“Bác mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo”

20/05/2013 16:36

Ngôi nhà nhỏ nép sau những bóng cây dây leo mềm mại trên đường Nguyễn Sỹ Sách( T.P Vinh) của họa sỹ-nhà điêu khắc Trần Minh Châu rất nhiều tranh và tượng.  Đón tôi là một ông già đầu bạc trắng có nụ cười hiền hậu. Đôi bàn tay ông còn đang vương màu vẽ. Theo bước chân ông, tôi leo lên cầu thang hẹp tới căn phòng tầng thượng, nơi ông giới thiệu là “xưởng vẽ” của mình. Tôi thấy bức tranh đang dang dở của ông, ông tạm đặt tên là“Bác Hồ căn dặn thầy thuốc”. tôi đã thấy một niềm đam mê nghệ sỹ: Vẽ, rồi ngắm, lại vẽ… Nét cọ miệt mài.

(Baonghean) - Ngôi nhà nhỏ nép sau những bóng cây dây leo mềm mại trên đường Nguyễn Sỹ Sách( T.P Vinh) của họa sỹ-nhà điêu khắc Trần Minh Châu rất nhiều tranh và tượng. Đón tôi là một ông già đầu bạc trắng có nụ cười hiền hậu. Đôi bàn tay ông còn đang vương màu vẽ. Theo bước chân ông, tôi leo lên cầu thang hẹp tới căn phòng tầng thượng, nơi ông giới thiệu là “xưởng vẽ” của mình. Tôi thấy bức tranh đang dang dở của ông, ông tạm đặt tên là“Bác Hồ căn dặn thầy thuốc”. tôi đã thấy một niềm đam mê nghệ sỹ: Vẽ, rồi ngắm, lại vẽ… Nét cọ miệt mài.

Giọng chậm rãi, nhỏ nhẹ, họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu kể rằng đã bao nhiêu năm nay, ông trăn trở, theo đuổi mà vẫn tự nhận thấy mình chưa thật sự thành công khi vẽ hay tạc tượng Bác Hồ, dù ông đã có gần 30 tác phẩm tranh và điêu khắc về Bác, có những tác phẩm từng đoạt giải cao tại các cuộc thi mỹ thuật toàn quốc hay khu vực, nhiều tác phẩm được trưng bày tại các bảo tàng lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh...

Ông bảo, trong đời ông có 3 lần được gặp Bác, gần Bác, ấy là điều may mắn và quý giá nhất, không dễ ai cũng có được. Nhớ về những lần gặp gỡ đó, ông vẫn không thôi xúc động. Lần đầu tiên, khi ông đang là sinh viên Trường Mỹ nghệ Hà Nội (nay là Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), ông có vinh dự được gặp Bác lúc Bác tới thăm trường năm 1957. Lần thứ 2, trong đoàn học sinh, sinh viên của Trường Mỹ nghệ tới sân bay chào mừng vị nguyên thủ quốc gia một nước châu Phi, ông và các bạn bất ngờ nhìn thấy Bác đón khách quý tại sân bay. Sau này, khi ông lại trở về làm sinh viên bậc đại học của trường, ông lại thêm một lần được gần Bác. Lần này, ông cùng với hơn 30 sinh viên khác được chọn đến trang trí cho lễ tang Bác Hồ, trang trí nơi Bác yên nghỉ...

Nếu như 2 lần gặp đầu, dưới con mắt một họa sỹ, một nhà điêu khắc, ông thấy Bác là một hình mẫu đẹp, từ vóc dáng, từ nụ cười, ánh mắt, chòm râu đến thần thái, thì lần sau này, ông đã cảm nhận vẻ đẹp, sự vĩ đại của Người bằng cả trái tim nức nở trong lồng ngực. Ông nhớ giọt nước mắt mặn đắng của mình tan chảy hòa vào muôn dòng nước mắt của bao nhiêu đồng bào. Và ông hiểu, Bác còn mãi sống trong lòng dân tộc, trong trái tim những người con đất Việt, mãi là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo.



Họa sỹ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu đang vẽ bức tranh “Bác Hồ căn dặn thầy thuốc”.

Chính vì thế, trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, mảng đề tài ông dành nhiều công sức để thể hiện chính là hình tượng Bác Hồ. Từ bức ký họa màu nước (Nhà quê nội Bác Hồ), bức vẽ bột màu (Bác về thăm nhà), bức phù điêu gò nhôm (Lời Đất Việt) đến những bức tượng, nhóm tượng bằng nhiều chất liệu như thạch cao, đất nung, xi măng… được đặt trong các bảo tàng, một số công trình tượng đài như tượng Bác trước khuôn viên Bệnh viện Hương Khê (Hà Tĩnh), Bác Hồ về thăm nông trường (đặt trước Nhà bảo tàng Nông trường 19/5, Nghĩa Đàn), nhóm tượng “Bác Hồ với tuổi trẻ” đặt tại Công viên Nguyễn Tất Thành (Vinh)…, người xem đều cảm nhận được tâm huyết và tình cảm lớn lao của ông gửi vào từng đường nét.

Nhớ lại những tác phẩm về Bác của mình, ông trầm ngâm: “Chưa có bức tượng nào tôi nặn, chưa có bức vẽ nào tôi vẽ Bác một cách dễ dàng cả. Mặc dù nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung ra Người, từ mái tóc, chòm râu, ánh mắt, bàn tay… Dù đã lâu tôi không cần nhìn ảnh mẫu để vẽ”. Ông kể thêm về bức vẽ đầu tiên được giải cao nhất (giải Nhì, không có giải Nhất) trong cuộc vận động sáng tác nghệ thuật cho trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh do Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và Hội Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam phối hợp tổ chức vào năm 1986, tác phẩm bột màu “Cậu bé Nguyễn Sinh Cung nghe các thân sỹ yêu nước đàm đạo”.

Ông nói, quê ông ở Nam Đàn, ngay từ nhỏ đã từng tới thăm nhà Bác, kỷ niệm thiêng liêng ấy mãi theo đậm trong ông. Ấp ủ một bức vẽ về Người, trong đó gói ghém cả quê hương, tuổi thơ, cả ước vọng…, Trần Minh Châu đã cùng với chiếc xe đạp cọc cạch ngược gió Lào, rồi cả trong gió buốt mùa Đông để tìm tới Hoàng Trù, Kim Liên quê Bác. Ông đến nơi, tìm hỏi những người cao tuổi nhất, những người còn lưu giữ nhiều nhất hình ảnh, kỷ niệm về cậu bé Cung ngày xưa. Thời ấy, cả 2 làng chỉ còn lại 2 cụ sinh cùng thời với Bác. Ông chắp nối những ký ức của hai người già để biết một cậu bé Cung học giỏi, thông minh, thích thả diều vào những chiều lộng gió trên núi Chung. “Tôi được nghe câu chuyện đi câu cá của cậu bé Cung, chuyện tắm ao, chuyện chơi rồng rắn lần nào cũng giành phần thắng”. Rồi ông lặn lội tìm bằng được đến những nơi in đậm dấu chân Bác thuở thiếu thời. Lên đồi, xuống ao, đến lò rèn, giếng Cốc, về nơi nhà thầy giáo làng Vương Thúc Quý khi xưa cậu trò Nguyễn Sinh Cung lui tới học hành.

Tại đây, ông đã vẽ nên bức tranh “Anh Cung nghe các cụ bình thơ sau buổi họp làng về”, và sau đó ông đã vẽ tiếp bức “Nguyễn Sinh Cung nghe các thân sỹ yêu nước đàm đạo” ở ngay gian nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc. Bức vẽ này, theo ông “chưa phải hoàn chỉnh và với khuôn khổ nhỏ vừa ấy, tôi chưa tả hết được cái chất lồng lộng, cái viên ngọc quý óng ánh bên trong tâm hồn cậu bé Cung. Song, tôi đã dành cho gian nhà tranh ấm áp ấy một khoảng không thỏa đáng, ưu việt của buổi sáng đẹp trời, ánh sáng từ phương đông như một luồng gió, một con đường mới dọi vào ngực cậu bé. Nhìn gương mặt cậu bé ấy, có thể thấy đang lắng đọng một khát vọng lớn: mai sau tìm đường cứu nước”. Trong không gian mở ấy, gối trên đầu cậu bé Cung, Trần Minh Châu đã vẽ bàn thờ tổ tiên khói hương đang tỏa, như ngầm ý linh hồn tiên tổ, đất nước đang nhắc nhở, phù trợ và mong mỏi ở cậu bé chí lớn này.

Trong căn nhà nhỏ của ông, tường phòng khách treo chật tranh. Ông nói muốn ngắm chúng hàng ngày, để có thể nhìn thấy rõ từng cái hay, cái dở. Ông chỉ cho tôi những bức tranh ông vẽ Bác Hồ. Bức gò nhôm “Vui bên Bác” có kích cỡ khá lớn, tập hợp nhiều chi tiết nổi chìm chứng tỏ sự tỉ mẩn gọt dũa. Trung tâm bức ảnh là hình ảnh Bác Hồ tươi cười, âu yếm cùng các cháu thiếu nhi nắm tay nhau nhảy múa chung quanh. Gây cảm giác vui tươi hân hoan là những chi tiết chim, hoa, cây, mây, lá được xen vào các khoảng trống, vừa làm nền làm cầu nối gắn kết các chủ thể. Bức phù điêu gò nhôm “Lời đất Việt” cũng là một tác phẩm đầy sức truyền cảm. Với bố cục giản dị, hài hòa, tạo được không gian vừa thực, vừa ảo rộng lớn, hình ảnh Bác đăm chiêu bên bàn viết, nền xa là hình cờ Tổ quốc với ngôi sao 5 cánh tỏa rạng, một cành trúc mềm mại phía sau lưng Bác, chiếc ghế mây giản dị Người ngồi... Tất cả đã tạo nên cảm giác thiêng liêng, tạo một trường liên tưởng rộng lớn về hình tượng Bác cho người xem... Còn bức “Lụa tặng già”, với chất liệu tổng hợp và phong cách tranh dân gian đã gợi niềm xúc động lớn lao khi thể hiện một Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi, mộc mạc, đầy tình thương yêu. Đôi tay Người cẩn trọng nâng tấm áo lụa tặng cho một bà cụ lưng còng...

Là một trong những họa sỹ thành công trong sáng tạo về đề tài Bác Hồ, Trần Minh Châu còn được bạn bè đồng nghiệp, giới Mỹ thuật ghi nhận ở nhiều mảng đề tài khác: chiến tranh, góc nhìn tuổi thơ, con người trong lao động sản xuất, chiến đấu. Ông cũng là tác giả của nhóm tượng “Truông Bồn chiến thắng” và những tác phẩm tiêu biểu được các giải thưởng như: “Chúng nó lại đến” (khắc gỗ), “Qua suối” (gò nhôm), “Huyền thoại những cô gái mở đường” (gò nhôm), “Hương đầu” (đất nung), “Nước về” (sơn khắc), “tần tảo’ (đất nung) “Kêu cứu” (đất nung)... Đồng nghiệp nhận xét tác phẩm của ông giàu tính sáng tạo trong ý tưởng, hài hòa về bố cục và đậm đà, sâu lắng chất nhân văn của con người xứ Nghệ.

Bao nhiêu năm làm nghệ thuật, người ta luôn thấy một Trần Minh Châu tần tảo, “kiên trì theo đuổi lối vẽ hiện thực, chân phương, giản dị để phản ánh nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội và những nhân vật gắn bó với sự phát triển của lịch sử” (nhà điêu khắc Trần Tuy). Và ông luôn cảm ơn cuộc đời đã cho ông có được đam mê với hội họa. Đã kinh qua nhiều nhiệm vụ, có “chân” trong nhiều hội: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn nghệ Nghệ An... Về hưu từ năm 2002, nhưng lại càng tất bật với tranh và tượng, Trần Minh Châu đã cho thấy sáng tạo với ông là hạnh phúc. Ông nhắc về miền quê Nam Đàn, nhắc về ông bố nông dân mê hát tuồng, bà mẹ yêu thơ phú của mình với đầy yêu thương, tự hào!

Và trong sâu thẳm, thiêng liêng nhất của tâm hồn mình, ông luôn dành sự ngưỡng vọng tới Bác Hồ. Tấm gương sáng của Bác là nguồn sống, là hành trang nghệ thuật suốt cuộc đời. Ông ao ước mình có thể sáng tạo được một tác phẩm “có thể là tranh, có thể là tượng thật lớn về Bác, một tác phẩm mà tôi diễn tả được trọn vẹn vẻ đẹp của Người” để lại cho quê hương.


Bài, ảnh: Thùy Vinh

Mới nhất
x
“Bác mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO