Bài 1: Bức tranh màu xám
(Baonghean.vn) Công viên Trung tâm Tp. Vinh và Nhà Văn hóa Lao động tỉnh - hai công trình được xem là điểm nhấn của Tp. Vinh, được quy hoạch nhằm tạo nơi vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương. Song, hiện nay một thực tế đáng buồn là các công trình trên vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, hoặc được sử dụng trái mục đích, tạo nên nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân....
Đã đi vào hoạt động được 7 năm, không thể phủ nhận giai đoạn đầu Công viên Trung tâm thu hút rất nhiều du khách và nhân dân trong, ngoài tỉnh đến tham quan, vui chơi giải trí. Nhưng hiện nay, công viên đang càng ngày càng đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều điểm vui chơi lâm vào tình cảnh phơi mưa, phơi nắng dẫn đến rỉ sét. Tại khu trò chơi đu dây mạo hiểm, máy móc bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, phần lõi của tháp phục vụ trò chơi giờ trở thành kho chất đầy thuyền, ghế... đã bị hư hỏng nặng. Tương tự là Nhà chiếu hình vũ trụ- công trình viện trợcủa Nhật Bản dành cho Việt Nam cũng bị để hoang. Toàn bộ ngôi nhà kiến trúc độc đáo được trang bị máy móc hiện đại có giá trị gần 8 tỷ đồng này hầu như không thể sử dụng. Các cửa ra vào đều bị chặn lại bằng rọ tre, cây cối mọc um tùm.
Mặc dù là ngày nghỉ nhưng lượng khách đến vui chơi, giải trí ở Công viên Trung tâm rất ít
Sở dĩ có tình trạng trên một phần là do giá vé vào công viên quá cao so với mức thu nhập của người dân lao động. Để vào công viên, khách đồng thời phải mua vé vào cổng với mức 20 ngàn đồng/người lớn và trẻ em 1,4m trở xuống 15.000 đồng, còn trên số đo đó cũng 20.000 đồng. Ngoài ra, khi tham gia mỗi trò chơi khác nhau, khách đều phải trả trung bình từ 15-20 ngàn đồng. Cách tính giá vé dịch vụ theo kiểu cộng dồn như vậy khiến lượng người đến với Công viên Trung tâm cứ giảm dần.
Theo ý kiến của nhiều người dân, mỗi lần vào công viên riêng tiền vé thôi cũng ngốn một khoản kha khá nên phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. "Vợ chồng tôi chỉ là công chức, nếu cứ dẫn cháu vào chơi công viên thường xuyên chắc không trụ nổi. Mỗi tháng chỉ cho cháu đi một hai lần là "sang" lắm rồi", anh Cao Tuấn Hải, phường Lê Mao cho biết.
Ngoài ra, người dân sống tại các khu vực xung quanh cũng tỏ ra không mấy hài lòng khi cách có mấy bước chân nhưng muốn hưởng không khí mát mẻ của công viên bây giờ cũng phải bỏ tiền mua vé, không tiền miễn vào, dù là để đi dạo bộ. "Khi mới thành lập và đi vào hoạt động, Công viên Trung tâm tặng cho mỗi người cao tuổi một thẻ vào tập thể dục, nhưng được hơn một năm thì dừng lại, nên người cao tuổi sống trên địa bàn phường cũng không thể vào được vì giá vé quá cao" - Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Lê Mao bức xúc.
Nhà Chiếu hình vũ trụ bị bỏ hoang nhiều năm nay
Dư luận trong nhân dân càng bức xúc hơn khi lãnh đạo Công ty Trung Long (chủ đầu tư Công viên Trung tâm) sử dụng mặt bằng và nhà chờ phục vụ cho mục đích kinh doanh trái với quy hoạch chi tiết đã được duyệt. Trong đó, nhức nhối nhất là nhà hàng Suối Mơ nằm trọn trong khuôn viên công viên và được ưu tiên mở hẳn một cổng riêng để đón khách.
Bên cạnh đó, một loạt các cơ sở kinh doanh mọc lên xung quanh công viên như: shop Mr Lee; nhà trưng bày và bán sản phẩm gốm sứ Cảnh Đức, chấn Giang Tây, Trung Quốc; quán cà phê Quảng trường... trái với quy hoạch chi tiết đã được tỉnh phê duyệt gây mất mỹ quan, phá vỡ không gian kiến trúc ở khu vực trung tâm Tp Vinh. "Công viên mà xen lẫn với các nhà hàng ăn uống thì lộn xộn lắm! Công viên ra công viên, nhà hàng ra nhà hàng chứ không thể nhập nhằng mãi như vậy được", anh Ngô Văn Toàn, một khách thăm quan nhận xét. Nhìn vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả và sử dụng mặt bằng cho mục đích kinh doanh như hiện nay của Công viên Trung tâm Tp Vinh nhiều người không khỏi bức xúc, vì đây là một công trình nhận được rất nhiều ưu đãi của tỉnh trong quá trình đầu tư xây dựng về thuế, giá thuê đất, tín dụng... Không những thế để có khu đất này, hàng trăm hộ dân đã phải di dời, hàng chục công trình trước đó đã phải tháo dỡ để tạo mặt bằng...
Hàng xóm của Công viên Trung tâm Tp Vinh là Nhà Văn hóa Lao động tỉnh cũng diễn ra nhiều sai phạm về xây dựng và sử dụng sai mục đích các công trình. Trong khuôn viên mọc lên nhiều quán ăn nhậu như bia Á Châu, nhà hàng Đại Dương... và dãy quán bia gần khu vực hồ bơi... các sân cỏ nhân tạo, sân tennis... thậm chí có cả vũ trường với mục đích kinh doanh thu lợi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay để tham gia chơi bóng đá ở đây trung bình khách phải trả 350 ngàn đồng/ giờ. Đành rằng, việc tạo sân chơi thể thao là cần thiết nhưng cứ nhìn vào giá thuê sân, bãi ở đây thì những người thu nhập thấp, hoặc các em nhỏ rất khó có cơ hội tiếp cận với những sân chơi này. Đó là chưa kể trong thời gian gần đây, có dư luận về việc các hoạt động chơi bóng ở đây biến tướng thành hình thức cá độ.
Chức năng của Nhà Văn hóa Lao động được ghi rõ trong điều 7, Quyết định số 1493/QĐ-TLĐ ngày 17/11/2009 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như sau: "Nhà Văn hóa Lao động là trung tâm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; trung tâm tập hợp, tuyên truyền giáo dục công nhân, viên chức, lao động; trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ và hạt nhân cho phong trào cơ sở; nơi thu hút công nhân, viên chức lao động và nhân dân đến vui chơi, giải trí, thụ hưởng và sáng tạo văn hóa, thể thao lành mạnh". Quy định đã rõ ràng, nhưng thực trạng hiện tại ở Nhà Văn hóa Lao động tỉnh khiến dư luận tỏ ra băn khoăn và đặt câu hỏi: Các hàng quán phục vụ ăn nhậu như Á Châu... sẽ giúp Nhà Văn hóa Lao động tỉnh thực hiện chức năng tập hợp, tuyên truyền, bồi dưỡng... cho công nhân, viên chức, nhân dân như thế nào đây?
Hai công trình được kỳ vọng tạo điểm nhấn cho bộ mặt đô thị Tp Vinh và tỉnh Nghệ An đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận trong nhân dân bởi tại sao vi phạm tại hai công trình nằm ngay trung tâm TP.Vinh lại có thể tồn tại một cách ngang nhiên như vậy? Trách nhiệm thuộc về ai?
(còn nữa)
Nhóm Phóng viên