Xã hội

Để thiếu nhi phát triển toàn diện trong kỷ nguyên số

Thanh Quỳnh 15/05/2025 09:17

Nghệ An hiện có gần 500.000 đội viên, thiếu niên, nhi đồng đang sinh hoạt tại 887 liên đội trên toàn tỉnh. Bước vào thời đại công nghệ số với nhiều cơ hội và thách thức, việc chăm lo, định hướng để thiếu nhi phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức và kỹ năng sống đang trở thành yêu cầu hết sức quan trọng.

bna_anh-co-chung-anh-son-9-ea18c5c682f035d954bf64971ac10786-1-(2).jpg

Nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2025), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với cô Nguyễn Thị Chung - Huấn luyện viên cấp I Trung ương, giáo viên phụ trách Đội tiêu biểu toàn quốc, hiện đang công tác tại Trường TH&THCS Khai Sơn, huyện Anh Sơn.

P.V: Được biết, Liên đội Trường TH&THCS Khai Sơn dù ở địa bàn miền núi nhưng là một trong những đơn vị tiêu biểu toàn tỉnh với bề dày thành tích nổi bật. Chị có thể giới thiệu khái quát về những kết quả mà Liên đội đã đạt được trong thời gian qua?

Cô Nguyễn Thị Chung: Hiện tại, Liên đội Trường TH&THCS Khai Sơn có hơn 750 em thiếu nhi và đội viên. Thời gian qua, đơn vị đã đạt danh hiệu “Liên đội vững mạnh xuất sắc tiêu biểu” được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen năm học 2022-2023 và nhiều năm được Hội đồng Đội cấp tỉnh, cấp huyện biểu dương, khen thưởng. Liên đội đã có học sinh đạt Chỉ huy Đội giỏi cấp tỉnh năm học 2022 -2023; học sinh đạt phụ trách sao giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024.

bna_anh-co-chung-anh-son-6-aa43dcafb5091dde30b3562611b6754e.jpg
Cô Nguyễn Thị Chung - giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường TH&THCS Khai Sơn, huyện Anh Sơn, đạt danh hiệu Giáo viên phụ trách Đội tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vừa qua, niềm vui đã đến với Liên đội Trường TH&THCS Khai Sơn khi có học sinh trở thành 1 trong 3 đại diện của tỉnh Nghệ An nhận được Giải thưởng Kim Đồng toàn quốc năm học 2023 - 2024. Đây là giải thưởng lớn, cao quý dành cho đội viên cả nước. Cùng đó, 2 học sinh của trường cũng đạt giải cao tại Cuộc thi "Chúng em kể chuyện Bác Hồ cấp huyện và cấp tỉnh" năm 2025.

Về bản thân tôi, sau gần 20 năm gắn bó trong vai trò là giáo viên bộ môn Âm nhạc và là giáo viên Tổng phụ trách Đội, tôi may mắn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh năm học 2019-2020. Năm 2022, tôi đạt huấn luyện viên cấp 1 Trung ương, đạt kỷ lục môn điều hành nghi lễ Đội và được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu phụ trách Đội giỏi.

Năm 2024, bản thân vinh dự trở thành phụ trách Đội tiêu biểu toàn quốc và năm nay, tôi rất hạnh phúc khi được trở thành đại diện của Nghệ An tham gia Chương trình “Giai điệu tự hào” với chủ đề "Khăn quàng thắm vai em" do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức.

bna_anh-co-chung-anh-son-5-3fe15142c2516a2717cbb684121d9e9e(1).jpg
Liên đội Trường TH&THCS Khai Sơn có hơn 750 em thiếu nhi và đội viên. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đó đều là những dấu mốc hết sức ý nghĩa. Tuy nhiên, hạnh phúc lớn nhất vẫn là được đồng hành cùng các em thiếu nhi trên hành trình trưởng thành, được thấy các em, dù còn thiếu thốn, khó khăn vẫn nỗ lực vươn lên và tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

P.V: Nhìn lại chặng đường gần 20 năm với công tác Đội, chị cảm nhận thế nào về sự thay đổi của thiếu nhi trong từng giai đoạn, đặc biệt trong xã hội công nghệ số hiện nay?

Cô Nguyễn Thị Chung: Tôi còn nhớ, thời điểm mới nhận công tác, chúng tôi thậm chí còn chưa biết đến chiếc điện thoại di động. Mọi hoạt động nắm bắt thông tin và báo cáo các phần việc đều phải gửi bằng văn bản giấy. Khoảng cách giữa trường với trường, giữa xã, huyện, tỉnh và từ nông thôn đến thành thị còn khá xa, khiến môi trường hoạt động của các em học sinh lúc đó bị bó hẹp hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, ngày nay, khoảng cách giữa các vùng, miền không còn lớn như trước. Học sinh giờ đây có cơ hội tiếp cận với nguồn tri thức phong phú hơn, được khuyến khích phát huy khả năng sáng tạo, tư duy rộng mở. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, mọi hoạt động, phong trào của các em thiếu nhi đã được triển khai một cách sôi động. Liên đội không dừng lại ở việc báo cáo bằng văn bản mà đều thể hiện bằng hình ảnh, clip truyền thông và được lan tỏa qua các kênh như Facebook, Zalo, cũng như các trang thông tin chính thống của Đội, của phòng giáo dục và đào tạo. Nhờ thế, sức lan tỏa của hoạt động Đội hướng về các em thiếu nhi nhanh và sâu rộng hơn.

bna_anh-co-chung-anh-son-8-d54bfefb022da49980a901d2b5ae6acb.jpg
Cô Nguyễn Thị Chung cùng các em học sinh của mình trong hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Thanh Quỳnh

Vậy nhưng, bên cạnh những thuận lợi, các em thiếu nhi cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và áp lực mới. Đầu tiên là áp lực học tập và vấn đề sức khỏe, trong bối cảnh khối lượng kiến thức lớn, yêu cầu học tập ngày càng cao, tâm lý và sức khỏe của học sinh chưa được chăm sóc, tư vấn kịp thời. Tình trạng stress học đường vì vậy ngày càng phổ biến.

Về kỹ năng giao tiếp, trước đây, hoạt động học tập và sinh hoạt của các em chủ yếu diễn ra trực tiếp qua lớp học, sách giáo khoa và các hoạt động ngoại khóa. Ngày nay, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, giúp học sinh tiếp cận thông tin nhanh chóng hơn, nhưng cũng làm gia tăng nguy cơ thiếu kỹ năng giao tiếp trực tiếp, dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch và nguy cơ nghiện công nghệ.

Bên cạnh đó, thực trạng bạo lực học đường và bạo lực mạng cũng có xu hướng gia tăng, khiến nhiều học sinh bị tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến sự tự tin và quá trình phát triển nhân cách của các em.

P.V: Trước những thách thức đó, theo chị, công tác Đội cần làm gì để định hướng, đồng hành và hỗ trợ các em vững vàng vượt qua?

Cô Nguyễn Thị Chung: Từ thực tiễn công tác cũng như những kinh nghiệm của bản thân, theo tôi, để công tác Đội phát triển, có thể tập trung vào 3 giải pháp trọng tâm. Đầu tiên, đó là việc thành lập và duy trì hiệu quả tổ tư vấn học đường, y tế học đường, nhằm chăm sóc toàn diện sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh. Bởi thầy, cô giáo không chỉ là người giảng dạy, mà còn là điểm tựa tin cậy để các em tìm đến khi gặp khó khăn, vướng mắc. Thông qua tổ tư vấn, giáo viên có thể hỗ trợ học sinh định hướng cách suy nghĩ, lựa chọn hành động đúng đắn, giúp các em vững vàng hơn trước áp lực học tập và các vấn đề tâm lý thường gặp.

Tiếp theo, cần tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe, kỹ năng sống như: kỹ năng sơ, cấp cứu; giáo dục giới tính tuổi học trò; phòng, chống tai nạn thương tích... Những hoạt động này không chỉ trang bị cho học sinh kỹ năng tự bảo vệ bản thân, mà còn tạo môi trường an toàn, thân thiện, giúp các em sẵn sàng chia sẻ, tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết.

Cuối cùng, cần trang bị cho học sinh kỹ năng sử dụng công nghệ và tiếp cận internet an toàn, lành mạnh. Mạng xã hội là con dao 2 lưỡi, có thể giúp cho con người khai thác đúng để phát triển trí tuệ; tuy nhiên, cũng sẽ là tệ nạn nếu các em khai thác lệch mục đích. Bởi vậy, việc trang bị cho học sinh kỹ năng nhận diện thông tin sai lệch, sử dụng internet đúng mục đích là hết sức cần thiết. Công tác Đội cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến an toàn mạng, đồng thời, lồng ghép nội dung này vào các hoạt động sinh hoạt Đội để các em dễ tiếp cận, dễ ghi nhớ.

3 nhóm giải pháp trên, theo tôi, nếu được triển khai đồng bộ và linh hoạt, sẽ góp phần thiết thực giúp các em vượt qua thách thức, phát triển toàn diện cả về trí tuệ, nhân cách và kỹ năng trong thời đại số.

P.V: Nhiều người vẫn cho rằng, giáo dục học sinh chủ yếu là trách nhiệm của trường học mà xem nhẹ vai trò của gia đình và xã hội. Chị suy nghĩ như thế nào về quan điểm này?

Cô Nguyễn Thị Chung: Theo tôi, chỉ khi gia đình, nhà trường và xã hội cùng gắn kết chặt chẽ, bổ trợ cho nhau trong giáo dục, chúng ta mới có thể trang bị cho các em một nền tảng đạo đức vững chắc, giúp các em tự tin bước vào tương lai với hành trang đầy đủ về tri thức, kỹ năng và nhân cách.

Bởi gia đình luôn là môi trường giáo dục đầu tiên, có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến sự hình thành nhân cách của mỗi học sinh. Cha mẹ không chỉ là người nuôi dưỡng, mà còn là những người thầy đầu tiên, dạy trẻ những bài học đầu đời về đạo đức, cách ứng xử, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

bna_anh-co-chung-anh-son-2-359a40f65cb67013ee4fe3ad0c6252b2.jpg
Liên đội Trường TH&THCS Khai Sơn có nhiều học sinh đạt giải cao tại cuộc thi do Hội đồng Đội tỉnh và Trung ương tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trường học, với vai trò truyền thụ tri thức và rèn luyện kỹ năng sống, tiếp tục bồi đắp cho học sinh nền tảng đạo đức và tri thức vững chắc. Giáo dục đạo đức trong nhà trường không chỉ thể hiện qua những tiết học chính khóa, mà còn được nuôi dưỡng qua các hoạt động ngoại khóa, phong trào Đội, giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái.

Xã hội – môi trường rộng lớn hơn – chính là nơi học sinh va chạm, tiếp xúc với các giá trị đa dạng của đời sống thực tiễn. Xã hội có trách nhiệm vinh danh những hành động đẹp, đồng thời, cũng cần lên án những biểu hiện lệch chuẩn, để qua đó, góp phần xây dựng một môi trường sống lành mạnh, văn minh và giàu lòng nhân ái.

P.V: Để lan tỏa phong trào Đội sâu rộng, chị có thể chia sẻ những mô hình hay, sáng kiến ý nghĩa mà mình đã triển khai hiệu quả nhằm thu hút đông đảo học sinh tham gia và trang bị cho các em kỹ năng sống cần thiết?

Cô Nguyễn Thị Chung: Trong quá trình công tác, tôi cùng tập thể nhà trường đã triển khai nhiều mô hình, sáng kiến thú vị thu hút học sinh tham gia hoạt động Đội, đồng thời, rèn luyện cho các em những kỹ năng sống thiết thực. Một số mô hình tiêu biểu có thể kể đến như: Mô hình "Xây dựng tình bạn đẹp", "Nói không với bạo lực học đường"... Theo đó, Liên đội đã thành lập các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ học tập, Câu lạc bộ thể thao, Câu lạc bộ "Bạn giúp bạn"… tạo sân chơi bổ ích, định hướng các em lối sống lành mạnh, xây dựng tinh thần đoàn kết trong môi trường học tập thân thiện và an toàn.

ảnh cô chung Anh Sơn 3
Cô Nguyễn Thị Chung nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tổ chức các hoạt động hỗ trợ các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong Liên đội, người khuyết tật trên địa bàn, đồng bào gặp thiên tai… góp phần rèn luyện cho các em tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, ý thức sẻ chia trong cuộc sống. Liên đội cũng đã triển khai những hoạt động mới như múa cờ Semaphore trong các buổi sinh hoạt sân trường. Trước đó, múa cờ Semaphore ở Nghệ An khá ít được chú trọng, nhưng khi tham gia Trại huấn luyện Kim Đồng toàn quốc khu vực miền Bắc năm 2022, tôi đã được đào tạo bài bản về bộ môn này. Múa cờ Semaphore không chỉ đơn thuần là một hoạt động thể chất mà còn là môn truyền tin bằng thị giác, giúp các em học sinh nâng cao kỹ năng giao tiếp, rèn luyện tư duy và khả năng làm việc nhóm.

bna_anh-tro-chuyen-thanh-lap-doi-abb429e8bfbe6dd5729ffc697238f859(1).jpg
Các em học sinh của Liên đội Trường TH&THCS Khai Sơn trong tiết mục múa cờ Semaphore. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo nguyện vọng của các em học sinh, tôi cùng nhà trường đã chú trọng lồng ghép các hoạt động trải nghiệm vào chương trình công tác Đội. Các hoạt động này được xây dựng bám sát quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch chuyên môn của nhà trường, đảm bảo vừa thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, vừa tạo môi trường rèn luyện kỹ năng thực tiễn cho học sinh. Các hoạt động trải nghiệm được gắn với chủ điểm từng tháng và các ngày lễ lớn trong năm như: Tham quan trải nghiệm tại Đồn Biên phòng dịp 22/12; Hoạt động "Nghệ thuật làm hoa lụa" nhân ngày 20/10; Thi "Mâm bánh nghệ thuật" dịp 8/3; Làm tập san chào mừng ngày 20/11…

P.V: Nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 - 15/5/2025), chị muốn gửi gắm thông điệp gì tới các em đội viên – những chủ nhân tương lai của đất nước?

Cô Nguyễn Thị Chung: Tôi mong các em đội viên luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của Đội, trân trọng công lao to lớn của các thế hệ cha anh, đặc biệt là những tấm gương anh hùng nhỏ tuổi như Kim Đồng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Bá Ngọc...

Chiếc khăn quàng đỏ trên vai các em không chỉ là biểu tượng cao đẹp của truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, mà còn nhắc nhở mỗi đội viên về ý chí, trách nhiệm và lòng biết ơn. Hãy luôn ghi nhớ ngày 15/5/1941 – ngày Đội được thành lập và tấm gương của người đội viên đầu tiên, anh Kim Đồng.

e3504b54d4bb66e53faa(1).jpg
Cô Nguyễn Thị Chung cùng đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương trong Chương trình Giai điệu tự hào chủ đề "Khăn quàng thắm vai em". Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình" – lời dạy giản dị mà sâu sắc ấy vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Tôi tin rằng, với ý chí, lòng tự hào và sự nỗ lực không ngừng, các em sẽ học tập tốt, rèn luyện chăm, nuôi dưỡng ước mơ đẹp, để mai này góp sức xây dựng đất nước Việt Nam phát triển vững mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong ước của Bác!

P.V: Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện!

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Để thiếu nhi phát triển toàn diện trong kỷ nguyên số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO