Bác Hồ với ngành Y tế Việt Nam

27/02/2017 08:31

(Baonghean.vn) - Sinh thời, Bác Hồ luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với ngành Y tế. Người luôn nhắc nhở “Lương y phải như từ mẫu”. Cho đến tận khi sắp sửa đi xa, trong Di chúc, Người vẫn không quên dặn dò phải “Phát triển công tác vệ sinh, y tế…”

Cách đây 62 năm, vào ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Bức thư với những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta.

Do ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam” và cũng kể từ đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế.

Trong thư gửi cán bộ y tế toàn quốc năm 1955, Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn".

Bác Hồ luôn nhấn mạnh, “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền. Trong ảnh, Bác Hồ về thăm Bệnh xá Vân Đình, Hà Nội.
Bác Hồ luôn nhấn mạnh, “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền. Trong ảnh, Bác Hồ về thăm Bệnh xá Vân Đình (Hà Tây cũ năm 1963).

Đối với con đường phát triển nền y tế nước nhà, Bác nói rằng: “Y học phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Ðể mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Ðông và thuốc Tây” (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, ngày 27/2/1955).

Theo Bác, “Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được; thuốc ta chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc tây chữa được... Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa được bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thầy thuốc tây phải học Đông y, thầy thuốc ta cũng phải học Tây y... Thầy thuốc ta và thầy thuốc tây đều phục vụ nhân dân, như người có hai cái tay, hai bàn tay cùng làm việc thì làm việc được tốt, cho nên phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên, đoàn kết thuốc ta và thuốc tây thành một khối để chữa bệnh cho đồng bào”.

Bác Hồ đi thăm vườn cây thuốc Nam. (Ảnh tư liệu).
Bác Hồ đi thăm vườn cây thuốc Nam. (Ảnh tư liệu).

Đối với nền y học nước nhà, Bác đã có những đóng góp rất to lớn khi lôi cuốn, thu hút được rất nhiều trí thức nghề y ở cả trong và ngoài nước phục vụ cách mạng, tham gia kháng chiến cứu quốc một cách tự nguyện, tận tâm, tận lực.

Trong số những trí thức nghề y quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác phải kể đến Giáo sư, Bác sĩ Trần Hữu Tước – người sáng lập và xây dựng ngành Tai - Mũi - Họng Việt Nam, một trong những vị giáo sư đầu ngành của nền y học Việt Nam hiện đại.

Năm 1946, khi Hồ Chủ tịch dẫn đầu Phái đoàn hữu nghị đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đi thăm nước Pháp, Giáo sư Trần Hữu Tước được Hội Việt kiều cử làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Hồ Chủ tịch và đoàn ngoại giao Việt Nam. Ông có cơ hội gần Bác và đồng chí Phạm Văn Đồng nên được học hỏi nhiều điều. Ông hiểu cách mạng đã thành công nhưng đất nước và đồng bào cũng còn nhiều việc phải làm. Ông nghĩ rằng “Phải về phục vụ trong khi nước nhà còn nhiều khó khăn mới đúng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với GS. Trần Hữu Tước và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch (người ngồi bên trái). Ảnh: TL - suckhoedoisong.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với GS. Trần Hữu Tước và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch (người ngồi bên trái). Ảnh: TL

Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, cùng với một số trí thức Việt kiều nổi tiếng khác như Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Võ Quý Huân...Giáo sư Trần Hữu Tước đã tình nguyện từ bỏ cuộc sống đang ổn định và sung túc ở Pháp, trở về phục vụ Tổ quốc. Từ đó cuộc đời người thầy thuốc nổi tiếng ấy gắn liền với đất nước, quê hương.

Cũng như Giáo sư Trần Hữu Tước, Giáo sư Hồ Đắc Di - một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam độc lập đã cố gắng sống và làm việc, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà.

Giáo sư là người hiểu thấu tư tưởng và thấm nhuần đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông từng nói: “Theo tôi, Người là một Einstein về mặt đạo đức. Lời nói nào của chúng ta có sâu xa đẹp đẽ đến đâu chăng nữa, cũng không thể nào nói lên đầy đủ tầm vóc của Người".

Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành y. Ảnh Internet.
Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành y. Ảnh Internet.

Giáo sư, Bác sĩ Tôn Thất Tùng – vị bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Bác từng viết: “Bác ơi, công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là người cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”.

Ông nói: "Nếu quả tôi đóng góp chút gì về khoa học, chính là nhờ tôi biết học và hành bài học đoàn kết của Bác Hồ. Tôi hiểu rằng sự nghiệp khoa học bao giờ cũng là sự nghiệp tập thể. Người làm công tác khoa học phải học cách phối hợp, phối hợp rất tài tình các binh chủng khác nhau như Bác Hồ đã tập hợp trí dũng của dân ta, đưa dân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác".

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều những trí thức ngành y đã được Bác lôi cuốn, cảm hóa và chỉ đường dẫn lối để cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nước nhà. Bác luôn dành một sự trân trọng thật sự cho các trí thức. Đã giao việc là giao quyền. Đã giao quyền là hoàn toàn tin tưởng. Bác là người uyên bác, có thể còn ở trên tầm tư duy của bản thân trí thức, nhưng có lẽ chính vì vậy nên bao giờ cũng giản dị, khiêm tốn.

Đó cũng là một phong cách rất trí thức, được trí thức ghi tạc, truyền tụng. Do đó, Hồ Chí Minh có một sức hút phi thường đối với các tầng lớp nhân dân, kể cả những trí thức khó tính nhất. Hầu hết các trí thức Việt Nam đều suy nghĩ: Nếu không phải Hồ Chí Minh thì có lẽ khó có ai tập hợp được bấy nhiêu nhân tài của đất nước.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Bác Hồ với ngành Y tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO