Bài 1: Hiệu suất xử lý nước thải thấp

18/01/2012 11:28

(Baonghean.vn) - Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện "Chương trình sản xuất sạch hơn và xây dựng chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An" do Sở Công thương tổ chức vào tháng 12/2011 vừa qua, Nhà máy Tinh bột sắn Yên Thành được biểu dương là một trong 10 DN làm tốt việc khắc phục ô nhiễm môi trường, nhưng người dân thì nói ngược lại ! Vậy thực hư thế nào ?

Báo cáo từ Nhà máy và Nhà nước


Ông Phạm Minh Quý - Phó Giám đốc và ông Nguyễn Tân Hợi - Trưởng phòng Tổ chức nhà máy cho biết: Tháng 12/2007, Nhà máy mời đại diện Tập đoàn Năng lượng đa quốc gia của Mỹ (AES) tham quan nhà máy rồi ký một biên bản ghi nhớ sẽ đầu tư xây dựng cho Nhà máy hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ vi sinh yếm khí biogas. Đến 28/7/2008, Nhà máy cùng Tập đoàn AES làm lễ khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đến năm 2009 mới triển khai xây dựng, đầu năm 2010 mới bắt đầu chạy thử.



Mỗi ngày nhà máy tiêu thụ hơn 100 tấn nguyên liệu



Công đoạn rửa sắn nguyên liệu xả thải rất nhiều nước.


Theo thiết kế của AES, hệ thống này có khả năng xử lý 100% lượng nước thải của Nhà máy (trên 100m3/giờ), sau xử lý nước thải sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng năm 2010 hệ thống này chỉ xử lý được khoảng 20m3/giờ. Sau nhiều lần chuyên gia của AES đến nghiên cứu, bổ sung quy trình công nghệ, đến năm 2011 kết quả có được nâng lên, nhưng cho đến thời điểm này hệ thống mới chỉ có khả năng xử lý được khoảng 30 - 40m3/giờ - tức là chỉ xử lý được 40% số lượng nước thải của nhà máy.


Do vậy nhà máy chúng tôi phải "hãm" công suất sản xuất xuống tương ứng với năng lực hệ thống xử lý nước thải, mặc dù nguyên liệu - thiết bị và nhân lực của Nhà máy hiện nay có thể đạt tới trên 100 tấn nguyên liệu/ngày, tương đương xả 100m3 nước thải/giờ (gấp 2,5 lần năng lực của hệ thống xử lý nước thải).


Về chất thải khô (bã bột sắn, mùn vỏ cùi sắn), trước đây Nhà máy bán rẻ bã bột sắn cho dân dùng để chăn nuôi, còn mùn sắn thì cho dân đưa về ủ làm phân bón. Từ khi có chương trình "Sản xuất sạch hơn" thuộc Chương trình hợp tác phát triển về môi trường Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2006 - 2011, đã tư vấn và hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng cộng với vốn đối ứng của nhà máy trên 3 tỷ đồng, nhà máy đã xây dựng 2 phân xưởng chế biến bã sắn thành nguyên liệu để sản xuất thức ăn gia súc và chế biến mùn sắn thành phân vi sinh. Tháng 3/2011, 2 phân xưởng này đã chạy thử khoảng 10% lượng bã sắn và mùn sắn, cho kết quả tốt.


Nếu quả thực như lãnh đạo nhà máy cho biết thì nhà máy đang gặp khó vì hệ thống xử lý AES đang kìm hãm năng lực sản xuất, từ đó dẫn đến giảm việc làm cho công nhân, giảm doanh thu của nhà máy và không tiêu thụ hết sắn nguyên liệu của nguời nông dân trong vùng nguyên liệu đã hợp đồng trồng.



Phòng điều khiển hệ thống xử lý nước thải AES



Lượng bã sắn thải hàng ngày được thuê lao động mùa vụ đóng vào bì chuyển cho phân xưởng sấy khô làm nguyên liệu sản xuất
thức ăn gia súc.


Trong báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường) gửi HĐND tỉnh, có nội dung:


Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Yên Thành đi vào hoạt động từ năm 2004, công suất 50 tấn sản phẩm/ngày, đến 2009 nâng lên 120 tấn/ngày. Nhà máy đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải bằng hệ thống hồ sinh học. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhà máy thường xuyên gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, kết quả cho thấy, nhà máy có nhiều vi phạm về môi trường, trong đó nghiêm trọng nhất là xả nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường liên tục trong nhiều năm. UBND tỉnh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với nhà máy số tiền 36.500.000 đồng.


Ngày 22/1/2009, nhà máy đã hợp tác với Tập đoàn AES (Mỹ) xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 2.200 m3/ngày đêm.


Trong năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra tại nhà máy 2 lần:


-Tháng 4/2011: Cán bộ của Sở trực tiếp lấy mẫu, phân tích nước thải sau xử lý, chỉ tiêu SS (các thành phần chất rắn lơ lửng có trong nước) vượt 2,95 lần so với quy chuẩn.


-Tháng 10/2011: Theo báo cáo quan trắc của nhà máy gửi về Sở, phân tích nước thải sau xử lý còn một số chỉ tiêu chưa đạt: BOD5 vượt quy chuẩn 1,1 lần, COD vượt 1,24 lần.


-Tháng 11/2011: Cán bộ của Sở trực tiếp lấy mẫu, phân tích nước thải sau xử lý (tại thời điểm nhà máy không hoạt động) cho thấy: Các chỉ tiêu đều nằm trong quy chuẩn cho phép.


Và bản báo cáo kết luận: Đến thời điểm này, nước thải về cơ bản đạt quy chuẩn cho phép.

KS Đinh Sỹ Khánh Vinh - Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm môi trường (thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường), cho biết: Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Tinh bột sắn Yên Thành do Tập đoàn AES (Mỹ) xây dựng dựa trên nguyên tắc dùng vi sinh vật yếm khí hoạt động trong hầm kín UASB (phương pháp xử lý sinh học kỵ khí) để phân huỷ các chất hữu cơ trong nước thải (tạm hiểu như hầm biogas ở nông thôn ta hiện nay).

Do công nghệ đưa từ phương Tây sang nên có nhiều yếu tố chưa phù hợp với Việt Nam (như chủng vi sinh để cấy vào, nhiệt độ cho vi sinh hoạt động tốt nhất...), do đó, thời kỳ đầu hiệu suất xử lý chỉ đạt 20% yêu cầu, sau nhiều lần điều chỉnh đến nay đã nâng lên 30 - 40% của công suất thiết kế.


Tuy nhiên, hiệu suất này sẽ không ổn định mà còn phụ thuộc vào quá trình vận hành hệ thống. Nếu thường xuyên giám sát, điều chỉnh nhiệt độ để vi sinh hoạt động tối đa và nghiên cứu xét nghiệm liên tục để tìm chủng vi sinh cấy vào thích hợp nhất thì hiệu suất sẽ được nâng lên, và ngược lại.


-Hệ thống xử lý nước thải do Tập đoàn AES (Mỹ) đầu tư xây dựng, đưa công nghệ vào và lập trình vận hành tại nhà máy, nhưng nhà máy lại không quản lý công nghệ, không điều hành vận hành, mà chỉ tiếp nhận sản phẩm (nước sau xử lý). Nghĩa là nhà máy thuê AES xây dựng hệ thống và xử lý nước thải cho mình, trả tiền theo khối lượng và chất lượng nước đã xử lý. Bộ máy điều hành hệ thống xử lý nước thải là của AES, hoạt động độc lập với nhà máy. Như vậy, nhà máy không làm chủ công suất và chất lượng xử lý của hệ thống.


Như vậy, hệ thống xử lý nước thải AES tại nhà máy sử dụng công nghệ UASB (phương pháp xử lý sinh học kỵ khí) là phương pháp tối ưu. Nhưng hiện tại hiệu suất còn quá thấp và không ổn định, dẫn đến hạn chế sức sản xuất của nhà máy.

(Còn nữa)


Minh Thông

Mới nhất

x
Bài 1: Hiệu suất xử lý nước thải thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO