Bài 1: Bỏ học do đâu?
So với năm ngoái, số học sinh bỏ học các cấp trên địa bàn tỉnh năm nay có giảm. Hiện toàn tỉnh có 2.837 học sinh các cấp bỏ học (tính đến thời điểm 31/5/2013). Trong đó, số học sinh THCS, Bổ túc THCS (1.096 em) và THPT, Bổ túc THPT (1.696 em) bỏ học chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng gia tăng. Nhằm ngăn học sinh bỏ học, cần tìm ra một giải pháp căn cơ, thiết thực, phù hợp cho từng đối tượng.
(Baonghean) - So với năm ngoái, số học sinh bỏ học các cấp trên địa bàn tỉnh năm nay có giảm. Hiện toàn tỉnh có 2.837 học sinh các cấp bỏ học (tính đến thời điểm 31/5/2013). Trong đó, số học sinh THCS, Bổ túc THCS (1.096 em) và THPT, Bổ túc THPT (1.696 em) bỏ học chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng gia tăng. Nhằm ngăn học sinh bỏ học, cần tìm ra một giải pháp căn cơ, thiết thực, phù hợp cho từng đối tượng.
Lớp học nghề gò hàn tại Trường Trung cấp nghề huyện Yên Thành.
Ảnh: Đức Chuyên
Chuyện học sinh bỏ học sau hè không còn mới mẻ, đã diễn ra triền miên trong nhiều năm, đỉnh điểm là năm học 2007-2008, cả tỉnh có gần 9.000 em bỏ học. Đến năm học 2012-2013, số học sinh bỏ học giảm xuống còn 2.837 em. Có được kết quả đó là nhờ những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã có sự vào cuộc tích cực, các nhà trường đã tăng cường các giải pháp giữ chân học sinh.
Vào đầu năm học 2012-2013, UBND Thành phố Vinh có Công văn yêu cầu chủ tịch UBND các phường, xã, hiệu trưởng các nhà trường tăng cường các biện pháp quản lý học sinh, giám sát việc học chuyên cần của các em; phối hợp với các lực lượng giáo dục, với gia đình học sinh để duy trì sĩ số hàng ngày, chống hiện tượng học sinh bỏ tiết, nghỉ học không có lý do; quan tâm giáo dục học sinh cá biệt, chậm tiến. Khi có học sinh bỏ học, hiệu trưởng phải trực tiếp chỉ đạo kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức vận động, hỗ trợ giúp đỡ để học sinh tiếp tục đến trường. UBND các phường, xã có trách nhiệm cùng nhà trường động viện bằng vật chất và tinh thần những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật chăm ngoan, học giỏi.
Tại huyện miền núi Quỳ Châu, để ngăn chặn học sinh bỏ học, UBND huyện đã ban hành công văn chỉ đạo, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, các giải pháp được tập trung ưu tiên thực hiện là: tổ chức tốt đời sống văn hoá trong nhân dân; tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ, sự tác động của giáo dục đến đời sống kinh tế - xã hội; bảo đảm chính sách cho học sinh đầy đủ và kịp thời theo quy định; mở rộng các loại hình dạy nghề để thu hút thanh niên; đảm bảo dịch vụ internet và trò chơi trực tuyến hoạt động đúng quy định; bảo đảm an ninh khu vực trường học và nơi nội trú để không ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh và để học sinh an tâm tới trường; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học cao và không để cho học sinh phải bỏ học do khó khăn về đời sống.
Cùng với Vinh và Quỳ Châu, ngày 3/1/2013, Huyện ủy Con Cuông cũng đã ban hành Chỉ thị số 20 về tăng cường công tác phổ cập giáo dục và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
Song song với đó, việc các cơ quan, đơn vị, đoàn thể cấp tỉnh nhận giúp đỡ học sinh nghèo; phong trào “3 đủ” đảm bảo cho các em đến trường cùng với các chương trình “Thắp sáng ước mơ”, học bổng “Em không phải bỏ học”… đã kịp thời hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học cao… Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần qua từng năm.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số học sinh THCS và THPT có xu hướng gia tăng bỏ học. Trong 2.837 em bỏ học hiện nay thì học sinh Tiểu học chỉ có 45 em, THCS và Bổ túc THCS 1.096 em, THPT và Bổ túc THPT 1.696 em. Chuẩn bị bước vào năm học mới, song con số học sinh bỏ học không thay đổi nhiều, thậm chí có dự báo sau hè xu hướng sẽ tăng.
Kết thúc năm học 2012-2013, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu (Quỳnh Lưu) có 32 học sinh bỏ học, 4 học sinh chuyển trường và 5 em chuyển sang học nghề. Số học sinh bỏ học có ở cả 3 khối lớp 10, 11 và 12 nhưng chủ yếu là khối lớp 10. Ông Lê Đức Thục, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay số học sinh bỏ học tăng so với năm ngoái. Nhằm giảm số học sinh bỏ học, các trường đã thực hiện nhiều giải pháp song vẫn không hiệu quả. Vào đầu năm học, trường chỉ đạo các tổ bộ môn kiểm tra, lập danh sách để phụ đạo cho học sinh yếu và trao đổi với phụ huynh những biện pháp giúp đỡ các em. Với những học sinh vắng học 1 hoặc 2 buổi, trường phối hợp với địa phương vận động trở lại lớp song vẫn không làm giảm được số học sinh bỏ học trong năm…”.
Ở Trường THPT Nghi Lộc 5, kết thúc năm học vừa qua, cả trường có 60 em bỏ học. Theo nhiều giáo viên, nguyên nhân là do nhiều năm nay, tất cả học sinh tốt nghiệp THCS ở đây đều được vào lớp 10 công lập, trong đó có những em nền tảng kiến thức yếu không thể theo được chương trình THPT. Chính vì thế, sau một thời gian học ở trường THPT, học sinh dần bỏ học. Thời điểm bỏ học nhiều nhất là sau học kỳ II và sau hè.
Theo phân tích, trong số 2.837 em bỏ học trong năm học vừa qua thì có đến 40% học sinh bỏ học do học lực kém; 35% do hoàn cảnh khó khăn và còn lại do nhiều nguyên nhân khác. Số này, sau khi bỏ học giữa chừng, rất ít em chuyển sang học nghề mà đa số lựa chọn con đường vào Nam làm thuê. Song hiệu quả của phong trào “Nam tiến” này lại rất thấp, do không có tay nghề nên các em khó kiếm được việc làm hoặc phải làm những công việc nặng nhọc song đồng lương thấp. Vì vậy, sau một thời gian nhiều em đành phải trở về địa phương kéo theo đó là các tệ nạn xã hội.
Ông Bạch Hưng Nam, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) cho biết: “Số học sinh tốt nghiệp THCS không học lên lớp 10 và số học sinh học dở THPT bỏ học giữa chừng trên địa bàn xã khá đông. Tuy nhiên, số học sinh học nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các em thường đi lao động tự do ở miền Nam, sau một thời gian, tay trắng trở về quê tụ tập, lêu lổng, sa vào tệ nạn đánh bài, đánh nhau… khiến chính quyền địa phương hết sức lo ngại.”
Riêng xóm Tây Lợi (xã Văn Lợi, Quỳ Hợp) có 5 học sinh bỏ học. Dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng các em không muốn trở lại trường. Em Trương Quỳnh Tr. cho biết: “Em học dở lớp 11, nhưng không theo kịp chương trình, có học cũng chẳng tiếp thu được gì, lấy bằng cấp 3 rồi cũng không học lên được nữa, rồi cũng quanh quẩn với nương, rẫy nên nghỉ…”
Đã rõ, một khi học lực hạn chế, không thể tiếp nhận thêm kiến thức thì cần thiết có sự phân luồng, định hướng cho các em theo học nghề, chứ không nhất thiết phải vận động các em quay trở lại trường để đảm bảo sĩ số. Vì như vậy, chính bản thân các em khi bị ép buộc cũng thấy không hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng chung của lớp, của trường, lại tốn kém kinh tế và lãng phí thời gian. Do đó, giải quyết vấn đề học sinh bỏ học rất cần một giải pháp căn cơ giành riêng cho từng cấp học, từng đối tượng, từng địa phương.
Thanh Phúc