Áo xanh trên đất khát
(Baonghean) - Người cuốc cỏ, người mang dao đi phát bụi rậm, người dọn vệ sinh bể nước... tiếng nói, cười ríu ran vang lên khắp núi rừng Huồi Tụ (Kỳ Sơn), dù lúc chúng tôi đến đã 11 giờ trưa. Tranh thủ để hoàn thành nốt công việc buổi sáng, 24 đoàn viên tình nguyện quên hết cái nắng, cái mệt của ngày hè nơi vùng đất khát. Bên vệ đường, một số người già trong bản Trung Tâm đang bưng những ca nước sôi để nguội thỉnh thoảng rót cho các cô cậu sinh viên...
Sinh viên tình nguyện dọn vệ sinh, chuyển rác thải đến điểm tập kết. |
Nhân giờ nghỉ trưa, chúng tôi tới giao lưu với đoàn sinh viên. Ai nấy ướt đẫm mồ hôi. Trưởng đoàn sinh viên tình nguyện Lê Anh Tuấn người gầy, nước da ngăm đen, cho biết, đoàn tình nguyện gồm 24 sinh viên Khoa Luật, Trường ĐH Vinh lên đây đã được mấy ngày. Nhà Tuấn ở phường Hà Huy Tập - Thành phố Vinh, sinh viên năm thứ 2. Những ngày đầu lên đây Tuấn thực sự ngỡ ngàng vì không ngờ lại có một chốn mát lành như thế này giữa miền Tây xứ Nghệ. Bà con lại rất thân thiện, mến khách. Nhưng khó khăn nhất là chuyện... thiếu nước. “Không có nước sinh hoạt, bà con dân bản cũng khổ anh ạ. Do đó, khi sinh hoạt đoàn chúng em thường nhắc nhở nhau hết sức tiết kiệm nước” - Tuấn cho biết thêm. Hỏi chuyện một bạn gái có tên Hà Linh ở phường Lê Lợi, Thành phố Vinh, rằng: Là con gái sống ở thành phố quen rồi, giờ đi ở những vùng khó khăn này em cảm thấy thế nào? Linh cười tươi: “Có gì đâu anh, mọi người làm được thì mình cũng làm được. Nếu sợ khổ em đã không đăng ký đi rồi. Thú thực mà nói, khi được nhìn thấy nụ cười trên gương mặt của những bà con dân bản, em cảm thấy vui lắm”.
Cho chúng tôi xem bản kế hoạch của đoàn, Hà Linh tỉ mỉ giới thiệu từng công việc mà em cùng các bạn ở đây sẽ làm trong vòng 3 tuần. Nào là dọn vệ sinh, san lấp mặt bằng đường sang xã Mỹ Lý, dạy xóa mù, tuyên truyền pháp luật cho bà con nhân dân... “Anh biết không, ở đây còn có những bạn quê ở tận tỉnh Sơn La như bạn Vàng A Dê, mùa hè này không về quê mà đăng ký ở lại lên vùng này. Quê bạn cũng nghèo khó lắm nhưng bạn muốn đi để tìm hiểu xem ở xứ Nghệ mình có giống như vậy không, người Mông ở đây như thế nào, có cách gì làm giàu không...?” - Trưởng đoàn Lê Anh Tuấn cho chúng tôi biết thêm.
Bên ngoài, vợ chồng già người Mông đang rót từng cốc nước quý hiếm dành dụm được cho các sinh viên. Hai cụ là Vừ Chống Lầu và Lầu Y Xía đều ở bản Trung Tâm. Cụ Vừ Chống Lầu cảm động bảo rằng: “Các con về đây làm hộ giúp dân bản, bố mẹ cám ơn nhiều lắm. Mỗi khi có sinh viên tình nguyện về là đường sá và bản làng sạch đẹp hẳn lên”. Gương mặt hai cụ tuổi ngoài 70 như rạng rỡ hẳn lên khi được ngồi bên tiếp nước cho các em.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vừ Bá Phổng, Bí thư Đoàn xã Huồi Tụ cho biết: “Huồi Tụ là một xã khó khăn của huyện Kỳ Sơn, đặc biệt là vấn đề thiếu nước sinh hoạt và nhận thức của người dân còn thấp. Thanh niên địa phương học xong toàn bỏ đi nơi khác làm ăn hoặc di cư sang Lào. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm đã có 63 người đi làm ăn xa hoặc sang Lào. Ngoài ra, vấn đề tảo hôn vẫn xảy ra thường xuyên nên chúng tôi rất muốn các sinh viên về đây tập trung nâng cao vấn đề nhận thức của nhân dân”.
Chia tay xã Huồi Tụ, màu áo xanh vẫn đọng lại mãi trong lòng chúng tôi. Những gương mặt non trẻ nhưng đầy khát vọng đang gieo một sức sống mới trên vùng đất khát này.
Sinh viên tình nguyện dạy chữ cho bà con trong xã Huồi Tụ |
Tuyên truyền và phổ biến pháp luật đến từng hộ dân. |
Đào đường lên nương chè giúp bà con bản Trung tâm Huồi Tụ (Kỳ Sơn). |
Đào Thọ - Hồ Phương