Bác nói, đồng bào nghe rất rõ!

01/09/2011 18:35

Ngày 2/9/1945, trong khi Bác đang đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, đến nửa chừng thì Bác dừng lại và hỏi: "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”, “Có!” Cả triệu triệu người có mặt và không có mặt lúc đó tại Quảng trường Ba Đình đồng thanh đáp, tiếng vang dậy như sấm rền. Người nói, đồng bào nghe rất rõ. Từ giây phút này, Hồ Chí Minh cùng với biển người, cùng với cả dân tộc Việt Nam hòa làm một, trở thành sức mạnh vô song!

(Baonghean) – Ngày 2/9/1945, trong khi Bác đang đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, đến nửa chừng thì Bác dừng lại và hỏi: "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”, “Có!” Cả triệu triệu người có mặt và không có mặt lúc đó tại Quảng trường Ba Đình đồng thanh đáp, tiếng vang dậy như sấm rền. Người nói, đồng bào nghe rất rõ. Từ giây phút này, Hồ Chí Minh cùng với biển người, cùng với cả dân tộc Việt Nam hòa làm một, trở thành sức mạnh vô song!

Văn trong “Tuyên ngôn Độc lập” Bác Hồ trịnh trọng đọc tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, ngày 2/9/1945, là văn chính luận. Văn chính luận chủ yếu thuyết phục người đọc, người nghe bằng lý lẽ. Lợi khí của nó là lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, cùng những bằng chứng khó ai chối cãi được. Nếu có sử dụng hình ảnh, gợi đến tình cảm thì cũng để phụ giúp thêm sức thuyết phục cho lý lẽ mà thôi.

Mở đầu của “Tuyên ngôn Độc lập”, Bác viết ngay: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đấy là những lời bất hủ trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ, năm 1776. Tiếp theo, Bác còn dẫn một câu trong “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Vừa khéo léo vừa cương quyết, Hồ Chí Minh qua “Tuyên ngôn Độc lập” đã khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc ta bằng chính những lời lẽ của tổ tiên người Mỹ, người Pháp đã ghi trong hai văn bản quan trọng.

Khi tiến hành phân tích, đánh giá văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước đã so sánh tác phẩm chính luận này từ những khía cạnh quốc tế đặc sắc…GS.Nguyễn Đăng Mạnh có lần tự hào khẳng định: “Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam mà nhắc đến hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử nhân loại của hai nước lớn như thế, thì cũng có nghĩa là đặt ba cuộc cách mạng ngang hàng nhau, ba nền độc lập ngang hàng nhau, ba bản Tuyên ngôn ngang hàng nhau” (1). Còn PGS.Nguyễn Quốc Hùng cũng so sánh để nêu nhận xét sau: “Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng câu trích từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ… Có thể nói đây là một trong những câu hay nhất, có giá trị nhất trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Tuy cách xa nhau tới 169 năm và cũng khác xa nhau về hoàn cảnh lịch sử, nhưng hai bản Tuyên ngôn Độc lập ấy lại có những điều trùng hợp nhau thật lý thú!” (2). Sự trùng hợp giữa các giá trị bền vững, càng góp phần tôn vinh “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Việt Nam mới. Tuy vậy, những nét riêng, sự khác nhau giữa các bản Tuyên ngôn cũng là một hướng tìm tòi, nghiên cứu cần thiết và có nhiều triển vọng.

Bà Lady Borton là một phụ nữ Mỹ có nhiều gắn bó với nước ta. Thời chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, bà là thành viên trong tổ chức Quaker, làm những công việc từ thiện. Những năm gần đây, trong số các hoạt động văn hóa xã hội tại nước ta, bà vẫn còn tham gia với nhiều việc làm có ý nghĩa, trong đó có nhiều lần bà cung cấp những tư liệu lịch sử quý giá giúp chúng ta tham khảo… Riêng tôi, lấy làm tâm đắc với một bài báo chưa đầy 700 chữ khi dịch qua tiếng Việt, của bà Lady Borton: “Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ” (3). Trong bài, tác giả có một so sánh thật tỉ mỉ nhưng cũng hết sức sâu sắc, thuyết phục. Bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ viết: “Chúng tôi coi đây là chân lý hiển nhiên (ý nói tới quyền Bình đẳng – K.H chú thích), rằng mọi đàn ông (trong văn bản tiếng Anh là các chữ all men) sinh ra đều bình đẳng”. Năm 1776, thời điểm “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ được soạn thảo thì khái niệm all men (mọi đàn ông) được hiểu là đàn ông da trắng có sở hữu, mà ở đây là sở hữu nô lệ da đen. Phải mãi 95 năm sau, đàn ông da đen mới có quyền đi bầu cử, và 50 năm sau nữa quyền đó mới đến lượt phụ nữ Mỹ da đen. Trong khi đó, khác với “Tuyên ngôn Độc lập” của Mỹ, Hồ Chí Minh bắt đầu bằng câu: “Tất cả mọi người (viết theo tiếng Anh là all people) đều sinh ra có quyền bình đẳng…”. Bà Lady Borton nhận xét: Cách chọn từ của Cụ Hồ trong lời kêu gọi “Hỡi đồng bào cả nước” rõ ràng chỉ ra được ý định tập hợp tất cả mọi người dân trong cả nước. Tuyên ngôn của Bác bao hàm ngôn ngữ tổng hợp, như dân, nhân dân, dân tộc; đó cũng là những từ chính thức dùng để chỉ bất kỳ dân tộc nào trong 54 dân tộc anh em thuộc cộng đồng dân tộc Việt Nam!

---------------------------
(1). Giảng Văn học Việt Nam, nhiều tác giả, GS.Trần Đình Sử chủ biên, NXB Giáo dục, Hà Nội, tái bản lần thứ 10, 2005, tr. 487.
(2). Một số chuyên đề lịch sử thế giới, tập II, nhiều tác giả, GS.Vũ Dương Ninh và PGS.TS. Nguyễn Văn Kim chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 225.
(3). Hồ Chí Minh, hiện thân của Văn hóa Hòa bình, nhiều tác giả, Dương Trung Quốc và Đào Hùng chủ biên, Tạp chí Xưa và Nay hợp tác với NXB Văn hóa Sài Gòn, 2005, tr.933.
(4). Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập, Vũ Thị Kim Yến và Nguyễn Văn Dương biên soạn, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2009, tr. 34.


Kim Hùng

Mới nhất
x
Bác nói, đồng bào nghe rất rõ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO