Anh Sơn: Mỗi xã một mô hình điểm sản xuất thực phẩm an toàn
(Baonghean) - Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, huyện Anh Sơn đã triển khai cuộc vận động “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn” nhằm thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của người nông dân trong chăn nuôi, sản xuất sạch…
Trên tinh thần Chỉ thị 08 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Anh Sơn đã xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển vùng sản xuất chuyên canh nhằm tăng hiệu quả kinh tế theo hướng chất lượng và bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với phương châm “sạch, chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”, cùng với công tác tuyên truyền, Đảng bộ huyện Anh Sơn đã chỉ đạo huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị như nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ… xây dựng các mô hình sản xuất an toàn gắn với các cuộc vận động. Trong đó, cuộc vận động “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn” do MTTQ huyện phát động đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.
Mô hình điểm trồng rau an toàn rộng 5 ha ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn). |
Là 1 trong 3 hộ tiêu biểu được huyện Anh Sơn khen thưởng trong đợt sơ kết cuộc vận động “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn” năm 2016, gia đình ông Ngô Khắc Tuấn ở thôn 4, xã Hoa Sơn có 3 sào đất chuyên canh rau màu các loại như mướp đắng, dưa chuột, su hào, bắp cải sạch.
Ông Tuấn chia sẻ: “Gia đình tôi luôn tuân thủ đúng quy trình sản xuất không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Quá trình trồng và chăm sóc, tôi chỉ phun thuốc trừ sâu sinh học 2 lần từ đầu vụ đến cuối vụ, để không gây độc hại cho sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng”. Vì vậy, sản phẩm của gia đình làm ra được thương lái đến tận nơi thu mua, bình quân một vụ gia đình ông Tuấn thu được 10 triệu đồng/sào.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh thôn 7, xã Cẩm Sơn bắt đầu triển khai mô hình chăn nuôi sạch trên diện tích đất đồi 8 ha. Hiện nay, trang trại của chị có khoảng 1.000 con gà đẻ trứng, 9.000 con gà thịt, 30 con dê, 2 ao cá phục vụ nhu cầu thường xuyên cho người dân trên địa bàn huyện và các vùng lân cận. Nhờ mô hình chăn nuôi sạch, không sử dụng chất cấm, áp dụng chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học được tận dụng từ các phụ phẩm nông nghiệp như trấu, mùn cưa để hạn chế ô nhiễm môi trường nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm mang về cho gia đình chị lãi ròng hơn 400 triệu đồng.
Với diện tích 8 ha đất đồi, năm 2010 gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh thôn 7, xã Cẩm Sơn triển khai mô hình chăn nuôi sạch, nên không gây ô nhiễm môi trường. |
Trao đổi về hướng chăn nuôi, sản xuất sạch, ông Hoàng Bá Nhị - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Sơn cho biết: Toàn xã Cẩm Sơn hiện nay có 33 mô hình trang trại, gia trại lớn, nhỏ. Trong đó nổi bật có 9 trang trại chăn nuôi lợn thịt, số lượng tổng đàn xuất chuồng hàng năm đạt từ 300 - 800 con, sản lượng lợn hơi đạt từ 30 - 70 tấn. Về sản xuất rau màu, hiện nay, toàn xã có 50 ha, tập trung ở vùng vệ, vùng bãi thôn 1/5 và thôn Hội Lâm, Hạ Du, với đa dạng các loại rau màu.
Phát huy tiềm năng lợi thế đó, Đảng ủy, UBND xã Cẩm Sơn xác định việc đảm bảo sản phẩm chất lượng, sạch an toàn phải luôn được quan tâm, chú trọng. Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI, xã Cẩm Sơn đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế của địa phương, trên cơ sở nghị quyết đề ra cấp ủy, chính quyền xã Cẩm Sơn bám sát tình hình thực tiễn của từng thôn để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Mỗi cán bộ, đảng viên xã Cẩm Sơn đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình vận động bà con nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV bảo đảm an toàn, không có chất cấm gây nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng trong chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy, sản phẩm rau an toàn của người dân Cẩm Sơn luôn đảm bảo chất lượng và trở thành địa chỉ quen thuộc của người tiêu dùng.
Nhiều hộ dân ở Anh Sơn đã áp dụng không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt để đưa ra thị trường sản phẩm sạch |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, trong đó tập trung vào tiếp cận và ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi gắn với đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, Đảng bộ xã Lĩnh Sơn đã chọn thôn 4 xây dựng mô hình trồng rau bù lấy ngọn trên đất bãi bồi sông Lam gắn với cuộc vận động “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn” do Ủy ban MTTQ phát động. Hiện nay, mô hình có hơn 20 ha với hơn 50 hộ tham gia trồng, với giá bán hiện tại 5.000 - 6.000 đồng/bó. Tính thu nhập bình quân từ ngọn và hoa, sau trừ các chi phí, bà con thôn 4, xã Lĩnh Sơn thu lãi về hơn 15 triệu đồng/sào/vụ.
Ông Hà Phi Khanh - Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Lĩnh Sơn cho biết: Thực hiện cuộc vận động “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn” gắn với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, Chi bộ thôn 4 đã phát huy tinh thần tiên phong gương mẫu của các đảng viên, đầu tiên là các đảng viên đăng ký thực hiện, tiên phong không dùng các loại thuốc trừ sâu hay kích thích trong quá trình sản xuất, sau đó tích cực tuyên truyền bà con từ nhà ra ruộng để mở rộng diện tích trồng cây bù lấy ngọn tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, sạch, mang lại đặc trưng riêng của xã Lĩnh Sơn.
Để thực hiện có hiệu quả và tạo được sự lan tỏa lớn của cuộc vận động “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn”, ngay sau khi phát động Ủy ban MTTQ huyện Anh Sơn đã triển khai ký cam kết tới 252/252 khu dân cư, trên 500 hộ gia đình sản xuất rau màu, thực phẩm các loại chuyên cung cấp cho thị trường trong huyện và trong tỉnh đăng ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đảm bảo thời gian từ khi sử dụng đến kỳ thu hoạch có trong danh mục cho phép, đồng thời trên 27 trang trại, gia trại nuôi lợn, gà bán công nghiệp, gà thả vườn ký cam kết không dùng chất tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi...
Gia đình ông Ngô Khắc Tuấn ở thôn 4, xã Hoa Sơn luôn tuân thủ đúng quy trình sản xuất không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, được huyện Anh Sơn khen thưởng trong đợt sơ kết cuộc vân động “khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn”. |
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, trong các buổi họp thôn xóm, qua đó xây dựng các mô hình sản xuất an toàn “từ sản xuất đến tiêu dùng”. Chỉ đạo các địa phương trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cho bà con nông dân biết cách lựa chọn, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng, có ý thức bảo vệ môi trường, thu gom vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau khi sử dụng. Ngay sau đợt phát động đầu tiên đã có 46 mô hình chăn nuôi, trồng trọt tiêu biểu trên toàn huyện, qua đó MTTQ huyện đã biểu dương, khen thưởng cho 27 tập thể, 14 cá nhân xuất sắc.
Có thể thấy, việc triển khai và thực hiện cuộc vận động “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn” đã tạo được sức lan tỏa lớn trên địa bàn huyện Anh Sơn, trở thành một phong trào sâu rộng, qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về ATVSTP; phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường cung cấp ra thị trường những thực phẩm an toàn vì sức khỏe cho chính mình và người tiêu dùng.
Ông Lê Văn Trí - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Anh Sơn cho biết: “Xác định an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề cấp thiết, cùng với công tác tuyên truyền, MTTQ huyện còn phát động mỗi địa phương chọn 1 mô hình để làm điểm về sản xuất thực phẩm an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm, không tiêu dùng thực phẩm bẩn. Huyện Anh Sơn đã tập trung xây dựng một số mô hình sản xuất rau an toàn ở các xã Cẩm Sơn, Hoa Sơn, Phúc Sơn, Lĩnh Sơn…”. "Trong thời gian tới, MTTQ huyện Anh Sơn sẽ phấn đấu ký cam kết tới 100 % hộ dân thực hiện cuộc vận động này”, ông Lê Văn Trí cho hay. |
Thái Hiền