Bắc Sơn nói “không” với ma túy
(Baonghean) - Xã vùng sâu Bắc Sơn (Quỳ Hợp) hiện có 415 hộ với 1.874 nhân khẩu thuần đồng bào dân tộc Thái. Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, những năm qua, Bắc Sơn đặc biệt quan tâm phòng ngừa tệ nạn xã hội, quyết không để ma túy xâm nhập địa bàn...
Như rất nhiều xã vùng sâu khác trên địa bàn miền Tây Nghệ An, những năm qua Bắc Sơn cùng chuyển mình hội nhập. Con em không còn quanh quẩn với thửa ruộng, vườn cây, nương rẫy... Người vào miền Nam làm công nhân, người ngược huyện bạn Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn và sang tận nước bạn Lào làm ăn. Cái được về kinh tế thì đã thấy rõ bởi từ nguồn tiền có được nhờ đi làm ăn xa đã giúp rất nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo. Có một cái “được” nữa khó cân đong đo đếm, đó là con em Bắc Sơn không mắc các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, không mang tệ nạn, ma túy về bản.
Theo Chủ tịch xã Bắc Sơn - Lương Văn Kình thì tính đến nay toàn xã chưa phát hiện đối tượng mua bán, tàng trữ hoặc sử dụng ma túy. Các tệ nạn như mại dâm, lô đề, cờ bạc... cũng không có. Cuộc sống ở Bắc Sơn tuy chưa khá giả, sung túc nhưng bình yên.
Lãnh đạo xã Bắc Sơn trao đổi với già làng việc phòng ngừa ma túy. |
Tìm hiểu mới hay, để có được thành quả đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ nhiều năm trước, lãnh đạo xã Bắc Sơn đã xác định quá trình hội nhập kinh tế thị trường, bên cạnh cái tốt, cái hay, sẽ có nhiều mặt trái. Nếu không lo “gạn đục khơi trong” thì tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy sẽ có nguy cơ xâm nhập địa bàn, hậu quả sẽ khôn lường. Hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi, xây dựng bản làng không ma túy, Bắc Sơn đã sớm thành lập ban chỉ đạo từ xã đến tận xóm, bản. MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tiến hành phân công chỉ đạo, theo dõi nắm tình hình cơ sở, xây dựng các chương trình hành động phòng chống tệ nạn xã hội và ma túy.
Chỉ trong thời gian ngắn, 7/7 bản trong toàn xã đều xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa tệ nạn xã hội và ma túy, đưa nội dung phòng ngừa ma túy vào hương ước của bản. Các chương trình hành động đồng loạt được triển khai: Đoàn Thanh niên với phong trào “Nói không với ma túy”, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB thực hiện ký cam kết xây dựng gia đình hội viên không ma túy…Hàng tháng tổ chức giao ban liên ngành giữa MTTQ, các đoàn thể và ban công an xã để kịp thời nắm bắt tình hình. Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, 3 mô hình khu dân cư tiên tiến không tệ nạn xã hội và ma túy ở bản Vi, bản Nháo, bản Hiêng đã được ra đời. Từ thành công của 3 mô hình này, địa phương đã đúc rút kinh nghiệm và nhân rộng ra địa bàn toàn xã.
Với quyết tâm không để ma túy xâm nhập địa bàn, cùng với việc làm tốt khâu quản lý khách vãng lai, tạm trú, tạm vắng, Bắc Sơn luôn quan tâm đến những con em đi làm ăn xa, đặc biệt là những người đi làm ăn ở các vùng điểm nóng về ma túy. Những già làng, người có uy tín như cụ Lương Văn Tài (bản Hiêng), Lô Văn Ngân (Pá Pục), Vi Văn Dũng (bản Vi), Lô Đức Thuận (bản Mánh)... đã tích cực phát huy vai trò, khi mỗi lần có con em đi làm ăn ở vùng điểm nóng về ma túy là họ kịp thời gặp gỡ, động viên, dặn dò.
Bên cạnh bước triển khai đồng bộ và hiệu quả như vừa nêu, với phương châm “lấy cái tốt để ngăn ngừa cái xấu”, Bắc Sơn đặc biệt chăm lo xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có sức lan tỏa rộng lớn, đến nay 6/7 bản đã được công nhận là “Bản Văn hóa”. Hàng năm, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, vui lăm vông rượu cần… thường xuyên được tổ chức; CLB Văn hóa dân gian cũng đã sớm ra đời, tạo sân chơi, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tất cả đã dệt nên sự đồng thuận để Bắc Sơn nói “không” với ma túy và tệ nạn xã hội!
Bài, ảnh: Cao Duy Thái