Bài 1: Đa dạng tiềm năng
(Baonghean) - Tỉnh ta có 11 huyện, thị xã miền núi. Mỗi địa phương có một lợi thế khác nhau để phát triển cây trồng, vật nuôi. Từ trước đến nay, tỉnh và các địa phương vận dụng các chương trình đầu tư hỗ trợ của Chính phủ xây dựng mô hình phát triển kinh tế bằng cách đưa các giống cây, con vào nuôi trồng, nhằm tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc có việc làm, ổn định đời sống, song tiềm năng vẫn chưa được khai thác theo hướng đầu tư chiều sâu...
(Baonghean) - Tỉnh ta có 11 huyện, thị xã miền núi. Mỗi địa phương có một lợi thế khác nhau để phát triển cây trồng, vật nuôi. Từ trước đến nay, tỉnh và các địa phương vận dụng các chương trình đầu tư hỗ trợ của Chính phủ xây dựng mô hình phát triển kinh tế bằng cách đưa các giống cây, con vào nuôi trồng, nhằm tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc có việc làm, ổn định đời sống, song tiềm năng vẫn chưa được khai thác theo hướng đầu tư chiều sâu...
Các huyện miền núi Nghệ An có 13.750,1 km2, chiếm 83% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, trong đó vùng núi cao chiếm 58%. Dân số có gần 1,2 triệu người, chiếm gần 37% dân số toàn tỉnh. Trên chiều dài 419 km đường biên giới, có 4 cửa khẩu, kết nối giao thương với nước bạn Lào và phía Đông Bắc - Thái Lan. Với 4 tuyến giao thông chính, nối hành lang kinh tế Đông – Tây và đường Hồ Chí Minh, rất thuận lợi cho giao thương hàng hóa.
Bí xanh của đồng bào người Mông ở Tương Dương chất lượng cao, nhưng giá trị lại thấp.
Với diện tích rộng lớn nên miền Tây - Nghệ An có quỹ đất dồi dào với hệ đất feralit là chủ yếu, như đất đỏ đá vôi, đất đỏ vàng, đỏ nâu, đất ba zan… rất phù hợp với các cây trồng công nghiệp, cây ăn quả, trồng rừng, trồng cỏ, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, và có giá trị xuất khẩu, xóa đói giảm nghèo.
Ngoài ra, còn có đất phù sa ở thung lũng, sông suối chiếm tỷ lệ nhỏ, dùng để trồng lương thực cung cấp lương thực tại chỗ cho dân bản địa. Điều đặc biệt là vùng miền núi của ta nằm ở giao điểm các luồng đường giao thông từ Bắc vào
Thêm vào đó là mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất riêng. Vì thế vùng miền núi tỉnh ta có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và các ngành nghề khác nhau dựa vào đặc thù của từng dân tộc.
Từ nhiều năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhànước rất nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp dành cho các huyện miền núi. Nhiều địa phương đã vận dụng, khai thác tiềm năng của mình có hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Huyện Con Cuông nhiều năm qua đã phát triển diện tích chè công nghiệp, cam Bãi Phủ, rừng nguyên liệu. Huyện Kỳ Sơn chú trọng phát triển chè Tuyết shan, cây cánh kiến, hoa ly… Huyện Quế Phong mới đây đưa cây chanh leo vào trồng cho năng suất cao. Các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương từ lâu vẫn giữ các cây trồng thế mạnh, như chè, cao su, mía đường, cam.
Nhiều địa phương đã lợi dụng địa bàn đồi núi để phát triển các vật nuôi thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao: lợn rừng, lợn đen, nhím, dê, gà, trâu, bò. Ngoài ra, các địa phương còn xây dựng các mô hình điểm về cây trồng, vật nuôi bằng giống mới để bà con học tập, làm theo, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các giống bản địa. Rõ ràng cùng với sự quan tâm của nhà nước và sự cần cù chịu khó của đồng bào, cho nên những năm gần đây các huyện miền núi tỉnh ta đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế chung của tỉnh bằng cung cấp các nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông, lâm sản. Vì thế đời sống của đồng bào các dân tộc nhiều nơi đã cải thiện rõ rệt. Nổi bật là các địa phương: Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa.
Nuôi cá lồng trên thượng nguồn sông Lam cũng là tiềm năng của vùng miền núi.
Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, miền núi tỉnh ta còn rất nhiều tiềm năng để phát triển các loại cây trồng mang tính hàng hóa có giá trị cao mà chỉ có vùng miền núi mới trồng được, nhưng lại chưa khai thác. Mỗi vùng có lợi thế khác nhau phụ thuộc vào đất đai, tiểu vùng khí hậu và đặc thù của mỗi dân tộc. Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong đặc sản nông nghiệp có khoai sọ, bí xanh, gừng. Vùng Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ có cam, chè, rừng nguyên liệu.
Thế nhưng lâu nay, các mặt hàng như khoai sọ, bí xanh, gừng, dong riềng… phần lớn là do bà con các dân tộc trồng mang tính tự phát, dẫn đến khâu tiêu thụ không ổn định, hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Có nhiều ý kiến của cán bộ chủ chốt cấp xã cho rằng, nếu có sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và bà con thì đồng bào các dân tộc sẽ phát triển trồng gừng, bí xanh, dong riềng, khoai sọ.
Vì diện tích đất nương rẫy, đất vườn nhà đang bỏ không rất nhiều, trong khi trồng các loại cây này đầu tư thấp, lại phù hợp với miền núi. Đến một số bản người Mông của huyện Tương Dương thấy bà con thu hoạch bí xanh, khoai sọ, những quả bí nặng 5 – 8 kg, củ khoai sọ to bằng cái bát ăn cơm, được bà con gùi từ nương rẫy về chất đầy từ góc nhà ra tận cổng.
Thế nhưng khi hỏi về hiệu quả kinh tế thì bà con đều lắc đầu, vì giá bán quá thấp. Phần lớn người thu mua đến từ miền xuôi, thành phố, họ đánh xe ô tô vào tận bản thu mua về bán lẻ, hoặc nhập cho các nhà máy chế biến bánh kẹo, nước giải khát. Bà con các dân tộc cho biết, bí và khoai sọ chủ yếu trồng xen với lúa trên nương rẫy, không cần phải đầu tư chăm sóc, sau một năm cho thu hoạch. Thiết nghĩ, nếu được trồng theo hướng đầu tư chuyên canh và có sự vào cuộc của nhà nước thì chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn. Chỉ có trồng rừng nguyên liệu được xem là khả quan, song chưa có sự liên kết “3 nhà” nên sản phẩm còn bị ép giá.
Từ thực tế đó đã dẫn đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Đất đai bỏ không, đồng bào các dân tộc vào rừng lấy măng, khai thác lâm sản phụ… để kiếm ăn qua ngày. Có nhiều cán bộ khuyến nông cho rằng, sở dĩ các mô hình cây, con mặc dù năng suất cao nhưng bà con không áp dụng, vì không phù hợp với tập quán và mô hình chỉ thực hiện trong thời gian quá ngắn, bà con chưa kịp tiếp thu kinh nghiệm.
Vấn đề dễ nhận thấy là năm 1996, tỉnh ta có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện tại các huyện vùng rẻo cao Kỳ Sơn và Quế Phong, sau đó là có chủ trương vận động nhân dân trồng các loại cây ăn quả, như mận tam hoa, cây cánh kiến, khoai sọ, bí xanh, đào, hồng… Sau nhiều năm trồng và chăm sóc, hàng trăm ha cây ăn quả các loại phát triển và sản lượng trái cây tương đối lớn. Thế nhưng do khâu tiêu thụ không đảm bảo cho nên sản phẩm làm ra phần lớn tiêu thụ nội vùng, hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí không tiêu thụ được. Nguyên nhân đó dẫn đến đồng bào nhiều nơi lần lượt chặt bỏ vườn cây ăn quả. Và đến nay diện tích đó được thay thế bằng cây trồng gì, là vấn đề khó.
Đối với chăn nuôi, cũng chưa được khai thác phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền. Vùng miền Tây – Nghệ An có lợi thế phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đó là những vùng đất bãi đồi rất thuận lợi chăn thả trâu bò. Bên cạnh đó còn có nhiều diện tích đất dùng để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Trên thực tế, phần lớn đồng bào các dân tộc vẫn chăn nuôi theo hình thức thả rông, chất lượng đàn gia súc chưa cao, chủ yếu là bò địa phương, trọng lượng nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Mặc dù những năm qua, nhiều địa phương đã có chủ trương nâng cao chất lượng đàn trâu, bò bằng cách sind hóa, song tỷ lệ bê, nghé lai ngoại hàng năm sinh ra thấp, tỷ lệ trâu, bò đã được sind hóa chưa cao so với tổng đàn. Lợn đen, gà mông chân đen, cá lồng… nếu có số lượng lớn chắc chắn sẽ có nơi tiêu thụ, vì đối với miền xuôi hiện nay là đặc sản.
Tiềm năng rất lớn, đa dạng, song vẫn còn nghèo. Tiềm năng đương nhiên không tự nó trở thành giàu có, mà cần có sự đầu tư, có bàn tay khối óc con người mới biến tiềm năng thành hiện thực. Vấn đề còn là ở cách làm?.
Xuân Hoàng