Bác luận điệu về Biển Đông của Đại sứ TQ ở châu Âu
Ngày 28/6, Đại sứ TQ tại Liên minh châu Âu Dương Yến Di đã có bài viết trên tờ New Europe về vụ giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) với những lập luận sai sự thật.
Ngày 17/7, cũng trên tờ New Europe, Đại sứ VN tại Vương quốc Bỉ, kiêm nhiệm Đại công quốc Luxembourg và Ủy ban châu Âu Phạm Sanh Châu đã có bài viết: "Hãy trả lại bình yên cho Biển Đông" phản bác những lập luận cố tình làm sai sự thật của Đại sứ TQ Dương Yến Di.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của Đại sứ Phạm Sanh Châu:
Ngày 28/6/2014, người đồng nghiệp của tôi, Đại sứ TQ tại Liên minh châu Âu Dương Yến Di đã có bài viết trên tờ New Europe về vụ giàn khoan ở Biển Đông và về luật pháp quốc tế liên quan để giải quyết tranh chấp.
Tôi tán thành cách tiếp cận dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế của Đại sứ Dương, tuy nhiên cá nhân tôi muốn đưa ra một vài phản biện đối với những lập luận chưa chính xác của Đại sứ Dương, và giải thích tại sao những lập luận này không thể đứng vững khi xem xét kỹ lưỡng dưới góc độ của luật pháp quốc tế.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, kiêm nhiệm Đại công quốc Luxembourg và Ủy ban châu Âu Phạm Sanh Châu. Ảnh: Vietnam+ |
Đại sứ Dương đã cố biện hộ cho hành động hạ đặt giàn khoan của TQ bằng hai luận điểm: TQ có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Tây Sa và vùng nước không có tranh chấp của quần đảo Tây Sa.
Với tất cả sự tôn trọng, tôi xin khẳng định cả hai lập luận trên của Đại sứ Dương đều sai sự thật.
Thứ nhất, theo quy định của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, việc các cá nhân khai phá một vùng lãnh thổ là chưa đủ để hình thành quyền sở hữu của một quốc gia đối với lãnh thổ đó.
Ngay cả việc phát hiện lãnh thổ trên danh nghĩa quốc gia cũng chỉ tạo ra danh nghĩa chủ quyền ban đầu (inchoate title), muốn thiết lập chủ quyền với vùng lãnh thổ này, chính quốc gia đó cần có những hành động chiếm hữu, quản lý liên tục và hiệu quả.
Cái gọi là quần đảo Tây Sa thực chất là quần đảo Hoàng Sa của VN (tiếng Anh là Paracels) đã được Nhà nước VN quan tâm, nỗ lực xác lập và thực thi chủ quyền ít nhất là từ thế kỷ 17. Điều này được ghi rõ trong các tài liệu lịch sử chính thức của Việt Nam và của các quốc gia khác.
Đại sứ Dương có thể tham khảo bộ sưu tập bản đồ trong cuốn Bản đồ Thế giới (World Atlases) của nhà địa lý nổi tiếng người Bỉ Philippe Vandermaelen, trong đó ấn bản năm 1827 đã thể hiện rất rõ Hoàng Sa thuộc đế chế An Nam (Việt Nam) trong phần bản đồ về Nam Kỳ (Cochinchine).
Trái lại, phía TQ không đưa ra được bằng chứng nào chứng minh việc TQ xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này trong suốt chiều dài lịch sử.
Không có sách lịch sử hay bản đồ chính thức nào của TQ ghi nhận Hoàng Sa và cả Trường Sa là một phần lãnh thổ của TQ cho đến tận giữa thế kỷ XX.
Trong tất cả các tài liệu và bản đồ chính thức của TQ, điểm cực Nam của lãnh thổ TQ chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam. Điều này cũng đã được ghi nhận trong ấn bản World Atlases của Philippe Vandermaelen nói trên.
Chính lịch sử và văn hóa TQ đã chứng minh nước này chưa từng có ý định chiếm hữu lãnh thổ trên biển.
Trong hàng ngàn năm lịch sử, đối với người TQ, biển luôn gắn liền với cướp biển và sự bất ổn. Vì thế, rất nhiều triều đại TQ, đến tận đời nhà Minh và nhà Thanh, vẫn tiếp tục thi hành chính sách cấm các hoạt động trên biển, được biết đến với tên gọi Chính sách Hải Cấm (Haijin).
Chính sách này cấm tàu bè ra biển, buộc người phải di chuyển vào trong lục địa 30-40 dặm, người nào dám cả gan vươn ra biển sẽ bị quy vào tội mưu phản chống lại triều đình và sẽ bị xử tử.
Với thực tế đó, TQ khó có thể khẳng định rằng Hoàng Sa là một phần thiết yếu của lãnh thổ nước này trong hơn 1000 năm qua, bởi theo luật quốc tế, để có thể thiết lập danh nghĩa chủ quyền, các quốc gia cần phải tiến hành hoạt động thực thi chủ quyền một cách liên tục và hiệu quả đối với vùng lãnh thổ đó.
Bài viết của Đại sứ Dương có đề cập rằng trước năm 1974, VN chưa bao giờ chất vấn về chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa, và các tuyên bố chính thức của VN đều công nhận Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ TQ. Điều này là hoàn toàn vô căn cứ và là sự cố tình hiểu sai lịch sử.
Ảnh chụp lại ấn bản World Atlas năm 1827 của Philippe Vandermaelen, phần Parties, la Cochinchine, trang 106 |
Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, Trưởng đoàn VN, Thủ tướng quốc gia VN Cộng hòa lúc đó Trần Văn Hữu đã tái khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào.
Trong khi đó, đề xuất của Liên Xô đề nghị công nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với hai quần đảo này đã bị 46 trên 51 nước tham gia hội nghị bác bỏ.
Ba năm sau đó, Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương được ký kết đã ghi nhận toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, giao cho VN Cộng hòa quản lý.
Điều này được duy trì cho tới khi đất nước VN thống nhất vào năm 1975. Là một nước tích cực tham gia đóng góp vào nội dung của Hiệp định, TQ ắt hẳn nắm rõ điều này. Vậy TQ sử dụng bằng chứng nào để tuyên bố rằng VN Cộng hòa đã công nhận Trường Sa và Hoàng Sa thuộc lãnh thổ TQ trước năm 1974?
Sự thực là TQ đã hai lần sử dụng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa từ VN Cộng hòa vào các năm 1956 và 1974, giết hại nhiều người VN trong trận chiến năm 1974.
Việc sử dụng vũ lực để thôn tính lãnh thổ đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được thiết lập kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Hành động bất hợp pháp này không thể mang đến cho TQ chủ quyền thực sự đối với quần đảo Hoàng Sa.
Chính TQ đã xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của VN bằng việc đưa ra yêu sách chủ quyền bất hợp pháp đối với Hoàng Sa và chiếm đóng quần đảo này bằng vũ lực.
Thứ hai, giàn khoan Hải Dương 981 của TQ được triển khai tại vị trí chỉ cách bờ biển VN 130-150 hải lý, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Là một quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, TQ có nghĩa vụ xác định vùng biển của mình phù hợp với các điều khoản của Công ước, đồng thời tôn trọng quyền tương tự của các quốc gia ven biển khác.
Cho dù TQ xác định vùng biển của mình tính từ đường bờ biển của đảo Hải Nam hay của bất kỳ thực thể nào của Hoàng Sa đi chăng nữa (chưa bàn tới việc TQ chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa) thì vùng nước nơi giàn khoan được hạ đặt cũng không thể coi là vùng nước không có tranh chấp của TQ.
Thứ ba, Đại sứ Dương đã sai khi cáo buộc VN vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại đến an toàn, tự do hàng hải trong khu vực TQ hạ đặt giàn khoan.
Chính TQ đã hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu khí và triển khai lực lượng bảo vệ giàn khoan gồm cả tàu quân sự như tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ và nhiều máy bay chiến đấu. Hành động này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Việt Nam cũng như sự quan ngại từ các nước trên thế giới.
Các đoạn video công khai cho thấy các tàu cỡ lớn của Trung Quốc đã cố ý đâm va, phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều lần.
Đặc biệt, ngày 26/5/2014, tàu TQ đã chủ động bám đuổi, đâm va cho đến khi lật úp tàu cá ĐNa-90152-TS của VN đang hoạt động bình thường trong vùng biển của VN, thậm chí các lực lượng TQ còn có hành động ngăn cản các tàu của VN tham gia cứu hộ, cứu nạn 10 ngư dân của tàu cá ĐNa-90152-TS.
Tàu cá ĐNa 90152 TS được trục vớt nổi lên mặt nước từ tư thế chìm thẳng đứng. Ảnh: TTXVN |
Thực tế này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Đại sứ Dương rằng TQ không ức hiếp các nước nhỏ, đồng thời cũng đã chứng minh rõ ràng rằng TQ mới chính là nước gây hấn, xâm hại an toàn, tự do hàng hải, vi phạm UNCLOS 1982 và Công ước về phòng chống đâm va trên biển năm 1972 (COLREGs).
Hành vi cố tình phá hủy các thiết bị định vị và liên lạc trên tàu cá Việt Nam, gây thương tích cho các kiểm ngư viên Việt Nam đã cấu thành hành vi tội ác có thể bị xử lý theo Công ước 1988 về trấn áp các hành vi bất hợp pháp xâm phạm an toàn hành trình hàng hải.
Việc TQ buộc tội ngược rằng VN đã đâm các tàu TQ tổng cộng 1.547 lần không hề được chứng minh bằng bất cứ bằng chứng thuyết phục nào.
Đại sứ Dương nói rằng VN đã không có phản hồi đối với hơn 30 cuộc trao đổi giữa hai nước.
Nhưng tuyên bố này đã che giấu một thực tế quan trọng. Đó là trong các cuộc trao đổi này, vấn đề duy nhất không được phản hồi chính là yêu cầu của VN buộc TQ rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của VN với mục đích tạo ra môi trường thuận lợi để hai nước trao đổi giải quyết vấn đề.
Chính thái độ trong trao đổi và những hành động thực địa trên biển của TQ đã không giúp hạ nhiệt căng thẳng và cho thấy rõ ràng TQ thiếu thiện chí trong việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ngài Arif Havas Oegrosenno, Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Luxembourg và EU, kiêm Chủ tịch cuộc họp lần thứ 20 giữa các quốc gia thành viên UNCLOS 1982, trong bài bình luận gần đây đăng trên RSIS đã chỉ ra rằng TQ với tư cách là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nên có trách nhiệm đạo lý, chính trị và pháp lý để duy trì hòa bình và ổn định thế giới.
Tôi cũng hết sức hoan nghênh tuyên bố của Đại sứ Dương rằng TQ sẽ tuân thủ nguyên tắc tìm kiếm các biện pháp hòa bình đối với mọi tranh chấp thông qua tham vấn, đàm phán với các bên trên cơ sở bình đẳng, và rằng TQ sẽ tiếp tục nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng với VN đồng thời củng cố quan hệ song phương.
Đây là hy vọng về thiện chí và trách nhiệm của TQ đối với hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Để chứng minh cho thế giới thấy TQ có thiện chí muốn trả lại bình yên ở Biển Đông và để minh chứng cho việc làm của TQ luôn đi đôi với lời nói, TQ cần chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước láng giềng, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
TQ cần không bao giờ tái diễn việc hạ đặt giàn khoan và đưa lực lượng hộ tống vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN.
Theo Vietnam+