Bài 1:Để mãi còn rộn tiếng chiêng ngân

17/11/2013 18:18

(Baonghean) - Nhạc cụ các dân tộc thiểu số ở Nghệ An chủ yếu được tạo tác từ tre nứa, gỗ, thanh âm thô mộc nhưng vẫn neo lại nơi lòng người. Đó là âm điệu thiết tha của chiếc khèn bè, khèn Mông, tiếng kèn lá thánh thót, giàn cồng chiêng rộn ràng, linh thiêng... Chuyên trang Miền núi - Dân tộc xin lần lượt giới thiệu loạt bài về một số nhạc cụ dân tộc thiểu số, để giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về những nhạc cụ này...

Tự bao đời nay, tiếng cồng chiêng đã là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc anh em miền Tây Nghệ An. một nét văn hóa hằn sâu trong tiềm thức, ở mạn Tây Nam huyện Quỳ Hợp, tiếng cồng chiêng luôn hiện hữu theo hành trình rước dâu, vọng ngân trong những ngày lễ tết và thao thiết tiễn đưa những người con của mường bản về với mường trời...

Vượt lên tính năng thông thường của một nhạc cụ truyền thống, như không ít miền quê khác, cồng chiêng ở miền Tây Nghệ An chở theo cùng thanh âm cả nền văn hóa, là sợi dây để con người ký gửi tâm linh trước cõi người và thế giới xung quanh. Trong hành trình tìm hiểu về cồng chiêng, chúng tôi đã bắt gặp và gom nhặt không ít những điều thú vị...

Già Vi Văn Tuyên, một bậc cao niên ở Mường Choọng (Quỳ Hợp) cho hay, cồng chiêng luôn gắn với đời sống tinh thần của bà con dân tộc Thái. Từ xưa đến nay, lễ rước dâu của người Thái trong vùng thường được tổ chức vào mờ sáng, dẫn đầu đoàn người rước dâu là những trai bản gõ nhịp cồng. Tiếng cồng rước dâu nhằm xua đuổi tà ma, dẫn dắt hồn người dâu mới về với nhà chồng. Không dồn dập rền vang như giai điệu cồng chiêng trong ngày lễ hội, tiếng cồng rước dâu điểm nhịp khoan thai trong tinh khôi sương sớm.

Một phần không thể thiếu trong khung cảnh lễ hội trên là sự có mặt của những giàn cồng chiêng. Tìm hiểu mới hay, để làm chủ được một giàn cồng chiêng trong ngày vui hội, quả là điều không đơn giản. Theo các nghệ nhân am hiểu văn hóa cồng chiêng ở mạn Tây Nam Quỳ Hợp thì cồng chiêng trong ngày hội của bà con dân tộc Thái cũng có những giai điệu, niêm luật riêng. Tựu trung lại, có ba giai điệu chính: Tí coong bổ, Tí coong hà và Tí coong tiền xất.

Múa Xái Coóng theo nhịp chiêng.
Múa Xái Coóng theo nhịp chiêng.

Mỗi giàn cồng chiêng thường có 4 chiếc, sắp xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, nếu đánh số theo thứ tự là 1, 2, 3, 4 thì có thể hình dung làn điệu Tí coong bổ phải được đánh từ chiêng số 1, rồi đến chiêng số 3, tiếp đến chiêng số 2, sau cùng là chiêng số 4; sau đó chuyển điệu 4- 2- 3- 1; 3- 2- 4- 1; 2- 3- 1- 4... Làn điệu Tí coong hà phải đánh từ chiêng số 4 đến chiêng số 3, tiếp đến là chiêng số 1 và chiêng số 4... Còn nữa, cùng với đánh chiêng là múa phụ hoạ, pí còke, thổi kèn. Đơn cử như đánh chiêng Tí coong bổ thì múa phụ hoạ phải là điệu Xái coóng.

Điệu Xái coóng là điệu múa tập thể, thường là các mẹ các chị cùng xếp thành vòng tròn cùng múa. Điệu múa không cầu kỳ về kỹ thuật nhưng luôn đòi hỏi mọi người trong giàn múa chân cùng bước đều, cùng với đó là những điệu lẩy tay hòa nhịp theo thanh âm cồng chiêng rộn rã.

Hòa cùng với nhịp cồng chiêng là tiếng trống. Trong mỗi dịp lễ hội, các nam thanh nữ tú thường thi đánh cồng chiêng và đánh trống. Các sơn nữ thường cầm trịch giàn chiêng, các trai bản trổ tài trong nhịp trống. Gõ trống không đơn thuần gõ trên mặt trống, mà còn thể hiện nét tài hoa khi đan xen những thanh âm gõ vào tang trống. Cái khó là làm thế nào đó để tiếng trống theo kịp nhịp cồng chiêng. Lúc ban đầu thường khoan thai, sau đó nhịp điệu cứ tăng dần, tăng dần, dồn dập, dồn dập lay động cả bản mường. Một trai bản tài hoa phải là người bắt kịp nhịp chiêng dồn dập vang ngân trong lúng liếng mắt cười sơn nữ, và sự dõi theo của bà con dân bản...

Theo thống kê của ngành Văn hóa Quỳ Hợp, hiện tại nhiều bản còn lưu giữ được những giàn chiêng cổ như bản Vi (Bắc Sơn), bản Quảng (Nam Sơn), bản Choọng (Châu Lý)... Bên cạnh đó, cũng không ít giàn cồng chiêng gia bảo hàng trăm năm tuổi đã ra đi vì những lý do khác nhau. Cùng với mối lo “chảy máu cồng chiêng” còn có sự thật đáng quan ngại, là ở các bản làng hiện nay người nắm được cách thức đánh cồng chiêng không nhiều, đa số đã cao tuổi, nguy cơ thất truyền là rất lớn!

Cồng chiêng “sống” được cùng bản mường là bởi những thanh âm chở nặng hồn bản, hồn mường, không dễ gì trộn lẫn. Làm thế nào để những giàn cồng chiêng quý không rời bản, không ngủ yên trên gác chạn, để bản làng sẽ mãi còn rộn tiếng chiêng ngân... là điều người viết luôn đau đáu khi viết những dòng này?!

Bài, ảnh: Cao Duy Thái

Mới nhất
x
Bài 1:Để mãi còn rộn tiếng chiêng ngân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO