Anh Sơn phát huy lợi thế từ cây ngô
(Baonghean) - Anh Sơn là huyện có diện tích ngô lớn nhất tỉnh, với 3.200 ha được sản xuất 2 vụ chính trong năm và khoảng 1.000 ha ngô vụ 3, tổng sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 30.500 tấn ngô hạt. Với tiềm năng này, ngô Anh Sơn không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho địa bàn nội huyện mà còn xuất bán ra các địa phương khác, đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.
Vùng ngô bãi xanh tốt tại xã Thạch Sơn (Anh Sơn). |
Mùa này lên Anh Sơn, đi dọc đôi bờ sông Lam, các xã Tường Sơn, Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Hùng Sơn, Cẩm Sơn, Hoa Sơn, Đức Sơn, Thạch Sơn, Vĩnh Sơn… bạt ngàn một màu xanh mướt của ngô. Bãi bồi ven sông Lam gắn bó với cây ngô và người trồng ngô từ bao đời nay. Dù giá trị kinh tế từ cây ngô chưa hẳn cao nhưng nó đem lại cuộc sống ổn định cho người dân huyện nhà. Ngô Anh Sơn có thương hiệu trên thị trường, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, chưa bao giờ bị ế ẩm. Người dân nơi đây có trình độ thâm canh ngô cao, luôn chủ động sản xuất, né tránh thiên tai nên hạn chế được thất thu trong quá trình sản xuất. Đặc biệt có những hộ mạnh dạn trồng nhiều diện tích ngô hàng hoá để làm giàu.
Gia đình ông Nguyễn Sỹ Trinh ở xóm 4, xã Vĩnh Sơn trồng 1,5 ha ngô bãi, toàn bộ sản phẩm thu hoạch từ cây ngô được ông Trinh hợp đồng bán cho Nhà máy sữa Vinamilk, đến mùa thu hoạch, nhà máy mua nguyên cây tươi cả thân cây lẫn bông với giá 1,1 triệu đồng/tấn. Ông Trinh chia sẻ: “Chúng tôi xác định trồng ngô hàng hoá để làm giàu. Hiện tại, ngô vẫn là cây dễ làm nhất, sau khi cày đất, trỉa hạt, bón đủ phân là cây tốt, ít công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, một năm có thể trồng 2- 3 vụ, thuận lợi đầu ra, được nhà máy bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nếu có đất, tôi muốn nhận thêm 5 ha chuyên trồng ngô bán cho nhà máy, bởi càng trồng nhiều càng đem lại lợi nhuận cao cho nhà nông. Vụ đông 2013, sản lượng thu hoạch giảm do bị thiếu nước cây chết ẻo, gia đình tôi bán cho nhà máy được 40 tấn nguyên cây, thu về được 44 triệu đồng, trừ các chi phí sản xuất còn lãi hơn 20 triệu đồng. Vụ xuân năm nay nhà tôi tiếp tục trồng 1,5 ha, đến nay ngô phát triển xanh tốt, dự kiến năng suất 42 - 44 tấn cả cây/ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 62 tấn, bán cho nhà máy được 68 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 40 triệu đồng/vụ”.
Vĩnh Sơn là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có 140 ha ngô. Chính quyền địa phương rất quan tâm chỉ đạo sản xuất ngô, màu vùng đất bãi. Hàng năm, căn cứ vào đề án sản xuất của huyện, xã có phương án cụ thể về dịch vụ giống, phân bón, bố trí mùa vụ và khuyến cáo chăm sóc từng thời kỳ, bảo vệ thực vật cho cây trồng hàng vụ, hàng năm. Nhờ vậy năng suất, sản lượng thu hoạch luôn đạt kế hoạch đề ra. 1/3 sản lượng ngô hạt hàng năm dùng để phục vụ chăn nuôi trên địa bàn, 2/3 còn lại được bán ra thị trường. Ông Nguyễn Hữu Mỹ - Ban Nông nghiệp xã Vĩnh Sơn cho biết: Nông dân Vĩnh Sơn rất quan tâm áp dụng khoa học kỹ thuật và giống mới vào sản xuất, để hạn chế sâu bệnh, người dân sản xuất luân canh mỗi vụ một giống mới. Trước đây bà con địa phương thường trồng giống ngô C919, nay thay thế bằng giống DK6919… Mặc dù so với giá cả thị trường hiện nay, giá ngô hạt vẫn chưa cao nhưng lợi kép từ tận dụng thân cây ngô phục vụ chăn nuôi đại gia súc, chế biến phân vi sinh, ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn cho gà, lợn, trâu bò, đem lại hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi cao hơn.
Cây ngô cũng là cây chủ lực của xã Thạch Sơn, dù giá trị thu nhập từ cây ngô chưa cao, nhưng cây trồng này phù hợp nhất trên vùng đất bãi ven sông Lam, do vậy nó vẫn là cây đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Trước đây, bà con Thạch Sơn sau khi thu hoạch thường bán ngô ra thị trường, nay xu hướng trồng ngô để phục vụ chăn nuôi tại địa bàn. Xã Thạch Sơn có diện tích trồng ngô 155 ha, mỗi năm sản xuất 2 vụ, cho tổng sản lượng thu hoạch trên 180 tấn ngô hạt/năm. Thạch Sơn chỉ có 68 ha trồng lúa nước nên bà con rất chú trọng trồng ngô vùng bãi để phục vụ chăn nuôi đàn trâu, bò, lợn, gà.
Anh Sơn có diện tích đất bãi bồi ven sông trên 3.000 ha, hàng năm được bồi đắp phù sa sông Lam nên đất tốt giàu dinh dưỡng, do vậy huyện đã có nhiều đề án phát triển cây ngô làm hàng hoá và phục vụ phát triển chăn nuôi. Những năm trước đây, Anh Sơn thường có công thức gieo trồng: ngô xuân, đậu thu, ngô đông. Hiện nay, quá trình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống ngô lai có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, Anh Sơn đã cơ cấu các bộ giống ngô có thời gian sinh trưởng hợp lý để từng bước né tránh thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Từ chỗ sản xuất 2 vụ ngô/năm, nay đã chuyển dịch cơ cấu 3 vụ ngô/năm. Năng suất ngô vụ xuân đạt trên 55 tạ/ha, có những cánh đồng mẫu lớn được đầu tư khoa học kỹ thuật thâm canh cao, đạt trên 80 tạ/ha. Ngô vụ hè thu thời gian sinh trưởng ngắn, cũng đạt năng suất 25 – 30 tạ/ha, ngô vụ đông 48 – 50 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân chung của tỉnh 8,3 tạ/ha. Tại thời điểm năm 2010, tổng sản lượng ngô toàn huyện đạt 27.600 tấn, đến năm 2013, tổng sản lượng ngô đạt trên 30.000 tấn. Ngoài thu hoạch hạt, thân cây ngô phục vụ tốt cho chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi đại gia súc. Đến năm 2015, toàn huyện Anh Sơn phấn đấu chăn nuôi tổng đàn trâu đạt 18.300 con, tổng đàn bò 22.580 con, đàn lợn 61.474 con…
Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: Trong chiến lược phát triển cây, con chủ lực giai đoạn 2015 – 2020 có tính đến năm 2030, Anh Sơn tiếp tục cơ cấu lại mùa vụ trên diện tích đồng bãi, dự kiến sẽ tổ chức sản xuất từ 400 – 600 ha ngô ngọt làm nguyên liệu phục vụ chế biến thực phẩm hàng hoá xuất khẩu. Đồng thời tận dụng sản phẩm phụ từ ngô ngọt để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đến năm 2020 có tổng đàn trâu 25.000 con, đàn bò 37.000 con. Cùng với đó, đầu tư quy hoạch các vùng trang trại, gia trại để phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung nhằm tạo ra sản lượng hàng hoá lớn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Tại thời điểm hiện nay và đến năm 2020, có tính đến năm 2030, Anh Sơn vẫn xác định cây ngô là cây chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Tuy vậy, vùng nguyên liệu ngô Anh Sơn cũng đang gặp những khó khăn do canh tác ngô trên vùng đất bãi, thiên tai lũ lụt thường xuyên xảy ra, hiện nay do quá trình tích nước và xả lũ của các công trình thuỷ điện, thường xả lũ vào mùa mưa lũ khi ngô chuẩn bị thu hoạch làm mất mùa, gây thiệt thòi cho nông dân. Đầu ra sản phẩm ngô chủ yếu đang bán thô, chưa chế biến nên giá trị không cao, phụ thuộc thị trường. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần thường xuyên cung cấp thông tin, định hướng thị trường, nhằm giúp người dân hạn chế được thiệt hại đối với sản phẩm làm ra. Đồng thời thúc đẩy phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi để nâng giá thu mua ngô hạt, đảm bảo tăng thu nhập cho người sản xuất.
Quỳnh Lan