Anh Sơn tạo 'đòn bẩy' phát triển ngành công nghiệp chế biến và tiêu thụ

Hoàng Vĩnh 07/11/2022 07:56

(Baonghean.vn) - Thành công trong quy hoạch, phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp, huyện Anh Sơn từng bước khẳng định lợi thế của 3 loại cây chủ lực là chè, mía và sắn. Đồng thời, huyện thực hiện rất tốt việc gắn từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Phát triển bền vững vùng nguyên liệu

Vùng nguyên liệu sản xuất có vai trò quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp chế biến. Bởi vậy, dù trên toàn huyện Anh Sơn có hơn 5.000 ha các loại cây công nghiệp chủ lực như sắn, mía, chè…, nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng hết công suất hoạt động của một số nhà máy thuộc lĩnh vực chế biến các loại cây trên. Việc làm cấp thiết hiện nay ở huyện Anh Sơn là quy hoạch, phát triển nhanh các vùng chuyên canh và tập trung nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Đây là cơ sở quan trọng để huyện mạnh dạn quy hoạch mở rộng diện tích theo hướng hình thành các vùng chuyên canh; đồng thời, thu hút các dự án sản xuất, chế biến những sản phẩm lợi thế của huyện.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Công ty cổ phần Á Châu Hoa Sơn. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Sau khi khảo sát, nghiên cứu tình hình thực tế của địa phương, huyện Anh Sơn đã xây dựng Đề án phát triển cây chè, cây mía, cây sắn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 trên địa bàn huyện sẽ có 5.390 ha cây công nghiệp chủ lực, trong đó, cây chè là 2.990 ha, sản lượng đạt 39.200 tấn (trong đó, có 600 ha ứng dụng công nghệ cao); cây mía là 1.500 ha, sản lượng đạt 117.000 - 135.000 tấn/năm (trong đó, có 500 ha ứng dụng công nghệ cao); cây sắn là 900 ha, sản lượng đạt 25.000-27.000 tấn/năm (trong đó, có 450 ha ứng dụng công nghệ cao) và đến năm 2030 vùng nguyên liệu sẽ được mở rộng lên đến 5.937 ha (chè: 3.337 ha; mía: 1.700 ha; sắn 900 ha (trong đó, có khoảng 2.500 ha ứng dụng công nghệ cao).

Để triển khai nhanh đề án quan trọng này, huyện thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc (do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách kinh tế làm trưởng ban). Với sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, cùng với việc tổ chức triển khai đề án sâu rộng đến cơ sở, người dân, huyện còn ban hành các văn bản để đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện đề án, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn rà soát quỹ đất, phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu theo đề án sản xuất và chế biến đã ban hành.

Ông Nguyễn Ngọc Giang - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay: Đề án phát triển cây chè, cây mía, cây sắn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 được các địa phương và người dân rất ủng hộ, nên triển khai nhanh, có hiệu quả cao. Tại xã Bình Sơn, UBND huyện căn cứ quỹ đất hiện có và điều kiện thực tế của xã để giao chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện hàng năm và cả trong đề án. Qua đó, xã Bình Sơn tập trung chỉ đạo rà soát quỹ đất, đánh giá hiệu quả diện tích đất trồng cây khác hiệu quả thấp, nên từ diện tích 120 ha mía, xã đã chuyển đổi, luân canh cây trồng, thực hiện trồng từ 160 - 170 ha mía. Nhờ đó, phát triển vùng nguyên liệu mía rộng lớn, tạo sự đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích cho người dân.

Vùng nguyên liệu chè ở xã Hùng Sơn. Ảnh: Quang Dũng

Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án phát triển cây chè, cây mía, cây sắn giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, huyện Anh Sơn đã từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế, ứng dụng tích cực các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất làm tăng diện tích, năng suất, sản lượng của các cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn; thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, cụ thể: Năm 2021: Diện tích cây sắn tăng 4%, sản lượng tăng 17% so với cùng kỳ; diện tích cây chè tăng 6,8%, sản lượng tăng 49,2% so với cùng kỳ; diện tích cây mía tăng 11,1%, sản lượng tăng 26,6% so với cùng kỳ. Từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích cây mía tăng 11%, cây sắn tăng 29,6%, cây chè tăng 5% so với cùng kỳ.

Sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ

Đứng chân trên một vùng đất rất thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần Mía đường Sông Lam không chỉ khai thác hiệu quả vùng đất chuyên canh cây mía (hiện trên địa bàn huyện có gần 1.300 ha mía) để phục vụ cho sản xuất đường, mà thời gian gần đây, còn mạnh dạn đầu tư 127 tỷ đồng xây dựng Nhà máy chế biến chè có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công suất chế biến 5.000 tấn sản phẩm/năm, bao gồm nhiều sản phẩm như chè xanh, chè orthodox, chè đen CTC, chè Tencha. Mỗi năm tiêu thụ từ 22.000 - 24.000 tấn chè tươi nguyên liệu cho nông dân. Đặc biệt, để phát triển bền vững, nâng cao giá trị hàng hóa và thương hiệu cây chè Anh Sơn, công ty hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài chế biến các loại chè chất lượng cao.

Hiện nay, với diện tích hơn 2.500 ha chè công nghiệp, trong đó, có hơn 2.080 ha chè kinh doanh là điều kiện quan trọng để hỗ trợ cho các đơn vị chế biến chè ổn định sản xuất và để nâng cao giá trị thương hiệu chè Anh Sơn. Huyện tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh cây chè rộng lớn, với cơ cấu loại giống mới, năng suất, chất lượng cao, tạo sức hút mạnh mẽ để các nhà đầu tư thực hiện những nhà máy chế biến với công suất lớn, công nghệ hiện đại.

Nông dân huyện Anh Sơn áp dụng cơ giới vào trồng mía trên cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Một trong những doanh nghiệp điển hình ở huyện Anh Sơn về lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm của địa phương là Công ty cổ phần Á Châu Hoa Sơn. Là doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Thực phẩm Á Châu có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến tinh bột sắn, bởi vậy, khi đầu tư xây dựng nhà máy tại huyện Anh Sơn, doanh nghiệp tập trung phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn và liên kết chặt chẽ với người dân thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đầu tư giống mới, thu mua sản phẩm kịp thời, bảo đảm tiêu thụ 100% sản phẩm… Với cách làm đó, người dân trong vùng nguyên liệu thực sự yên tâm, gắn bó với cây trồng này, không còn bị chèn ép giá vì phụ thuộc vào tư thương như trước…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Anh Sơn, vùng nguyên liệu có diện tích gần 1.400 ha sắn. Để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất cho công ty, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu tại 4 huyện gồm: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn với tổng diện tích 3.350 ha. Năm 2022, dự kiến công ty sẽ thu mua 120.000 tấn sắn tươi và sản xuất 34.000 tấn tinh bột từ sắn củ tươi, 10.000 tấn tinh bột từ sắn lát.

Thực hiện rất thành công dự án chế biến tinh bột sắn là động lực để Công ty cổ phần Á Châu Hoa Sơn tiếp tục đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất sản phẩm đường lỏng glucose (tổng mức đầu tư hơn 15 triệu USD), dự án có công nghệ hiện đại và sản phẩm mới ra đời (vào giữa năm 2021) được thị trường đón nhận rất tích cực, đáp ứng yêu cầu các lĩnh vực chế biến thực phẩm, sữa, bánh kẹo...

Với việc thành công trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển những vùng nguyên liệu cây công nghiệp chủ lực, đã giúp cho huyện Anh Sơn thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, giá trị gia tăng theo định hướng xây dựng nông nghiệp sạch, xanh, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là gắn chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Hoàng Xuân Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn
Mới nhất
x
Anh Sơn tạo 'đòn bẩy' phát triển ngành công nghiệp chế biến và tiêu thụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO