Bài 1:Cầu Ngư - lễ hội truyền thống

14/08/2012 15:27

LTS: Mỗi vùng quê có một đặc điểm văn hóa khác nhau. Cùng với thời gian, văn hóa vùng ven biển Nghệ An, một mặt cố gắng giữ gìn văn hóa của cư dân biển, mặt khác vẫn phải chịu ảnh hưởng bởi sự biến đổi theo quy luật giao lưu tiếp biến văn hóa. Để giúp độc giả hiểu hơn về văn hóa làng biển Nghệ An xưa và nay, báo Nghệ An đề cập một số nội dung xung quanh vấn đề này.

(Baonghean) LTS: Mỗi vùng quê có một đặc điểm văn hóa khác nhau. Cùng với thời gian, văn hóa vùng ven biển Nghệ An, một mặt cố gắng giữ gìn văn hóa của cư dân biển, mặt khác vẫn phải chịu ảnh hưởng bởi sự biến đổi theo quy luật giao lưu tiếp biến văn hóa. Để giúp độc giả hiểu hơn về văn hóa làng biển Nghệ An xưa và nay, báo Nghệ An đề cập một số nội dung xung quanh vấn đề này.

Với 82 km bờ biển, Nghệ An – vùng đất miền Trung gió Lào cát trắng quanh năm phải đối mặt với biết bao thiên tai, lụt, bão. Nhưng thiên nhiên luôn ưu ái cho ngư dân nơi đây nguồn lợi dồi dào từ biển nên đời đời họ mang nặng nghĩa tình với biển. Chính vì lẽ đó mà từ bao đời nay, Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức hàng năm là lễ hội lớn nhất của ngư dân vùng biển Nghệ An.

Là đặc trưng cho vùng đất ven biển của Thị xã Cửa Lò, ở Nghi Thủy vẫn còn lưu giữ những phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội độc đáo. Hiện tại, trên địa bàn phường có hai ngôi đền có niên đại hàng trăm năm, đó là đền Mai Bảng và đền Yên Lương – nơi diễn ra Lễ hội Cầu ngư hàng năm.



Lễ hội cầu ngư bên bờ biển Quỳnh.

Theo cụ ông Trương Văn Ngọ (83 tuổi) – Trưởng Ban quản lý đền Yên Lương: Hàng năm, đền Yên Lương có 2 kỳ lễ trọng: Lễ Kỳ Yên vào Rằm tháng Hai (âm lịch) và Lễ Lục Ngoạt vào các ngày trung tuần tháng Sáu (âm lịch). Trong các kỳ lễ này, người dân tổ chức nhiều hoạt động thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa của ngư dân vùng biển như: rước kiệu nghinh thần, tế thần và các hoạt động lễ hội: chọi gà, đánh đu... Đặc biệt, Lễ Lục Ngoạt đã trở thành lễ hội truyền thống của ngư dân làng Yên Lương. Lễ diễn ra vào 3 ngày (14, 15, 16) tháng 6 âm lịch với lễ yết cáo trời đất, lễ rước kiệu, lễ đại tế, lễ cầu ngư.

Với mỗi ngư dân nơi đây, Lễ hội Cầu Ngư là một trong những lễ hội quan trọng nhất, là ngày hội lớn của cả làng, trong những ngày diễn ra lễ hội, tất cả các ngư dân đều nghỉ không đi biển. Trước đây, lễ hội diễn ra mỗi năm một lần nhưng hiện nay do nhiều yếu tố, định kỳ 3 năm, làng Yên Lương sẽ tổ chức đại lễ. Lễ hội được diễn ra vào rằm tháng 2 âm lịch.

Trong ngày lễ, dân làng rước dấu ấn của Ngài: Sát Hải Đại Vương (Thần cai quản biển), Thần Cô, Thần Cậu (Thần biển)… từ đền Yên Lương ra các thuyền ở cửa lạch để làm lễ phùng nghinh. Bàn thờ được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với biển cả và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Về phần hội, là các trò chơi dân gian vùng biển: thi đấu các môn thể thao, đua thuyền, chèo bơi. Với ý nghĩa sâu sắc đó nên trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền Nghi Thủy rất quan tâm và tổ chức với quy mô lớn vừa tạo khí thế thi đua lao động sản xuất, vừa bảo tồn phát huy nét văn hóa truyền thống của vùng biển. Đây cũng là mong ước của ngư dân với khát vọng vững vàng bám biển.

Ngư dân Trần Văn Hạnh (48 tuổi) ở khối 6, Nghi Thủy cho biết: Qua Lễ Cầu Ngư, chúng tôi mong muốn trời yên biển lặng, lưới đầy tôm, cá, đời sống ngư dân ấm no, hạnh phúc, con cháu ngư dân học hành giỏi dang, ngày càng tấn tới.

Biển cho người làng biển cuộc sống và cả những thách thức về sức mạnh của biển. Người làng biển Nghi Thủy trung thực, thẳng thắn, sớm tôi luyện được bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường dũng cảm, chung sức cộng đồng để chiến thắng thiên tai, giặc dã. Văn hóa làng Nghi Thủy phong phú, đa dạng, thể hiện rõ sắc thái miền biển và còn lưu giữ được nhiều tập tục hay. Vào ngày Rằm tháng Hai âm lịch hàng năm, bà con ngư dân đều có mặt ở đền làng thắp hương cầu nguyện cho một mùa ra khơi, vào lộng gặp nhiều may mắn.

Đặc biệt với người dân chài trước và sau mỗi lần ra biển không thể quên thắp nén nhang trước bàn thờ Cá Ông để được Ngài phù hộ. Hiện ngư dân Nghi Thủy vẫn còn gìn giữ, bảo quản hai xương sống Cá Ông tại đền Yên Lương. Ông Trương Ngọc Hài – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Nghi Thủy cho hay: Tục thờ Cá Ông đã có từ lâu đời của người dân nơi đây, nó trở thành một tín ngưỡng nằm trong đời sống sinh hoạt tâm linh của các ngư dân. Sau mỗi chuyến ra biển tôm cá đầy khoang, họ lại mang ra cúng "Ngài". Ngôi đền thờ Cá Ông qua nhiều biến động của lịch sử nay đã không còn nữa. Sau khi đền Yên Lương được trùng tu, tôn tạo lại, nhân dân đã rước “Ngài” về phối thờ tại đền.

Cùng với Nghi Thủy của Thị xã Cửa Lò, ngư dân Sơn Hải (Quỳnh Lưu), tổ chức Lễ hội Cầu Ngư vào dịp đầu Xuân năm mới. Đây là một lễ hội có truyền thống từ xa xưa, nguồn gốc ra đời rất ít người biết đến, người dân Sơn Hải chỉ nghe các cụ kể lại rằng: Thời xưa đây là một lễ hội có tính chất và quy mô hoành tráng nhất nhì so với các địa phương xung quanh, nhưng lễ hội này đã có một thời gian gần 50 năm bị thất truyền.

Vì vậy, ngày nay để khôi phục tổ chức lại lễ hội này, cán bộ và nhân dân xã Sơn Hải đã phải bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu, điều tra và sưu tầm ở một số lễ hội khác. Từ đó dần dần nâng cấp và hoàn thiện, tạo cho nó một dấu ấn, đặc trưng riêng. Theo phong tục, Lễ hội Cầu Ngư trước đây được tổ chức vào hai ngày mồng 6 và mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Nhưng do điều kiện thực tế hiện nay, thời gian tổ chức lễ hội không còn bắt buộc và cố định về ngày giờ nữa. Căn cứ vào con nước lên xuống, cứ trúng vào ngày nào con nước lên to nhất, tàu thuyền có thể ra khơi xa được trong tháng Giêng thì ngày đó ngư dân sẽ tổ chức Lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội gồm có 2 phần chính là phần lễ và phần hội.

Phần lễ bao gồm: lễ khai quang, yết cáo, cầu ngư, đại tế, lễ tạ tại các điểm rước kiệu qua như đình Trung, đền Thơi, Đài tưởng niệm, chùa Thanh Sơn. Phần hội bao gồm các hoạt động văn hoá văn nghệ và hai đoàn rước kiệu. Trong đó, một đoàn đi theo đường thuỷ gồm 7 thuyền lớn được trang trí lộng lẫy đi từ đình Trung đến đền Thơi, một đoàn theo đường bộ sẽ rước kiệu từ đình Trung xuống đền Thơi. Sau đó, hai đoàn tập trung làm lễ tại chùa Thanh Sơn và quay trở lại đình Trung. Các đoàn thể khi tham gia có trang phục thể hiện đặc trưng riêng của đoàn thể mình. Lễ hội thu hút hàng ngàn người dân cổ vũ tham gia trên bộ dưới thuyền hàng km dọc bờ biển.

Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VH-TT- DL cho biết: Dù với hình thức tổ chức khác nhau, nhưng Lễ hội Cầu Ngư của ngư dân vùng biển luôn mang một thông điệp chung “cầu cho trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, đời sống của ngư dân ngày càng ấm no, sung túc. Ngư dân luôn bám biển và sẵn sàng bảo vệ biển trời quê hương, dù cho sóng to gió lớn nhưng vẫn vững tay lái, tay chèo”.


Thanh Thủy

Mới nhất
x
Bài 1:Cầu Ngư - lễ hội truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO