Anh Sơn: Đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng
(Baonghean) - Từ quan điểm coi phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là khâu đột phá, là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ 2010 – 2015, huyện Anh Sơn đã tập trung huy động nguồn lực, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường quản lý và giám sát đầu tư..., tạo dấu ấn rõ nét về kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, tạo cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển.
Chú trọng hạ tầng giao thông
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Anh Sơn có khối lượng đầu tư xây dựng cơ bản lớn và mang tính đồng bộ. Nổi bật là hạ tầng giao thông, với nhiều công trình được khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng, không những tạo cho bộ mặt vùng đô thị, nông thôn khởi sắc, mà còn là “ đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là đường 7B (hay còn gọi đường tả ngạn sông Lam), tuyến đường được mở mới, từ điểm đầu xã Tràng Sơn (Đô Lương) đến điểm cuối tại xã Chi Khê (Con Cuông), đoạn đi qua huyện Anh Sơn dài 39 km. Đây là con đường chiến lược quan trọng đối với các xã vùng tả ngạn sông Lam, thúc đẩy giao lưu thông thương, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Xã Hùng Sơn, tuyến đường 7B đi qua địa bàn xã 7,6 km được người dân đón nhận bằng việc ủng hộ bàn giao mặt bằng, bởi thông qua tuyên truyền nhân dân đều hiểu, làm đường là phục vụ chính nhu cầu của người dân. Ông Hoàng Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, chia sẻ: “Không chỉ đồng thuận bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công thuận lợi mà việc mở tuyến nối từ đường 7B vào trung tâm xã cũng được người dân tự nguyện hiến đất, không nhận bồi thường.”.
Ông Mỹ cũng cho biết thêm, cùng với tuyến đường 7B, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, cầu treo Đò Rồng bắc qua sông Lam nối Hùng Sơn với xã tuyến Quốc lộ 7A được khánh thành, đưa vào sử dụng, thực sự đã “cởi” thế bí trong việc vận chuyển, tiêu thụ các nông sản, nhất là nguyên liệu chè”. Ông Võ Văn Đồng, thôn 5, chia sẻ: “Gia đình tôi mỗi năm thu hoạch 40 – 50 tấn chè búp tươi. Trước đây khi chưa có cầu treo, việc thu hoạch, vận chuyển chè từng bao tải trên xe máy, đi qua đò sang Tường Sơn xuống nhà máy chè khoảng 30 km rất vất vả. Từ khi có cầu treo, gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong xã không còn lo vận chuyển nguyên liệu, mà còn yên tâm mở rộng thêm diện tích trồng”.
Cầu treo Đò Rồng (xã Hùng Sơn, Anh Sơn) được xây dựng và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |
Tương tự ở xã Đỉnh Sơn, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã, ngoài 3 km đường tả ngạn sông Lam đi qua địa bàn, nhiệm kỳ 2010 – 2015, với việc cầu Cây Chanh bắc qua sông Lam và cầu sông Con được đưa vào sử dụng đã thực sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xã Đỉnh Sơn, trở thành trung tâm, là nơi giao thương của 3 xã miền Tây huyện Anh Sơn, gồm Tam Sơn, Thành Sơn, Bình Sơn và xã Thạch Ngàn (Con Cuông), xã Phú Sơn, xã Tiên Kỳ của huyện Tân Kỳ. Đây là điều kiện để kinh tế thương mại, dịch vụ ở Đỉnh Sơn tiếp tục có bước phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, Anh Sơn còn có nhiều công trình giao thông mang dấu ấn trong nhiệm kỳ như: đường nguyên liệu Đức Sơn đi Bình Sơn, đường nguyên liệu mía Thọ Sơn, đường vào trung tâm xã Hội Sơn... Đặc biệt, tranh thủ nhiều nguồn đầu tư, huyện đã xây dựng 21 cây cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng “nối những bờ vui”, kết nối với trung tâm các xã trong huyện như cầu Tri Lễ, cầu sông Giăng, cầu Cây Mít, cầu treo làng Bộng.... Chỉ tính trong vòng 4 năm (2011 - 2014), tổng huy động các nguồn vốn đầu tư cho các công trình giao thông là 550 tỷ đồng. “Kinh nghiệm ở Anh Sơn là khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và ghi vốn đầu tư thì bám trụ để có vốn, cùng với đó chủ động làm công tác tuyên truyền, dân vận trước để khi có vốn là tiến hành trả tiền cho người dân bàn giao mặt bằng để thi công. Đối với các công trình khó, chính những người đứng đầu huyện đều trực tiếp xuống dân đối thoại, làm rõ chủ trương, đặc biệt là quyền lợi của người dân được thụ hưởng khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong công tác giải phóng mặt bằng, tránh bị cắt và rút vốn do chậm giải phóng mặt bằng không thi công được” - ông Nguyễn Công Thắng, Phó phòng Công thương huyện chia sẻ.
Xây dựng hạ tầng đạt tiêu chí NTM
Triển khai xây dựng chương trình NTM, huyện Anh Sơn đã chỉ đạo các địa phương tranh thủ mọi nguồn lực, khơi dậy sức dân đóng góp xây dựng hạ tầng kỹ thuật xã hội. Bình Sơn thuộc xã khó khăn của huyện, nhưng quá trình xây dụng NTM, địa phương đã lồng ghép Chương trình 135, các chương trình từ hỗ trợ ngân sách tỉnh và đóng góp của người dân với tổng 50 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn. Hay như xã Hùng Sơn, bằng phương châm dân chủ, công khai, minh bạch, trong nhiệm kỳ, địa phương đã huy động tổng nguồn đầu tư vào địa bàn đạt hơn 83 tỷ đồng để xây dựng trường tiểu học 2 tầng; trường mầm non; nhà văn hóa xã; trụ sở làm việc 2 tầng; hệ thống điện, làm mới 23 km đường bê tông GTNT, nâng cấp 12 km đường giao thông nội đồng.... đến nay, xã hoàn thành 16/19 tiêu chí NTM.
Còn ở xã Đỉnh Sơn xây dựng hơn 21 km đường GTNT bê tông; đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trường mầm non và trường tiểu học cụm 2 Bãi Phủ. Trong 19 tiêu chí NTM mới, nhiều tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất đạt, hiện chỉ còn 4/19 tiêu chí chưa đạt, gồm tiêu chí về môi trường, văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất và cơ sở vật chất văn hóa.
Thông qua xây dựng NTM với việc thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn, được tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện hỗ trợ cát, sỏi, vật tư và nhân dân đóng góp công sức, tiền của, Anh Sơn đã làm mới được 108 km đường bê tông, nâng tổng số đường được bê tông và nhựa trong toàn huyện lên đến 428/982 km GTNT toàn huyện. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 3 xã hoàn thành tiêu chí số 2 là Cẩm Sơn, Hùng Sơn và Đỉnh Sơn.
Cùng với phát triển hạ tầng giao thông, Anh Sơn cũng đã tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống cấp điện và nước sinh hoạt. Đồng thời, quy hoạch, xây dựng hệ thống cung cấp nước cho các đô thị và vùng nông thôn, nhất là các vùng tập trung các cơ sở sản xuất và vùng khan hiếm nước. Tiến tới xây dựng nhà máy nước tại khu vực thị trấn, phấn đấu đến năm 2015 có 96% hộ dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Cùng với đó, huyện cũng nâng cấp, xây mới hệ thống thoát nước mưa và nước thải ở các vùng trũng và các khu công nghiệp....
Hàng loạt các dự án cũng lần lượt được lập kế hoạch đầu tư xây dựng như dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện, xây dựng Trung tâm y tế, Phòng khám đa khoa khu vực Đỉnh Sơn, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, sân vận động huyện, Trung tâm Thanh thiếu nhi, quy hoạch xây dựng bãi xử lý rác... Nhiều công trình hạ tầng xã hội và trụ sở làm việc từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp: Xây mới 1.120 phòng học; 11 nhà văn hóa; 10 trụ sở xã, cơ quan đơn vị; 14 trạm y tế xã; 21 đài truyền thanh cơ sở….
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Anh Sơn tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để tạo tiền đề cho bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Và định hướng phát triển là tập trung ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, vùng nguyên liệu, hạ tầng khu công nghiệp, các vùng khó khăn... sẽ tạo động lực, bệ phóng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Anh Sơn.
Mai Hoa