Bắc Giang: Khai mạc Lễ hội Yên Thế năm 2015

17/03/2015 18:16

Ngày 16/3, tại trung tâm quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế, UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 131 năm khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884-16/3/2015) và khai mạc Lễ hội Yên Thế năm 2015.

Lễ hội Yên Thế tại thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang là lễ hội được tổ chức hàng năm để nhân dân nơi đây bày tỏ lòng tôn kính cũng như tưởng nhớ công ơn Hoàng Hoa Thám, vị tướng tài năng, người thủ lĩnh tối cao của phong trào nông dân Yên Thế và nghĩa quân đã chiến đấu chống thực dân Pháp trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Lễ hội Yên Thế được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16/3/1984 nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 16/3 dương lịch, lễ hội lại được tổ chức tại trung tâm thị trấn Cầu Gồ, đại bản doanh Phồn Xương năm xưa.

Khai mạc lễ hội Yên Thế 2015.
Khai mạc lễ hội Yên Thế 2015.

Lễ kỷ niệm với chủ đề “Truyền thống hội tụ” diễn ra các hoạt động tâm linh và chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, mang đậm âm hưởng sử thi anh hùng, bất khuất của đội quân áo nâu nơi núi rừng Yên Thế. Bên cạnh đó, Lễ hội Yên Thế còn có các hoạt động khác như: Triển lãm hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc khởi nghĩa; các hoạt động văn hóa, thể thao; Hội chợ thương mại…

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do thủ lĩnh Lương Văn Nắm (Đề Nắm) khởi xướng vào năm 1884, tại vùng Yên Thế hạ (nay là huyện Tân Yên, Bắc Giang) chống thực dân Pháp. Sau khi Đề Nắm mất, thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) kế tục sự nghiệp giương cao ngọn cờ yêu nước chống giặc hơn 30 năm.

Sử liệu ghi lại, Đề Thám mở rộng và lập nhiều căn cứ kháng chiến kéo dài từ vùng Yên Thế thượng (huyện Yên Thế ngày nay) sang Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, phối hợp với một số nghĩa quân khác ở phía bắc. Từng ấy năm, nghĩa quân đã chiến đấu với quân Pháp và tay sai với hàng chục trận đánh lớn nhỏ tạo được tiếng vang trong nhân dân và khiến giặc Pháp khiếp sợ. Tư tưởng thống nhất, liên kết kháng chiến của Đề Thám với nhiều thủ lĩnh, lãnh đạo các nghĩa quân kháng Pháp ở các tỉnh phía bắc đã có lúc tạo được thế chiến ngang bằng với quân Pháp ở nhiều khu vực.

Đỉnh cao của cuộc khởi nghĩa Yên Thế là vụ "Đầu độc Hà Thành" dù thất bại nhưng đã tạo được tiếng vang lớn trong cả nước. Theo sử sách ghi lại, vụ ám sát được những nghĩa quân và những người yêu nước thực hiện tại một trại lính Pháp ở Hà Nội với ý đồ mở đầu cho một cuộc tổng tấn công từ đầu não của Pháp tại Hà Nội để giành chính quyền ở các tỉnh phía bắc. Dù sau đó ý định thất bại và nghĩa quân phải rút về vùng rừng núi tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến nhưng cuộc khởi nghĩa Yên Thế xứng đáng là một bản anh hùng ca giữ nước của những người nông dân trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động nhưng rất hào hùng của dân tộc.

Những địa điểm cuộc Khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Lễ hội Yên Thế được Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2012./.

Theo Dulichvn

Mới nhất
x
Bắc Giang: Khai mạc Lễ hội Yên Thế năm 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO