Bác Hồ với đất Thăng Long

08/10/2010 17:49

Từ nhỏ, qua lời kể của các bậc cha chú, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã thấm nỗi đau mất nước của toàn dân tộc.

Giặc Pháp chiếm Long Thành, chiếm nước nhưng không chiếm được lòng dân đất Việt. Tuy đã bị thực dân Pháp đặt ách thống trị nhưng trên xứ sở của cậu Cung người người đã đứng lên quyết tâm đuổi thực dân, nhằm khôi phục lại giang sơn. Mở đầu là phong trào Cần vương cứu quốc. Tiêu biểu trên đất Nghệ - Tĩnh có Nguyễn Xuân Ôn với khởi nghĩa Đồng Thông (Đông Thành) (1885- 1889), Phan Đình Phùng với khởi nghĩa Hương Khê (1885-1895)... Ngọn lửa Cần vương tạm lắng xuống thì phong trào Đông Du- Duy Tân ở khắp nơi, Đông Kinh nghĩa thục (Hà Nội), Chống thuế (Trung Kỳ) liên tiếp nổ ra.

Phan Bội Châu người đồng huyện với cậu Cung là con người tiêu biểu của giai đoạn lịch sử này. Trước và sau khi thành lập Hội Duy Tân rồi được Hội cử dẫn đầu phong trào Đông Du sang Nhật, Phan Bội Châu đã lần này, lần khác ra Hà Nội khảo sát tình hình, rồi nhiều dịp đi về, cụ đã qua đất Hà Thành và để lại những ấn tượng sâu sắc, đẹp đẽ. Những sự kiện đó cậu Cung đều biết rõ.

Bấy giờ, không khí đấu tranh khắp nơi đều dội về Kinh thành Huế, nơi cậu đang học tập. Nhưng rồi các phong trào đó đều bị đàn áp đẫm máu và thất bại. Cậu lấy tên là Nguyễn Tất Thành, quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Đã sống lâu ở Trung Kỳ, là đất bảo hộ, anh Thành tin, Bắc Kỳ với chế độ nửa bảo hộ, nửa thuộc địa cũng chẳng khác Trung Kỳ là bao. Nên anh thầm hẹn là sẽ gặp lại Hà Nội trong một dịp khác, như sau này khi sang Pháp, đến Mác- xây mà 6 năm sau anh mới lên với Thủ đô Pa- ri vậy. Đất Nam Kỳ là thuộc địa, người Pháp cai trị xứ sở này như là một bang của nước họ. Anh tự quyết là phải vào đó xem sao.

Rồi từ đấy vào mùa hè 1911, anh xuống tàu biển vượt đại dương sang Pháp. Và như ta đã biết, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, chịu bao khổ ải, gian nguy, khi đã đủ điều kiện lo việc giải phóng dân tộc thì Người về nước.

Như đã thầm hẹn lúc ra đi, Người với bí danh là Hồ Chí Minh về tới Thăng Long khi đất Rồng Bay đã ngập trời cờ sao chờ ngày cướp chính quyền trong Cách mạng tháng 8, mà linh hồn của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ấy chính là Người, vị Cha già dân tộc.

Tại đây, Người, một vị lãnh tụ anh minh của thời đại đã tiếp tục làm biết bao nhiêu công việc thần kỳ: chuẩn bị để Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân, thảo và đọc Tuyên ngôn Độc lập, tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, duyệt và thông qua Hiến pháp, chuẩn bị đối phó với mọi kẻ thù để bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Điều đặc biệt, Người cử phái đoàn vào Kinh thành Huế nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại, mời cựu Hoàng làm Cố vấn tối cao của Chính phủ để cùng lo việc nước.

Và Người không chủ trương đặt Kinh đô tại Huế như các vua triều Nguyễn đã làm. Người đề nghị Quốc hội và Chính phủ chọn Hà Nội làm Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong khi vẫn hết sức coi trọng Cố đô Huế và Thành phố Sài Gòn.

Hai nơi đó cùng với Hà Nội, là ba điểm nối toàn khúc ruột của đất nước Việt Nam. Hà Nội sau hơn 160 năm thôi vai trò Kinh sư, bấy giờ bừng trở lại là Thủ đô và sẽ mãi mãi là điểm đến của các nguyên thủ quốc gia cũng như đại diện các chính phủ của mọi nước trên hành tinh khi cần tới để bang giao, hội kiến và là nơi tổ chức nhiều cuộc hội nghị quốc tế. Hà Nội đã tỏ rõ vai trò kinh kỳ khi mở rộng mình gắn với Thủ đô gió ngàn Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp để làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử chấn động địa cầu. Khi buộc phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ! Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị phá huỷ nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ.

Đến ngày thắng lợi chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Khi giặc Mỹ dùng pháo đài bay B52 rải thảm với âm mưu huỷ diệt đối với miền Bắc Việt Nam, Người lại nói: Đế quốc Mỹ chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Lịch sử diễn ra rất công bằng và đã chứng minh hết sức hùng hồn các luận điểm là chân lý mà Hồ Chí Minh nêu ra!

Hà Nội nay đã nhiều lần "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), từ mùa thu 1969 đau buồn của dân tộc có thêm ngôi Lăng. Tại đó, Người vĩnh hằng yên nghỉ với đất trời, trăng sao, nơi cả dân tộc và bạn bè trên thế giới để thương, để nhớ. Khách phương xa tới Hà Nội, ai cũng ước ao vào Lăng, mặc niệm, chiêm ngưỡng Người. Hà Nội- Việt Nam- Hồ Chí Minh, những tiếng gọi đầy tự hào và vinh quang ấy đời đời gắn kết với nhau trong niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt cũng như bạn bè năm châu


Chu Trọng Huyến

Mới nhất
x
Bác Hồ với đất Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO