Áo dài Việt - nét đẹp phụ nữ Việt
(Baonghean.vn) - Nếu người Nhật Bản có Kimono, người Hàn Quốc có Hanbok, người Trung Quốc có sườn xám,… thì người Việt Nam lại hãnh diện khi mang trên mình chiếc áo dài dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt.
Khoảng 3.000 năm trước, hình ảnh chiếc áo dài với hai tà thướt tha, mềm mại, mỏng manh như cánh bướm bay trong gió đã xuất hiện trên những cổ vật như mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ, trên thạp đồng Đào Thịnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, chiếc áo dài ra đời từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở thế kỷ XVIII. Ảnh: Thành Vinh |
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài có ít nhiều thay đổi, nhưng trang phục truyền thống của người Việt vẫn giữ nét đặc trưng riêng biệt mà không bị lẫn với các nền văn hóa khác. Ảnh: Thành Vinh |
Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh con người Việt Nam mà còn chứa đựng cả linh hồn dân tộc. Ngày nay, xã hội phát triển và có sự giao lưu mạnh mẽ giữa các miền văn hóa khác nhau, chiếc áo dài nữ lại tiếp tục biến đổi. Vẫn giữ nguyên kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài truyền thống nhưng có sự thay đổi về chất liệu và kỹ thuật may để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Ảnh: Thành Vinh |
Áo dài là trang phục truyền, tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt. Ảnh: Thành Vinh |
Áo dài thường được mặc vào các dịp lễ hội, trình diễn; hoặc tại những môi trường đòi hỏi sự trang trọng, lịch sự; hoặc là đồng phục nữ sinh; tại trường trung học phổ thông hay đại học; hay đại diện cho trang phục quốc gia trong các quan hệ quốc tế. Các người đẹp Việt Nam hầu hết đều chọn áo dài cho phần thi trang phục dân tộc tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Ảnh: Thành Vinh |
Không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài còn thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ và là một di sản quý báu cha ông để lại cần được giữ gìn và bảo tồn. Ảnh: Thành Vinh |