Bài 1: Cần tăng cường đối thoại nơi làm việc

22/07/2013 17:01

(Baonghean) - Trong 3 ngày (từ 17- 19/7), gần 2.800 công nhân làm việc tại công ty may PREX Vinh đóng ở xã Lạc Sơn - Đô Lương đã đình công, đòi quyền lợi. Đây là lần thứ 2 xẩy ra đình công tại công ty may PREX Vinh sau hơn 2 năm đi vào hoạt động. Điều này đặt ra vấn đề cần quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa công ty và người lao động ở Công ty May Prex vinh cùng sự giám sát, quản lý của các ngành chức năng đối với hoạt động của công ty này.

Có thể nói, mặc dù cả 2 lần đình công của công nhân tại Công ty may Prex Vinh đều không đúng theo trình tự quy định của pháp luật, nhưng điều đó cho thấy, tại doanh nghiệp này đang có “vấn đề” trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động và thiếu sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức đoàn thể, các ngành chức năng và chính quyền địa phương...

Để dẫn đến vụ đình công, trước đó tại Công ty may Prex Vinh đã xuất hiện những sự việc không bình thường (như mất điện không rõ lý do phải ngừng sản xuất, tại một số nơi tập trung đông người, có khẩu hiệu kêu gọi đình công…). Thế nhưng, tổ chức công đoàn công ty không nắm bắt được tình hình đó để có phương án giải quyết kịp thời, hợp lý. Không những thế, tại cuộc đình công, ý kiến của các công nhân còn cho biết: “Công nhân vào công ty chỉ biết làm việc hết giờ rồi về, ngoài ra chưa được tham gia vào các buổi họp của công đoàn, hay do công ty tổ chức, nên trong quá trình làm việc nảy sinh những vấn đề khó khăn, bất cập không biết phản ảnh với ai”. Ngoài ra, trong thời gian xẩy ra đình công, lãnh đạo công ty đã quyết định sa thải 12 công nhân mà không có lý do chính đáng, thế nhưng không được cán bộ công đoàn công ty đứng ra bảo vệ.



Công nhân tập trung ở cổng Công ty may Prex Vinh. Ảnh: N.Khoa

Được biết, Tập đoàn KIDO (Hàn Quốc) đã đầu tư xây dựng một số nhà máy tại Việt Nam (trong đó có Công ty may Prex Vinh), nên tập đoàn, công ty đã nghiên cứu và nắm vững luật pháp của Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý chỉ đạo sản xuất, lãnh đạo Công ty may Prex Vinh đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam (sa thải lao động không đúng quy trình, thái độ, hành vi ngược đãi đối với người lao động…).

Không những thế, trong Hợp đồng lao động với công nhân, công ty còn cố tình “ép” người lao động, như: Mục 3.1: Tiền lương và quyền lợi công ty quy định: Mức lương cơ bản là 1.848.000 đồng, nhưng trong đó lại bao gồm cả 5% phụ cấp độc hại, 7% phụ cấp tay nghề, 50.000 đồng phụ cấp xăng xe, 60.000 đồng phụ cấp chuyên cần, 50.000 đồng phụ cấp thâm niên, 50.000 đồng trợ cấp nuôi con nhỏ, tiền ăn trưa…. Trong khi đó, tại các công ty khác cùng hoạt động trên lĩnh vực này (trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước) thì trong hợp đồng thể hiện các loại phụ cấp trên nằm ngoài lương cơ bản. Hơn nữa, các loại phụ cấp của họ cũng cao hơn Công ty may Prex Vinh (chúng tôi sẽ đề cập ở bài sau).

Bên cạnh đó, một số quy định của Công ty may Prex Vinh quá khắt khe và chưa phù hợp với tác phong làm việc, tập quán của người dân địa phương (đó là quy định về giờ làm việc, bị trừ tiền vì bấm thẻ trước 3 giây so với hiệu lệnh chuông báo hết giờ làm việc).

Một điều rất dễ nhận thấy, tại Công ty may Prex Vinh, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp (nhất là người nước ngoài) và công nhân vẫn còn có “khoảng cách” khá lớn. Chính vì thiếu sự thân thiện, đồng cảm nên đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp. Trong đợt đình công vừa qua, khi lãnh đạo các cấp, ngành trong tỉnh tìm hiểu quy trình quản lý, cách tổ chức sản xuất tại công ty, đã rất băn khoăn trước việc doanh nghiệp chưa thực hiện công khai, minh bạch một số hoạt động gây nên sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các bộ phận làm việc.

Đặc biệt, công ty chưa tổ chức được các buổi đối thoại trực tiếp giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, để qua đó tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, giải quyết thấu tình, đạt lý những vấn đề nẩy sinh, bất cập. Theo ông Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch UBND huyện Đô Lương: “Nếu lãnh đạo Công ty may Prex Vinh thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với người lao động, thì sẽ không nẩy sinh ra những vấn đề phức tạp, làm thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động, cũng như các cấp, ngành liên quan trong tỉnh phải vào cuộc. Vấn đề này, lãnh đạo Công ty may Prex Vinh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm ngay”.

Qua vụ đình công tại Công ty may Prex Vinh cũng như ở những công ty khác trên địa bàn (Công ty Matrix ở khu CN Bắc Vinh, Công ty may Nghệ An…) thấy rằng, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn bị buông lỏng, nhất là đối với các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nhiều lao động, nên những vướng mắc, bất cập nẩy sinh tại doanh nghiệp chưa được các cấp, ngành chức năng hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời. Về phía các doanh nghiệp: nếu chỉ chú trọng lợi nhuận, coi thường người lao động, trả lương thấp thì tất yếu sẽ dẫn đến đình công hoặc làm việc theo kiểu đối phó, thiếu trách nhiệm. Khi đình công xẩy ra, chắc chắn doanh nghiệp là bên phải chịu thiệt hại lớn hơn cả.

(Còn nữa)

- Điều 63 và 64- Bộ Luật Lao động quy định: Đối thoại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc. Đối thoại nơi làm việc được thực hiện thông qua sự trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể người lao động với người sử dụng lao động nhằm đảm bảo quy chế dân chủ ở cơ sở. Người sử dụng lao động, người lao động có nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ.

Nội dung đối thoại tại nơi làm việc về: Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; Điều kiện làm việc. Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động. Yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động và các nội dung khác. Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 3 tháng 1 lần, hoặc theo yêu cầu của 1 bên. Địa điểm đối thoại do người sử dụng lao động bố trí.


- Điều 219 - Bộ luật Lao động: Hành vi bị cấm trước trong và sau đình công quy định: Cấm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đình công đối với người lao động, người lãnh đạo đình công, cấm trù dập, trả thù người lao động, người lãnh đạo đình công…

- Số liệu từ Cục Thuế Nghệ An cho biết: Công ty may Frex Vinh năm 2102 đã nộp thuế: 3.427.431.500 đồng tiền thuế đất, 346.512.556 đồng thuế GTGT; 1,3 tỷ đồng đồng thuế thu nhập cá nhân. Năm 2013, công ty đã nộp 889 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân.


Hoàng Vĩnh - Châu Lan

Mới nhất
x
Bài 1: Cần tăng cường đối thoại nơi làm việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO