Anh Tấn "dân số"
(Baonghean) - Như cánh chim rừng không mỏi, với 20 năm làm cộng tác viên dân số, anh Lương Văn Tấn, bản Ngọn, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương vẫn ngày ngày miệt mài, nhiệt huyết với công tác tuyên truyền DS/KHHGĐ.
Bản Ngọn có 65 hộ, 217 nhân khẩu, trong đó có 58 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, 12 cặp vợ chồng sinh con một bề. Phần lớn bà con vẫn còn nặng về quan niệm trời sinh voi, trời sinh cỏ, nhất là những hộ gia đình có con một bề thì muốn sinh thêm cho “có nếp, có tẻ”. Là người con của bản Ngọn, lớn lên chứng kiến được những khó khăn, vất vả của bản làng, nhất là việc sinh đẻ không có kế hoạch, sinh nhiều, sinh dày, con nheo nhóc, suy dinh dưỡng...Từ năm 1994, ở tuổi đôi mươi, anh Tấn đã bắt đầu làm y tá bản kiêm cộng tác viên dân số với mong muốn tuyên truyền cho bà con về KHHGĐ.
Anh Lương Văn Tấn tuyên truyền dân số cho chị em bản Ngọn, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương. |
Những ngày đầu, anh Tấn gặp không ít khó khăn trong việc vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Anh chia sẻ: “Là nam giới nên khi tư vấn cho chị em trẻ tuổi, các chị thường hay ngại, né tránh. Thế nhưng, nam cộng tác viên dân số cũng có những lợi thế riêng, bởi dễ tiếp cận và tuyên truyền với các ông chồng”.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, anh đã tuyên truyền bằng nhiều biện pháp khác nhau kết hợp truyền thông tư vấn đồng thời lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của Hội LHPN, Hội Nông dân, các cuộc họp tại bản đến tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh xã… Dần dần mọi người cũng đã hiểu và vì vậy mà hiện nay, hầu hết bà con bản Ngọn đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc SKSS.
Anh Lô Văn Ngổn, một người dân bản Ngọn chia sẻ: Nhà mình có 2 con gái cũng muốn có thêm con trai nhưng hoàn cảnh khó khăn quá, nhờ anh Tấn dân số kiên trì đến nhà nói cái lời hay, lý giải tác hại của việc sinh nhiều con, sinh dày là đói khổ, là bệnh tật... và cái lợi của việc sinh ít con để có điều kiện phát triển kinh tế, con cái được học hành đầy đủ nên phải dừng lại ở 2 con thôi...
Kinh nghiệm của anh Tấn là tuyên truyền cho người dân phải cụ thể, không thể nói chung chung. Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, anh thường so sánh những gia đình ít con có cuộc sống đầy đủ với gia đình đông con gặp khó khăn đủ bề. Cách so sánh đơn giản, mộc mạc và dễ hiểu này đã được người dân dễ dàng nhận thấy hữu ích của công tác DS-KHHGĐ và chấp nhận mô hình gia đình ít con (1 - 2 con). Anh cũng chia sẻ thêm: công tác dân số miền núi còn khó khăn, bà con còn nghèo nên mong muốn được quan tâm, hỗ trợ hơn nữa về các biện pháp tránh thai.
Chị Vi Thị Bảy, chuyên trách dân số xã Yên Hòa cho biết: Với thành tích 8 năm không có người sinh con thứ 3, đây là một kết quả đáng khâm phục của một bản nghèo, bản Ngọn là một trong những điểm sáng về những chỉ tiêu dân số của huyện. Có được thành công này chính là nhờ vào đội ngũ các CTV cơ sở tích cực không mệt mỏi như anh Tấn.
Phạm Ngân