bình cùng thanh kiếm của bà). Trong số các hiện vật liên quan đặc biệt có một viên gạch nung, trên mặt có khắc chìm chân dung một người phụ nữ, bên cạnh có khắc những hàng chữ Nho, với nghĩa: “Hình tượng cổ của tổ cô, hiệu là Vọng Nguyệt, nguyên là chủ trên 10 trang phường gốm. Do đại loạn tượng phải hóa (hủy), vẽ lại để truyền cho đời sau”.

Hình tượng chân dung “tổ cô” được vẽ lại trên viên gạch vào năm 1502, tức chỉ ba năm sau khi bà mất (1499), nguyên mẫu chắc hẳn từ pho tượng đặt tên là “Nữ quý tộc” được tìm thấy từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (bị chìm trong khoảng 1450-1470). Vì được gọi là “cổ tượng hình tổ cô”, như vậy chắc hẳn nó phải được tạo rất sớm trong thời bà còn sống: một quý phụ phục sức trang nghiêm quý phái trong tư thế đứng, với hai tay che trong ống tay áo khoành lại tạo dáng hoa văn như đang nâng một đóa sen trong đôi tay (nhưng qua hình, nếu nhìn kỹ dường như lại đang nâng một vật như cái đĩa mặt bằng, chắc hẳn trên đó đặt một vật gì đó không còn nữa), và kiểu tóc búi cao có cài trang sức, đeo hai bông tai ngọc trai, và trên yếm ngực có họa tiết cánh chim hải âu hoặc có thể là tiên hạc, và trên y phục mang những họa tiết quen thuộc của gốm Chu Đậu như hoa sen, hoa cúc, mây…

Trông vẻ mặt chân dung độ từ 30 tới 40 tuổi, có lẽ vào khi phong cách nghệ thuật và sự nghiệp của bà đang ở thời tuyệt đỉnh, tức cũng vào khoảng năm 1450 khi bà tự tay đề tên mình lên “chiếc bình An Nam” để xuất khẩu cho hoàng gia của đế quốc Ottoman thời ký đó. 1450 cũng là năm Bùi Thị Hí đã 30 tuổi cùng chồng chỉ huy thương thuyền, làm chủ đoàn buôn vượt trùng dương sóng gió đi giao thương với các nước trong khu vực và phương Tây.

Như vậy, thật khó tưởng tượng cho chúng ta ngày nay về một người phụ nữ Việt Nam vào thời ấy với tư cách nghệ nhân, đã tự tay “ký tên” vào sản phẩm như một nghệ sĩ độc lập đầy uy danh như thời hiện đại, hơn thế nữa, còn làm chân dung tượng chính mình lúc bình sinh. Tuy ta chưa thể biết rõ mục đích tạo ra bức tượng nữ quý tộc, nhưng có thể tạm suy đoán: nó được tạo ra như một sản phẩm mỹ thuật cho một đề tài để xuất khẩu; và do bởi bức tượng được tìm thấy từ chiếc tàu đắm Cù Lao Chàm vào thời điểm tài nữ này còn sống, và trong số 250.000 sản phẩm gốm hoa lam của Chu Đậu mà có lẽ pho tượng là món duy nhất, vậy rất có thể nó là một tín vật đại diện cho chủ nhân của dòng gốm này mà những thương thuyền phát xuất từ Hải Dương mang theo để bảo chứng uy tín hàng hóa tới với khách hàng. Nhất định tên tuổi và dấu ấn của bà trên sản phẩm vào thời điểm này đã rất được quý trọng và có thể là yêu cầu của khách hàng, và dấu ấn này gần như đồng nhất với phẩm chất gốm hoa lam đang cực thịnh trên thị trường quốc tế.

Gốm Chu Đậu được cho là ra đời vào đầu thế kỷ 15, tức vào thời nhà Minh xâm lăng và thống trị (1400-1427) và kết thúc cuối thế kỷ 16 với niên đại cuối ghi năm 1592.

Nguồn gốc việc sử dụng màu xanh cobalt trên gốm sứ đã bắt đầu ở Việt Nam vào thế kỷ 14 đồng thời với của Trung Quốc; chất liệu màu xanh cobalt nguyên thủy được du nhập từ Ai Cập và Ba Tư. Nhìn chung, đồ sứ đặc trưng của miền Nam Trung Quốc gọi là “thanh hoa” (blue and white porcelain) với màu xanh cobalt được vẽ trên nền men trắng, trong khi đồ gốm với họa tiết màu xanh cobalt nằm dưới lớp men trắng là đặc trưng của gốm Chu Đậu, gọi là “hoa lam” (underglazed blue- and-white) bắt đầu thịnh hành và nở rộ vào đầu thế kỷ 15. “An Nam” cũng trở thành thuật ngữ tương đương với “hoa lam” trong thế giới gốm sứ, mà tên gọi “Chiếc bình An Nam” ở Bảo tàng Topaki là một ví dụ.

Theo TT&VH

Mới nhất

x
"Ánh mặt trời biển Đông" và Bà tổ gốm Chu Đậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO