ASEAN và Trung Quốc: Tồn tại nhiều hoài nghi, khác biệt

20/11/2017 10:58

(Baonghean.vn)- Mới đây, Philippines đã hoàn tất vai trò Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với việc đạt được một loạt các thỏa thuận bước ngoặt trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 vừa qua. Trong số đó, thỏa thuận quan trọng hơn cả là việc ASEAN và Trung Quốc hoàn thiện thỏa thuận khung Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

Cả hai bên đã hoan nghênh đây là một mốc quan trọng hướng tới mục tiêu đảm bảo thượng tôn pháp luật tại các vùng biển tranh chấp.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bắt tay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại hội nghị cấp cao ASEAN. Ảnh: AP
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bắt tay Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại hội nghị cấp cao ASEAN. Ảnh: AP

Sau nhiều năm căng thẳng không ngừng giữa các bên tranh chấp, đây thực sự là bước đi đúng đắn và đúng hướng. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là đảm bảo văn kiện COC cuối cùng sẽ được đàm phán một cách hợp lý và có tác động tới việc quản lý và giải quyết các tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ qua.

Philippines, nước mới chuyển giao vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN cho Singapore, sẽ đảm nhiệm là quốc gia điều phối ASEAN-Trung Quốc. Như vậy, Manila sẽ tiếp tục có tầm ảnh hưởng đáng kể tới lộ trình đàm phán ngoại giao giữa hai bên.

Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã ưu tiên việc cải thiện quan hệ kinh tế song phương với Trung Quốc, đổi lấy việc đưa ra cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Đối với ông Duterte, điều quan trọng là hai bên cần tập trung vào một giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế như văn kiện COC, bất kể văn kiện này đạt được dưới hình thức nào.

Tuy nhiên, chi tiết thỏa thuận vẫn là điều đáng bàn. 15 năm sau khi ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), hai bên mới hoàn tất thỏa thuận khung về COC.

Thực tế, khái niệm về COC đã được đề xuất hồi đầu năm 1996, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 29 tại thủ đô Jakarta (Indonesia). Tại thời điểm đó, các nước trong khu vực kêu gọi một COC ràng buộc về pháp lý trên Biển Đông, với mục tiêu “đặt nền tảng cho sự ổn định lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các bên tuyên bố chủ quyền”.

Các nước ASEAN tham dự hội nghị tại Manila. Ảnh: AP
Các nước ASEAN tham dự hội nghị tại Manila. Ảnh: AP

Hơn 2 thập kỷ trôi qua, vẫn không rõ liệu thỏa thuận cuối cùng này có ràng buộc pháp lý hay không, hay tương tự như DOC, chỉ đơn giản là một văn kiện mang tính quy chuẩn cơ bản. Trung Quốc khẳng định cần nêu trong văn kiện rằng “không có sự can thiệp lớn nào từ bên ngoài” trong vấn đề Biển Đông, song không rõ liệu Bắc Kinh có yêu cầu các nước ASEAN ngừng hợp tác an ninh với Mỹ hoặc Nhật Bản trong khu vực hay không.

Thêm vào đó, bản dự thảo khung COC không nêu khả năng văn kiện cuối cùng có thể được sử dụng như “một công cụ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc các vấn đề phân định ranh giới trên biển”.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu COC có tạo thêm giá trị gì không, do DOC đã nêu ra một loại quy tắc rõ ràng nhằm kiểm soát cách hành xử của các bên tranh chấp.

Trong khi đó, giới chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang tận dụng các cuộc đàm phán COC như một “vỏ bọc” ngoại giao cho các hành động bồi đắp và quân sự hóa quy mô lớn của nước này tại các khu vực tranh chấp, hay thậm chí COC có thể được sử dụng để “chôn chặt” hiệu quả phán quyết của tòa trọng tài quốc tế giữa Manila và Bắc Kinh liên quan Biển Đông.

Tuy vậy, các nước ASEAN không còn lựa chọn nào khác ngoài đặt niềm tin vào đối thoại và đàm phán./.

Lan Hạ

(Theo SCMP)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
ASEAN và Trung Quốc: Tồn tại nhiều hoài nghi, khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO