Bài 1: Học sinh bỏ học - Đâu là nguyên nhân?

03/10/2011 10:55

Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII nêu rõ: phấn đấu đến năm 2015 có 99,5% trẻ em trong độ tuổi tiểu học được đến trường; 75% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; tỷ lệ hoàn thành cấp học được duy trì ở mức 90% trở lên đối với cả ba cấp học... Tuy nhiên, có một thực tế vẫn xảy ra hàng năm, đó là còn nhiều học sinh bỏ học, đặc biệt sau dịp hè, dịp tết.

(Baonghean) - Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII nêu rõ: phấn đấu đến năm 2015 có 99,5% trẻ em trong độ tuổi tiểu học được đến trường; 75% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; tỷ lệ hoàn thành cấp học được duy trì ở mức 90% trở lên đối với cả ba cấp học... Tuy nhiên, có một thực tế vẫn xảy ra hàng năm, đó là còn nhiều học sinh bỏ học, đặc biệt sau dịp hè, dịp tết.

Thực trạng đáng báo động...

Năm học 2011-2012 đã bắt đầu được hơn 1 tháng nhưng ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu không khí đến trường trong những ngày này hãy còn kém vui, bởi lẽ: Trong nhiều năm qua, Sơn Hải là xã vùng biển có nhiều học sinh bỏ học nhất của huyện Quỳnh Lưu và năm nay cũng vậy. Đến thời điểm này tại Trường THCS Sơn Hải, số học sinh lớp 8, lớp 9 theo anh, theo bố, theo các chủ tàu đi câu thuê vẫn chưa trở về trường lên đến 25 em.

Đối với trường hợp 25 em này, Ban Giám hiệu Trường THCS Sơn Hải cũng không dám chắc các em có trở lại trường hay không. Thầy Hồ Đình Sáng, Hiệu Trưởng trường THCS Sơn Hải cho biết: "Đầu năm học Ban Giám hiệu phối hợp với chính quyền địa phương vận động các gia đình có con theo thuyền đi câu trở lại trường. Tác động với Đồn Biên phòng không cho trẻ chưa đủ tuổi lao động ra khơi".

Cái đói cái nghèo đeo riết, nhiều học sinh miền biển đã sớm bỏ cái chữ để bám biển. Hàng năm các cấp, ngành ở huyện Quỳnh Lưu đã tích cực thực hiện vận động đưa học sinh miền biển đến trường nhưng thông thường cứ phải mất hơn một tháng sau khai giảng mới vận động được các em đến lớp. Song, đến tết, khoảng giữa năm sau khi thi học kỳ 1 xong thì nhiều em do học lực yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại nghỉ học... Năm học 2010 - 2011, huyện Quỳnh Lưu có 234 học sinh bỏ học. Đầu năm học này toàn huyện Quỳnh Lưu có gần 200 học sinh chưa trở lại trường sau dịp nghỉ hè. Tập trung ở các xã Sơn Hải, An Hòa, Quỳnh Vinh, Quỳnh Lập, Quỳnh Tân, Quỳnh Xuân, Tiến Thủy, mỗi xã đều có từ 15 đến 25 học sinh bỏ học.



Ảnh: Thu Hương

Tính đến ngày 24/8/2011 (tức là sau ngày tựu trường 2 tuần), tỉnh Nghệ An có gần 800 học sinh chưa trở lại trường sau dịp nghỉ hè. Cụ thể bậc tiểu học có 22 học sinh, tập trung nhiều ở huyện Kỳ Sơn (14 em), Thanh Chương (5 em), Quỳ Hợp (1 em), Nghi Lộc (2 em); bậc THCS có 416 học sinh tập trung nhiều ở Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Tương Dương và bậc THPT có 348 học sinh tập trung nhiều ở các trường miền núi (Tân Kỳ 3, Tương Dương 2, Anh Sơn 3), các trường ngoài công lập (Lê Doãn Nhã, Bắc Quỳnh Lưu, Lý Tự Trọng, Ngô Trí Hòa). Trong đó, số học sinh bỏ học có 283 học sinh nữ và 226 học sinh người dân tộc. Đối tượng học sinh chưa trở lại trường sau hè chủ yếu là do học kém (681 em), gia đình khó khăn (420 em), đi học xa (128 em) và những nguyên nhân khác (90 em).

Có thể thấy rằng, số học sinh chưa trở lại trường sau dịp hè năm nay đã chững lại và giảm đáng kể so với những năm trước. Nhưng, các kết quả chưa có tính bền vững và dù ở vùng miền nào thì tình trạng học sinh bỏ học đều phụ thuộc vào ý thức học tập của chính các em, cũng như gia đình, sự quan tâm của nhà trường, địa phương và toàn xã hội... Tình trạng nhiều học sinh bỏ học như hiện nay là khó chấp nhận, cần nhận diện rõ nguyên nhân và có biện pháp giải quyết.

Những khó khăn ngăn bước tới trường

Ở những huyện miền biển và miền núi, hầu hết học sinh bỏ trường, bỏ lớp là do hoàn cảnh kinh tế gia đình của các em gặp nhiều khó khăn. Học sinh lớn thì phải vào rừng phát nương làm rẫy giúp đỡ gia đình, số học sinh tiểu học và mầm non ở nhà không ai chăm sóc, buộc phải theo cha mẹ lên nương. Điển hình tại bản Kim Hồng (xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương), cuộc sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn trong ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế hộ đã khiến nhiều người quay về Tương Dương. Do đó, năm học này cả bản có 28 học sinh nghỉ học theo cha mẹ chuyển ra khỏi địa phương.

Học sinh các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong... để đến trường phải vượt quãng đường rừng xa xôi, hiểm trở. Đó cũng là nguyên nhân khiến các em bỏ học. Học sinh xã biên giới Keng Đu (huyện Kỳ Sơn), phải vượt hơn 20 km đèo dốc để tới lớp. Trường THCS Keng Đu có một dãy nhà bán trú nhưng số lượng phòng ít ỏi nên chỉ ưu tiên được cho số học sinh của 3 bản xa nhất. Để kịp giờ học buổi chiều vào lúc 13h30, học sinh ở Keng Đu phải bắt đầu đi từ 9h30; những em phải học buổi sáng thì phải đi từ 4h sáng. Đường đến trường quá gian nan nên con chữ cũng vơi theo...Tương tự tại huyện Tương Dương, một số học sinh muốn theo học cấp 3 thì phải ra thị trấn Hòa Bình, cách bản làng nơi các em sinh sống cả trăm cây số, có nơi đi thuyền theo đường sông Nậm Nơn từ nhà đến trường mất 2 ngày trời như: Nhôn Mai, Mai Sơn, Luân Mai. Và ở huyện Con Cuông, học sinh các xã Đôn Phục, Thạch Ngàn phải mất buổi trời trèo đèo, vượt suối, bơi thuyền đến trường...

Thầy Phan Anh Tài, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho rằng: "Những năm trước, Con Cuông có nhiều học sinh người Đan Lai bỏ học sau hè. Nguyên nhân là học sinh ở vùng sâu ra học không có chỗ ở, phải ở nhờ trong dân phải tự túc ăn uống, tự phục vụ. Những điều này tạo tâm lý e ngại đi học xa. Chính phủ đã ban hành Thông tư 24 về xây dựng trường bán trú - đây là chủ trương tốt. Nhưng bất cập là Nghị định 85 triển khai cụ thể thông tư lại quy định tỷ lệ học sinh để được xây dựng trường bán trú thì Con Cuông và nhiều huyện khác không đủ tỷ lệ (phải có trên 50% học sinh người dân tộc, không quá 10% học sinh người Kinh - không thể về nhà trong ngày được có nhu cầu bán trú).

Thầy Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương cho rằng: "Ở miền xuôi và các thành thị phần lớn các em học sinh bỏ học là do học lực yếu. Nguyên nhân là ngành giáo dục chưa có những chương trình học quy chuẩn đánh giá riêng, phương pháp giáo dục mềm dẻo đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt... Liên quan đến việc học sinh bỏ học còn do chất lượng đầu vào của các cấp học không đều. Đối với những học sinh không có kiến thức cơ bản để học ở cấp cao hơn nhưng vì một lý do nào đó vẫn vượt qua các kỳ thi sẽ không thể theo kịp chương trình học mới nên chán học và nghỉ học do mặc cảm, xấu hổ". Thầy Bùi Minh Tuấn, giáo viên Trường THPT Kim Liên, huyện Nam Đàn thì đặt ra vấn đề trường lớp, giáo viên chưa tích cực: Năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm của một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm chưa cao. Sự kết hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và hội phụ huynh trong việc giáo dục học sinh yếu kém, học sinh cá biệt còn hạn chế. Việc thực hiện phân loại học sinh trong lớp để lên kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu kém trong các nhà trường hiện nay chưa thật tích cực. Trong khi đó, việc này đòi hỏi nhiều công sức, sự kiên trì và tâm huyết của những người có liên quan...

Có nhiều lý do dẫn đến học sinh bỏ học nhưng cái chính vẫn là ý thức học tập của bản thân học sinh, sự quan tâm việc học của gia đình và địa phương nơi cư trú.


Thảo Nhi - Thành Chung

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bài 1: Học sinh bỏ học - Đâu là nguyên nhân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO