Bài 1: Lợi ích cho nhà nông và nhà máy

13/05/2013 16:32

(Baonghean) - Nghệ An với tiềm năng rộng lớn về đất đai, lao động, đã hình thành được những nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu mía, chè, sắn, lạc, cao su, dứa… rộng lớn mà sự hợp tác của 4 nhà: nhà máy, nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước đã trở thành tất yếu, mang lại hiệu quả cho cả các bên. Trong đó, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất kinh doanh thực chất là liên kết giữa nông nghiệp và công nghiệp, trên cơ sở thỏa thuận, cùng có lợi và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đến thời điểm này, Nghệ An đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu và thu hút đầu tư được nhiều dự án, nhiều nhà máy về, đặc biệt là các nhà máy chế biến nông sản. Nông nghiệp đã được chắp cánh nhờ giải quyết được thị trường, áp dụng được khoa học kỹ thuật, năng suất, sản lượng tăng. Mối liên hệ “4 nhà” thể hiện khá rõ, đặc biệt là liên kết giữa nhà máy và nhà nông. Có không ít nhà máy dù không có hỗ trợ của Nhà nước, nhưng họ vẫn bền bỉ gắn bó với nông dân vì sự tồn tại của chính mình.

Tân Kỳ - huyện miền núi khó khăn, hơn chục năm qua đã giàu lên nhờ một phần từ cây mía. Trải dài từ những đồi thấp, thung lũng cho đến vùng bãi, vùng màu, cây mía nhiều năm qua đang là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân nơi đây. Giai Xuân, Tân Xuân, Tân Hợp, Đồng Văn, Tân An… đồng bào Kinh hay Thái, Thổ đều đã thuần thục trong canh tác và chăm sóc mía, tạo sản phẩm cho Nhà máy Đường Sông Con đóng trên địa bàn. Theo đường Trại Lạt - Cây Chanh về Nghĩa Phúc, Đồng Văn, Tiên Kỳ, đâu đâu cũng là màu xanh của mía. Nghĩa Đồng, Nghĩa Hoàn còn đưa mía xuống ruộng. Gia đình ông Đào Công Bá ở xóm 5, Nghĩa Hành có 5 sào mía, cơ cấu giống MI, nhờ đầu tư thâm canh, 1 sào mía ngoài phân NPK nhà máy cho vay, ông còn bón 1 tấn phân chuồng. Năng suất mía đạt hơn 70tấn/ha, vụ mía năm nay ông Bá ước tính lãi được 20 triệu đồng. Ông cho hay, trồng mía được nhà máy lo chu đáo, cần giống có giống, cần phân có phân, giá mía 3 năm nay khá cao nên ông và bà con trong xóm đều dồn đầu tư cho mía. Mối quan hệ giữa nhà máy và người trồng mía rất tốt.

Có được vùng nguyên liệu ổn định như hôm nay (5.500 ha), bài học rút ra ở Nhà máy Đường Sông Con là thủy chung với người trồng mía. Đó là việc thực hiện mua mía giá cao, ổn định trong 3 năm cho nông dân; đầu tư phân bón, máy cày đất, hợp đồng thu mua 3 năm 1 lần.

Ở Nhà máy Đường Tate & Lyle (Quỳ Hợp), xác định được nguyên liệu là yếu tố sống còn, nhiều năm qua, nhà máy đã có nhiều chính sách phát triển vùng nguyên liệu mía. Quy hoạch, kiểm tra kỹ sản lượng, bố trí nông vụ “ba cùng” tại vùng nguyên liệu, đầu tư phân bón, kỹ thuật, giống mới, hỗ trợ, khuyến khích người trồng mía giỏi, khen thưởng các chủ hợp đồng lớn… Cách làm của Nhà máy Đường Tate & Lyle là coi trọng các chủ hợp đồng lớn, đồng thời chú trọng phát triển vùng nguyên liệu ở vùng sâu, vùng xa. Nhờ vậy, nhà máy ổn định nguyên liệu nhờ những hợp đồng “cứng”, dù thực tế nhiều hộ gia đình nhỏ lại khó tiếp cận được với chính sách của nhà máy.

Huyện Thanh Chương được coi là “thủ phủ” của cây sắn và cây chè, nhờ có sự liên kết “4 nhà” mà 2 loại cây trọng điểm này trong nhiều năm qua được tiêu thụ ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho hàng ngàn hộ dân, đặc biệt là hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ. Thời điểm này tại xã Ngọc Lâm đang khẩn trương thu hoạch sắn cuối vụ. Ông Lô Văn Cả ở bản Lạp, xã Ngọc Lâm tâm tư: “Đất vùng tái định cư cằn cỗi, hiện gần như chỉ có cây sắn là sống được. Nhờ sắn mà chúng tôi ổn định cuộc sống. Gia đình tôi có 6 sào sắn cao sản vừa thu hoạch xong đạt năng suất 12 tạ/sào. Bán với giá 1.700 đồng/kg, thu được trên 2 triệu đồng/sào/năm. Sắn đạt năng suất cao là nhờ huyện, xã tuyên truyền vận động người dân đưa vào trồng giống sắn mới KM94. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cho bà con gieo trồng và chăm sóc sắn. Người trồng sắn không phải lo sắn khó bán bởi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương đứng ra mua hết. Nhưng đất trồng sắn nhanh bạc màu, vì vậy chúng tôi rất cần Nhà máy chế biến tinh bột sắn hỗ trợ tiền đầu tư phân bón cải tạo đất”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, ông Lô Huy Hùng thì cây sắn là cây giảm nghèo của xã, dễ trồng, ít kén đất. Những năm qua, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương đã có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ cho người nông dân trồng sắn, như ngoài việc cho vay không lãi suất, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống sắn mới có năng suất cao vào sản xuất. Vì vậy, cây sắn đã phát triển khá nhanh, hiện tại Ngọc Lâm có trên 350 ha sắn, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha/năm. Vấn đề đặt ra hiện nay là người dân chưa có thói quen trồng rải vụ nên dẫn đến tình trạng có thời điểm ứ đọng nguyên liệu. Quỹ đất trồng sắn ở Ngọc Lâm còn khá nhiều cần sự đầu tư của Nhà nước và nhà máy để mở rộng diện tích.

Vùng nguyên liệu sắn của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương hiện có trên 5.000 ha, riêng huyện Thanh Chương là 2.800 ha. Trong năm 2012, nhà máy tiêu thụ sắn cho nông dân trên 130.000 tấn sắn, sản xuất được 33.000 tấn tinh bột sắn, tổng doanh thu trên 300 tỷ đồng, nạp ngân sách Nhà nước trên 13 tỷ đồng. Để phát triển vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Quốc Hoàn – Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Thanh Chương cho hay: Nhà máy có trên 80 đại lý chuyên thu mua sắn ở các xã trọng điểm trồng sắn như Thanh Mỹ, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Sơn, Ngọc Lâm… đảm bảo bà con thu hoạch đến đâu thu mua tới đó và không nợ tiền của dân. Một số thời điểm còn ứ đọng nguyên liệu là do một số vùng chưa trồng rải vụ, (chủ yếu trồng sắn vụ thu) thu hoạch cùng lúc nên công suất nhà máy không thể đáp ứng.

Trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông… chè được coi là “cây mũi nhọn”, cây xóa đói, giảm nghèo. Tại các vùng chè đã tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà máy và nông dân từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Anh Đặng Bá Chất ở xóm 2, xã Thanh Thuỷ - Thanh Chương, một trong những hộ thoát nghèo từ cây chè cho biết: Nhiều năm nay gia đình duy trì hơn 1 ha chè, mỗi lứa thu trên 4-5 tấn chè búp, mỗi năm thu từ 6-7 lứa. Xí nghiệp chè Ngọc Lâm thu mua chè búp tươi ổn định nên người dân yên tâm sản xuất.



Hái chè bằng máy ở xã Thanh Mai (Thanh Chương)

Gia đình ông Nguyễn Như Đạo ở xã Thanh An – Thanh Chương trồng 1,2 ha chè chủ yếu giống mới PH1. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình chăm sóc chè, kỹ thuật đốn tỉa và thu hoạch bằng máy nên chè đạt năng suất cao, mỗi lứa cho thu hoạch đạt trên 6 tấn. Gia đình mạnh dạn đầu tư máy hái chè đạt 100 kg búp/giờ, trong khi một người hái chè cật lực cả ngày được trên 25 kg chè búp. Hiện cả xã Thanh An đã có trên 100 máy hái chè.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Kỷ - Cán bộ Xí nghiệp Chè Ngọc Lâm, được biết: Vùng nguyên liệu chè của xí nghiệp có trên 400 ha, mỗi năm tiêu thụ trên 5.000 tấn chè búp tươi. Xí nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng đổi mới chế biến công nghệ chè, nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ bản tiêu thụ chè hết cho người dân, ít xảy ra ứ đọng nguyên liệu. Ông Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An nói: Đối với liên kết “4 nhà”, công ty chỉ đạo 8 xí nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng mua bán với trên 3.000 hộ dân Nghệ An theo Quyết định số 80 của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm công ty đầu tư trên 12 tỷ đồng cho vay không lãi suất để bà con mua vật tư phân bón chăm sóc chè. Đối với các hộ dân lân cận nằm ngoại vùng muốn tham gia ký kết hợp đồng, công ty sẵn sàng ký kết.

Hiện nay, Công ty Chè Nghệ An có vùng nguyên liệu 7.000 ha, trong đó có hơn 4000 ha chè kinh doanh. Sản lượng chè tươi hàng năm đạt gần 30.000 tấn, chè khô hơn 6.000 tấn. Sản phẩm chè đen CTC 4.000 tấn, chè xanh các loại là 2.000 tấn. Năm 2010, sản phẩm chè của Công ty TNHH MTV ĐT và PT chè Nghệ An là 1 trong 5 sản phẩm của địa phương vinh dự được nhận danh hiệu Sản phẩm thương hiệu hàng đầu Nghệ An, càng mở ra những cơ hội mới trong sản xuất, kinh doanh và hội nhập. Nhà máy Đường Tate & Lyle, Nhà máy Đường Sông Con, Sông Lam đã làm nên một trong những trung tâm mía đường của ngành Mía đường cả nước. Hầu hết các nhà máy, công ty đều có lãi, vùng nguyên liệu ngày một mở rộng, công suất chế biến được nâng lên, công tác đầu tư đổi mới công nghệ được chú trọng, tạo nhiều việc làm cho cán bộ, công nhân viên nhà máy.

(Còn nữa)

Nghệ An có quỹ đất nông nghiệp hơn 19,5 vạn ha, diện tích đất trống, đồi trọc chưa sử dụng trên 58 vạn ha, tài nguyên rừng, biển khá phong phú. Tính đến nay Nghệ An có 20.542 ha lạc, sản lượng đạt 42.962 tấn/năm; hơn 23.300 ha mía, năng suất 55 tấn/ha, sản lượng mía đạt 1.290.000 tấn/năm; hơn 20.900 ha sắn, sản lượng đạt 458.000 tấn/năm; tổng diện tích cà phê 1.269 ha, sản lượng 1.900 tấn/năm; diện tích dứa quả 1.650 ha, sản lượng 22.000 tấn/năm; 5.300 ha vừng, sản lượng 2.311 tấn/năm…



C.Lan - V.Trường

Mới nhất
x
Bài 1: Lợi ích cho nhà nông và nhà máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO